Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

SAP nỗ lực giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19

Tập đoàn công nghệ phần mềm nền tảng doanh nghiệp thông minh SAP (Đức) vừa tổ chức sự kiện SAPPHIRE NOW Converge 2020 trực tuyến từ ngày 15 tới 19-6-2020. Tại đây, SAP công bố hàng loạt sáng kiến mới giúp tăng cường tính bền vững sau đại dịch COVID-19.

Nhân dịp này, ông Thomas Saueressig, Thành viên HĐQT SAP phụ trách chiến lược và thiết kế sản phẩm (Product Engineering), đã có cuộc trao đổi với giới báo chí Châu Á. Với sự trợ giúp của Công ty truyền thông Sky Aries, đối tác truyền thông của SAP ở Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc tóm tắt cuộc trao đổi này.

Ông Thomas Saueressig.

Ông Thomas Saueressig là ngôi sao đang lên trong làng công nghệ toàn cầu, với tuổi đời còn rất trẻ (ông sinh năm 1985), nhưng đã khẳng định được năng lực ở vị trí lãnh đạo cấp cao của SAP. Ông là một trong 40 gương mặt trẻ toàn cầu được Tạp chí Fortune vinh danh vào năm 2016 (Fortune 40 under 40).  Trong HĐQT SAP, ông là nhà bảo trợ cho khu vực Châu Á (Board Sponsor for Asia),và thường xuyên làm việc với các khách hàng SAP tại Châu Á.

  1. Theo ông, đại dịch COVID-19 đã thay đổi những gì trong lĩnh vực công nghệ?

Ông Thomas Saueressig: Trong bối cảnh phải đối mặt với đại dịch, các doanh nghiệp đều phải chú trọng vào những hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp. Đối với SAP, chúng tôi thấy mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp là chuỗi cung ứng, kế đến là thương mại đa kênh (omni-commerce), trong đó nhu cầu về thương mại điện tử (e-commerce) đang tăng rất mạnh. SAP đang nỗ lực hỗ trợ khách hàng trong 2 lĩnh vực này. Chúng tôi vừa quyết định sẽ tung ra các sáng tạo mới hàng quý để mang đến những tính năng mới một cách nhanh nhất có thể được tới khách hàng.

  1. SAP sẽ hỗ trợ gì cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), những doanh nghiệp đang thực sự rất khó khăn trong đại dịch này?

Một trong những thách thức lớn nhất của các DNVVN là dòng tiền. Chính vì vậy việc ứng dụng các giải pháp điện toán đám mây sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Với điện toán đám mây, các DNVVN không cần phải đầu tư một khoản tiền lớn để mua giải pháp SAP, mà có thể đăng ký dưới hình thức thuê bao (subscription) hoặc trả theo nhu cầu sử dụng (pay-per-use). Ngoài ra, chúng tôi cũng có nhiều gói phần mềm được tích hợp các quy trình chuẩn dành cho các DNVVN, giúp họ giảm đáng kể chi phí triển khai, đồng thời sở hữu những quy trình kinh doanh tối ưu nhất.

  1. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất thường sử dụng rất nhiều lao động, và có nhiều ý kiến cho rằng sản xuất thông minh sẽ dẫn đến việc các công ty sẽ tuyển dụng ít lao động hơn. Ông nghĩ sao về điều này?

Khi các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, họ sẽ cần ít lao động làm các việc đơn giản hơn. Do đó, đúng là nhu cầu về lao động phổ thông sẽ sụt giảm. Tuy nhiên, nếu nhìn lại các tiến bộ công nghệ trong vòng 100 năm trở lại đây, chúng ta có thể thấy càng ứng dụng nhiều công nghệ mới thì sẽ càng có nhiều việc làm hơn. Tất nhiên, những việc làm mà công nghệ mới tạo ra sẽ cần những kỹ năng hoàn toàn khác, thí dụ thay vì cần nhiều lao động phổ thông thì chúng ta sẽ cần nhiều lao động kỹ thuật hoặc nhiều chuyên gia phân tích hơn.

Tôi nghĩ rằng vấn đề mà chúng ta cần quan tâm là công tác đào tạo – làm thế nào để đào tạo được đội ngũ nhân sự với các kỹ năng 4.0 cần thiết khi doanh nghiệp ứng dụng sản xuất thông minh. Đào tạo không chỉ là bài toán của mỗi cá nhân, mà sẽ là bài toán của mọi doanh nghiệp cũng như của mọi quốc gia.

  1. Theo ông, các doanh nghiệp Đông Nam Á đã sẵn sàng để trở thành các doanh nghiệp thông minh chưa?

Các doanh nghiệp Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng luôn làm tôi bất ngờ về tính năng động và khả năng thay đổi. Họ cũng rất cởi mở với những công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Trong khi ở Châu Âu hoặc Mỹ, mọi giao dịch vẫn được thực hiện chủ yếu qua tiền mặt hoặc thẻ tín dụng, thì ở Đông Nam Á, ví điện tử đã trở nên hết sức phổ biến. Hay tại bất kỳ thành phố Đông Nam Á nào, chỉ cần bạn đi đâu đó trong vòng 3 tháng, khi quay lại thì sẽ thấy rất nhiều thay đổi. Tôi tin chắc rằng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp Đông Nam Á sẽ dẫn đầu trong cuộc đua trở thành Doanh nghiệp Thông minh.

Trong HĐQT SAP, tôi được giao nhiệm vụ phụ trách khu vực Châu Á và tôi rất nóng lòng quay trở lại để gặp gỡ khách hàng và tận mắt chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của khu vực này.

  1. Trong bài phát biểu keynote của mình tại SAPPHIRE NOW, ông đã tập trung rất nhiều vào phát triển bền vững (sustainability), trong khi các doanh nghiệp toàn cầu đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Tại sao ông lại chọn thời điểm này để tập trung vào một vấn đề hơi “xa xỉ” như phát triển bền vững?

Biến đổi khí hậu hiện là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Hiên nay, mọi doanh nghiệp đều đang tập trung đối phó với COVID-19. Tuy nhiên sớm muộn gì COVID-19 cũng sẽ kết thúc, và các doanh nghiệp cần phải sớm chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19.   Chúng ta cần bắt đầu có những hành động về phát triển bền vững ngay bây giờ, để thúc đẩy những thay đổi mà chúng ta muốn có được trong tương lai.

  1. Theo ông, những ngành công nghiệp nào ở Đông Nam Á sẽ là các doanh nghiệp tiên phong về phát triển bền vững?

Tất nhiên mọi doanh nghiệp đều cần chú trọng đến vấn đề môi trường, tuy nhiên các doanh nghiệp tiên phong sẽ là các doanh nghiệp có khối lượng khí thải carbon cao như các doanh nghiệp sản xuất, ô tô, xây dựng, khai thác khoáng sản,… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý đo lường lượng khí thải carbon không chỉ trong khâu sản xuất, mà còn xuyên suốt chuỗi giá trị như khâu thu mua, vận chuyển, phân phối, tiêu thụ. Khi chúng ta có các số liệu cụ thể, chúng ta sẽ biết vấn đề nằm ở đâu và cần phải làm gì để cải thiện tình hình.

  1. Ông có thể chia sẻ về chiến lược trung tâm dữ liệu của SAP?

Hiện SAP đang có 45 trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng hợp tác với các đối tác như Google Cloud, Alibaba Cloud để tận dụng trung tâm dữ liệu của họ.

MEDIAONLINE

+ Ảnh do SAP cung cấp.