Thứ Ba ngày 05 tháng 11 năm 2024

Chuyển đổi số hỗ trợ hiệu quả cho mục tiêu kép

Có 2 nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số và đại dịch COVID-19. Một là, chuyển đổi số trong thời COVID-19 chính là một trong những giải pháp để giúp các nước đạt được mục tiêu kép: vừa giãn cách xã hội phòng chống lây nhiễm virus hiệu quả hơn, vừa không làm đình trệ nền kinh tế và các hoạt động cuộc sống xã hội. Hai là, người ta cũng phải biết khai thác những tác động của COVID-19 như một cú huých để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số toàn diện, đặc biệt là chuẩn bị cho sự phục hồi thời sau dịch.

Nước nào đã chuyển đổi số tốt, có độ ứng dụng trên mạng càng đa dạng và càng rộng thì đương đầu với đại dịch toàn cầu COVID-19 càng “thần thái” hơn. Với đặc thù của virus SARS-CoV-2 và quy mô kinh khủng của đại dịch này, các nước đều phải giãn cách xã hội hay thậm chí có lúc phải phong tỏa bế môn tỏa cảng, mọi người phải hạn chế tới mức thấp nhất các giao tiếp trực tiếp, các cơ quan và dịch vụ phải hoạt động trên Internet, làm việc từ xa tại nhà.

(Nguồn: Internet. Thanks)

Có thể nói là từ đầu năm 2020 tới nay, khi dịch từ Vũ Hán (Trung Quốc) bùng phát và nhanh chóng bám theo các dòng người xê dịch lan rộng khắp toàn cầu (tới nay có 213 nước và vùng lãnh thổ có dịch), hầu như toàn thể nhân loại đều bị ngăn sông cấm chợ, phải sống trên mạng Internet. Từ làm việc, học hành, khám chữa bệnh tới giao dịch, mua sắm, giải trí tất tần tật đều online. Và chính chuyển đổi số đã giúp cho xã hội vận hành tiếp tục một cách ổn hơn và cho mọi người an tâm và thoải mái mà sống hơn.

Tổ chức Hợp tác Quốc tế KPMG của Thụy Sĩ nhân định rằng: Khi đợt bùng phát COVID-19 mở rộng từ tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu sang được xếp vào loại đại dịch toàn cầu, nhiều công ty đã chuyển hầu hết, nếu không phải tất cả, nhân viên của họ sang làm việc từ xa để ứng phó. Đồng thời, một số trường phổ thông, cao đẳng, đại học đã đóng cửa cơ sở và chuyển sang hình thức đào tạo từ xa. Điều này nhấn mạnh lại thực tế rằng công nghệ tồn tại ngày nay cho phép các tùy chọn từ xa này giúp chống lại loại virus này. Đó là sự đổi mới từ lĩnh vực công nghệ gần như đã được coi là đương nhiên. Nhận thức được vai trò của công nghệ trong cuộc chiến chống lại COVID-19, ngành công nghệ đã đáp lại lời kêu gọi hành động của Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ ứng phó với đại dịch COVID-19 toàn cầu. Các công ty công nghệ như Google, Facebook, Amazon, Microsoft, IBM và Twitter đã cùng nhau thảo luận với chính phủ Hoa Kỳ về các nhu cầu và giải pháp đáp ứng. Giám đốc Công nghệ Hoa Kỳ Michael Kratsios cho biết: “Các công ty công nghệ tiên tiến và các nền tảng trực tuyến lớn sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chung tay này.”

Trong khi đó, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) muốn rằng trong thời hậu COVID-19, chuyển đổi số sẽ phục hồi thành nền kinh tế xanh. Khi một số nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại và phục hồi sau đại dịch COVID-19, mục tiêu không phải là trở lại “bình thường”, mà là để xây dựng trở lại tốt hơn, đó là nền kinh tế bao trùm, xanh và bền vững.

Tạp chí kinh doanh Mỹ Forbes đã đưa ra 10 xu hướng chuyển đổi số hàng đầu trong năm 2020, gắn với thời hậu COVID-19. Tác giả Daniel Newman viết rằng: “Nhìn chung, COVID-19 đã khiến mọi thứ diễn ra nhanh hơn. Hầu hết các xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai khi COVID-19 tiếp tục lan rộng. Chúng ta đang tận mắt chứng kiến rất nhiều điều trong số này có thể giúp chúng ta vẫn còn được kết nối và vẫn còn khỏe khoắn.” Forbes nhấn mạnh tới các xu hướng: COVID-19 thúc dẩy mạng 5G tiến nhanh hơn; kết nối WiFi 6 cao tốc sẽ tới sớm hơn; phân tích học là một thế mạnh cạnh tranh; AI và Máy học (Machine Learning) giúp thúc đẩy các doanh nghiệp vượt qua đại dịch;  Blockchain cần thiết cho cuộc chiến chống đại dịch; …

Ở Việt Nam, cho tới nay, có tín hiệu tốt lành là COVID-19 có thể làm suy giảm hoạt động kinh tế nhưng lại được biến thành một cú huých cho công cuộc chuyển đổi số một cách toàn diện hơn. Quan điểm này đã được thông suốt từ thượng tầng kiến trúc tới hạ tầng cơ sở. Bởi từ thực tiễn của thời đại dịch, người ta hiểu rõ hơn ích lợi và sự cấp thiết của nỗ lực chuyển đổi số – một thành tố cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà Việt Nam đang khẩn trương tiến hành.

Đại dịch COVID-19 đã và sẽ làm thay đổi mọi thứ trong cuộc sống xã hội trên quy mô toàn cầu. Chuyển đổi số cũng không thể giống như trước. Nó phải cụ thể hóa và tập trung vào việc khôi phục lại mọi hoạt động xã hội khi đại dịch qua đi. Nói cách nào đó, chuyển đổi số giờ đây phải tính chuyện phục vụ cho thời hậu COVID-19.

Xin mời đọc bài in trên báo Người Lao động số Chủ nhật 16-8-2020 và trên báo Người Lao động Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC