Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

“Ngày hội Công nghệ Giáo dục” cùng Microsoft trong thời chuyển đổi số

Với mục tiêu giới thiệu các giải pháp công nghệ phát triển giáo dục số trong thời chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Microsoft Việt Nam và Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM đã phối hợp tổ chức “Ngày hội Công nghệ Giáo dục” tại TP.HCM ngày 28-10-2020.

Lãnh đạo Cục Công nghệ Thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở/phòng Giáo dục – Đào tạo nhiều tỉnh thành cùng hơn 200 lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, học viện và phổ thông khu vực TP.HCM và lân cận đã tham dự sự kiện này đông tới mức hội trường rộng lớn chật kín.

Theo ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ có cơ sở hạ tầng và công nghệ, mà còn phải nhằm xây dựng những công dân số để có thể tham gia nền kinh tế số và xã hội số. Đối tượng chính của chuyển đổi số trong giáo dục là giáo viên, những người trước tiên phải trở thành những công dân số.

Báo cáo của ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin của Bộ GDĐT, cho thấy Bộ đã rất coi trọng CNTT nói chung và chuyển đồi số nói riêng trong giáo dục. Cách làm đang đi đúng hướng. Hiện đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục tập trung và thống nhất có ứng dụng công nghệ AI và Big Data. Đây là database dùng chung và đã bao gồm toàn bộ hệ thống giáo dục cả nước, cho tới cả nhóm trẻ gia đình. Mỗi học sinh có 1 mã định danh và sử dụng vĩnh viễn trong xã hội học tập suốt đời. Bộ không chỉ thu thập dữ liệu về học tập của từng học sinh mà từ năm 2020 đang thí điểm tại 10 tỉnh thành việc thu thập dữ liệu về thể chất, như thể trạng, chỉ số xương, có biết bơi không,… Bộ xác định chuyển đổi số trong giáo dục được tiến hành theo việc, như việc dạy, việc học, việc kiểm tra – thi cử,… để tùy theo từng việc mà có giải pháp chuyển đổi số phù hợp. Ông Hải nhấn mạnh tới từ “phù hợp” để tránh lạm dụng hay cưỡng ép về công nghệ. Ông nói rằng Bộ đang đi theo hướng thống nhất công nghệ thay vì riêng rẽ như trước – thống nhất nhưng không tạo ra độc quyền. Toàn bộ ngành giáo dục dùng chung một cơ sở dữ liệu quốc gia. Tất cả các ứng dụng phần mềm đều phải tương thích và liên thông với nền tảng khung của bộ, kết nối với cơ sở dữ liệu giáo dục quốc gia. Các giáo viên và các cán bộ quản lý giáo dục được giải thoát khỏi tình trạng phải nhập dữ liệu riêng rẽ cho từng ứng dụng.

Ông Phạm Thế Trường cũng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo về cơ bản đã chấp thuận đề xuất của Microsoft để pháp lý hóa các văn bản, tài liệu số ngay từ cấp giáo viên. Chẳng hạn, như sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử,… khi cần có thể được in ra giấy và được giáo viên cũng như nhà trường kỷ xác nhận là có giá trị pháp lý.

Xin mời đọc nội dung trên MediaOnline.