Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Vì sao có người lại yêu ông Trump đến thế?

Cho 1 giây sống thiệt như ông Trump đã sống thiệt, là một kẻ ba phải: yêu Trump mà hỗng ghét Biden, A Phủ kiên định với nhận định về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 là “30 chưa phải là Tết”, nhưng mỗi ngày trôi qua lại thêm tin rằng định mệnh đã an bài cho nước Mỹ trở lại bình thường như nhiều trăm năm trước 2017, chỉ mong sẽ là một “new normal”.

Bất luận thế nào, trong 4 năm đã qua ở Nhà Trắng, ông Trump – một tỉ phú bất động sản và trùm showbiz chuyên nghiệp tay ngang chính trị – đã cho thế giới thấy một POTUS phi chuẩn đầu tiên ra sao và một nước Mỹ sau khi có người xới tung lớp phấn son trầm tích nó phơi bày thế nào. Hiếm có một nhân vật nào multi-face như ông Trump, hiếm có một chính khách nào (giờ ông ấy là chính khách) lại có sức thu hút cực đoan như vây: yêu Trump cực phát cuồng, ghét Trump cũng cực phát hận. Ông Trump quả thật chỉ thêm vai trò chớ không bỏ cá tính. Vào thời điểm cuối nhiệm kỳ sau 4 năm làm “chủ tịch kiêm CEO” Nhà Trắng, ông Trump vẫn là một tỷ phú bất động sản trùm showbiz đi làm tổng thống.

Và cho dù ai có là chủ nhân Nhà Trắng trong 4 năm tới, các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp (không phải các “thánh Phây” à nghen) cũng sẽ phải giải mã cho được cái “hiện tượng Trump”, tìm lời giải cho câu hỏi vì sao sau 4 năm chưa một ngày biển êm sóng lặng, ông Trump vẫn có được hơn 70 triệu cử tri bầu cho (so với hơn 63 triệu của năm 2016) và chỉ thua ông Joe Biden khoảng 5 triệu phiếu cử tri phổ thông (theo số liệu giới media công bố). Chắc là không thể đó toàn là những kẻ ngu si, thấp hèn, cuồng tín, mù quáng, bị ông Trump dẫn dụ.

A Phủ xin phép được chia sẻ một góc nhìn cho thêm rộng đường “chém gió” từ bạn Dao Tang Luc, một kiến trúc sư Việt sống ở Úc. A Phủ ba phải và chỉ làm công chuyện thông tin đa chiều, nhưng cũng đành chấp nhận mất thêm một số follower như mấy bữa nay đã xảy ra khi thấy A Phủ không chịu nói ngọt tai ưng ý họ. A Phủ chỉ biết xin lỗi vì đã làm họ không vui.

Ông Donald Trump (Photograph by Brendan Smialowski / AFP / Getty/ Internet. Thanks.)

TRUMP THẬT ĐÁNG YÊU – TẠI SAO KHÔNG?

Chưa bao giờ, cuộc bầu cử ở Mỹ quốc xa xôi, lại có sức ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại đến như vậy. Cả thế giới ngóng trông, bàn luận, cá cược, và… tổng xỉ vả nhau. Nhân vật chính trong cuộc bầu cử này, rõ ràng không phải là Biden và Trump, mà chỉ có Trump thôi. Bởi lẽ, Trump đã chiếm trọn spotlight của ánh đèn sân khấu. Kẻ thì mong rằng idol của mình tiếp tục cầm quyền, còn anti-fan thì cầu cho Trump rớt ghế chỏng gọng. Trong khi đó, những thành phần tự nhận là elite tinh hoa đưa ra những phân tích sắc bén rằng, những kẻ yêu Trump đa phần là thất học, có tâm lý tự ti, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, hèn kém… Nói chung rất là nhiều luận điểm rất sắc sảo. Mình đành chịu, vì không phải là elite, nên phải nhận lấy thôi. Mình thì không cuồng Trump, nhờ Trump làm tổng thống Mỹ mà mình thấy Trump đáng yêu. Giờ Trump nếu không làm tổng Mỹ nữa thì cũng chẳng sao. Trump đã đáng yêu trong 4 năm qua rồi.

Tại sao không?

Đấy là một câu hỏi bắt đầu cho sự sáng tạo và phá vỡ định kiến. Thường khi đi tìm giải pháp, chúng ta thường hay lựa chọn những giải pháp có sẵn, và phân tích bằng các câu hỏi tại sao phải dùng chúng. Câu trả lời thường có giới hạn. Nhưng khi bắt đầu đặt câu hỏi “Tại sao không?”, bạn đã phá vỡ giới hạn của vấn đề, và bạn sẽ có vô hạn các giải pháp, thậm chí là những giải pháp trời ơi đất hỡi. Nhưng đó mới là sức mạnh thực sự của sáng tạo. Không tin thì đi hỏi Eistein, mắc mớ gì ổng đưa ra Thuyết tương đối, chắc là ổng sẽ trả lời “Tại sao không?”

Quay trở lại chuyện Trump, lúc Trump lên làm tổng thống, mình thực ra cũng có tí thất vọng, vì nước Mỹ đã lỡ mất cơ hội ngàn năm có một là chứng kiến hai vị tổng thống đã từng ăn nằm với nhau. Tiếc là, nước Mỹ vẫn còn thủ cựu, không chấp nhận được chuyện đó, thế là Trump lên. Và 4 năm qua, thế giới cuồng điên theo Trump. Sự cuồng điên đó được khắc họa bởi truyền thông. Lẽ dĩ nhiên, đa phần chúng ta ngày nay, đều bị phân cực theo 2 xu hướng, tin vào truyền thông, và thuyết âm mưu.

Bỏ qua lớp màng nhầy của thông tin, mình lại có những nhận định khác.

Thứ nhất, về bản lĩnh, Trump là một tay mơ về chính trị, nhưng dám bước chân vào chính trường, đấu lại với một vị Ngoại trưởng lừng danh, vợ của một cựu Tổng thống cũng lừng danh không kém. Cứ cho rằng, phía sau Trump là cả một hệ thống tài phiệt, mafia chống lưng đi chăng nữa, thì việc dám đứng ra và bước lên sân khấu cũng thể hiện rõ bản lĩnh của Trump rồi.

Làm một phép so sánh đơn giản, cựu thị trưởng Newyork, Michael Bloomberg, tài sản gấp 17 lần Trump, kinh nghiệm chính trường dày dạn, ghét Trump cay đắng, nhưng đã rút khỏi cuộc đua tổng thống chỉ sau vài đợt tranh cử. Vậy ai hơn ai? Có người sẽ nói rút lui cũng là một hành động thức thời, của kẻ thông minh. Ừ, thì khi tin rằng mình không thể thắng thì đúng là thế. Trump có thể là kẻ ngông cuồng, bất thường, nhưng rõ ràng, ông ta là một con người kiên định với mục tiêu, chỉ những kẻ có bản lĩnh thực sự mới kiên định đến cùng cho những thứ mình tin.

Thứ hai, Trump phá vỡ tất cả định kiến về chính trị gia. Mình không nói là Trump đạo đức, hay chính trực, nhưng Trump thẳng thắn thể hiện con người của mình. Rõ ràng, Trump là kẻ bất chấp, ngông cuồng, thậm chí có thể có vấn đề thần kinh như truyền thông tô vẽ. Nhưng Trump không ngại ngần thể hiện, mà chẳng màng việc khoác lên tấm áo đạo đức để hầu mong được lòng công chúng. Ừ, cứ cho là Trump điên, nhưng sự điên đó cho phép chúng ta chấp nhận thực tế rằng, con người vốn bất toàn. Còn những vị chính trị gia đạo mạo, đạo đức sáng ngời, phải chăng đó là con người thực của họ, hay chỉ là một cái vỏ bọc họ cần phải khoác lên người để đạt được mục tiêu. Nào, hãy xem lại vụ Melinda Gate. Biết đâu đấy, vì quá khéo che đậy, nên những chính trị gia đã đánh mất con người thực sự của mình. Ai mà biết được? Nhưng rõ ràng Trump trước khi làm tổng thống, trong khi làm tổng thống, và sau khi làm tổng thống, Trump vẫn là Trump. Về mặt con người, mình ngưỡng mộ sự kiên định đấy. Đạo đức của đám đông thường là giả tạo, đạo đức của cá nhân mới là tuyệt đối. Làm chính xác những gì mình tin tưởng, đấy mới là đạo đức thực sự.

Thứ ba, Trump là người đã phản tỉnh thế giới về bản chất của Trung Quốc, và một khía cạnh khác, phản tỉnh chúng ta về đạo đức chính trị. Trung Quốc, bậc thầy về thương thuyết và mua bán, đã năm lần bảy lượt đem vấn đề nhân quyền làm cán cân mặc cả với Âu Mỹ. Các chính trị gia Âu Mỹ, ảo tưởng về sức mạnh của mình, hoặc bị Trung Quốc che mờ mắt bởi các lợi ích to lớn của thị trường tỷ dân, đã dần đánh mất lợi thế và bán rẻ khái niệm tự do dân chủ để đổi chác lấy kinh tế. Hãy xem vấn đề Hongkong, Tân Cương hay Tây Tạng, và xem cách các nguyên thủ quốc gia châu Âu phản ứng. Trung Quốc đã gần như thành công trong việc nắm lấy yết hầu của thế giới, thậm chí lên kế hoạch để bước lên ngôi vị bá chủ toàn cầu. Nhưng Trump là kẻ đã tát vào mặt Trung Quốc về giấc mộng độc tôn, tát luôn hàng loạt Đồng minh trong cơn mê ngủ. Đúng, Trump điên, nhưng Trump không ngu, và không bị mờ mắt bởi những giá trị đạo đức ảo tưởng để cố chứng minh mình đàng hoàng. Trump cóc cần đàng hoàng, Trump ỷ thế siêu cường, ỷ vào sức mạnh khoa học công nghệ, ỷ vào vị thế đứng đầu của Mỹ trên trường thế giới để chơi những chiêu siêu lầy. Mà có gì sai, mà tại sao không? Trung Quốc chơi những trò bẩn bựa hơn rất nhiều, nhưng đa phần chúng ta phẩy tay, vì bản chất của nó trước giờ là vậy, riết rồi ta mặc nhiên xem đó là lẽ dĩ nhiên. Chính trị là một cuộc chơi cóc có công bằng. Công bằng là chiêu bài của đạo đức giả tưởng, và là lá bài tẩy của đạo đức giả tạo. Chơi trò đạo đức giả, làm sao Âu Mỹ qua được các quốc gia Cộng sản. Sức mạnh của Cộng sản nằm ở chỗ nó rao giảng đạo đức, dùng đạo đức làm hàng hóa, và phân tầng bậc. Càng đạo đức giả, mới có thể leo cao và thành công. Trump không cần đạo đức giả, Trump cũng cóc cần cả đạo đức thật, do vậy, Trung Quốc trở nên mất phương hướng trong việc đối đầu với Trump vì mất đi quân bài quan trọng nhất.

Còn nhiều, nhiều lắm những yếu tố khiến mình thấy Trump đáng yêu, nhưng viết dài quá thì mất công trở thành tinh hoa, mệt người. Mình chỉ gói gọn thêm ý cuối cùng, nếu Trump không đáng yêu, tại sao nước Mỹ lại cuồng Trump đến vậy, yêu cuồng, ghét cũng cuồng. Lẽ ra, nếu theo đúng như truyền thông đã phác họa, sự thất bại của Trump trong cuộc bầu cử này phải là hiển nhiên, chứ đâu thể nào so kè từng chút một. Gần 70 triệu lá phiếu bầu cho Trump, mà mình tin rằng đó là bầu cho riêng Trump, còn của Biden thì chắc là còn có công của Obama (và phần lớn là công của Trump luôn). Theo diễn biến, Trump sẽ thất bại trong việc giữ ghế của mình. Nhưng nhờ vậy, biết đâu, thế giới sẽ có nhận định khác hơn sau 4 năm nữa. Tuy vậy, di sản của Trump trong 4 năm ngắn ngủi là rất to lớn. Có thể bao gồm luôn cả sự bất ổn, nhưng, có lẽ, điểm bất ổn đã đến lúc phải bùng lên, thay vì được che đậy bấy lâu nay.

Mình yêu Trump, không phải vì đạo đức của Trump, mà yêu cách Trump ứng xử với đạo đức của chính mình và của kẻ khác, trực diện và không cần che đậy. Nhân đây, sau khi đọc đủ những lời mạt sát của giới tinh hoa về trí tuệ, tư duy, khả năng nhận định, và những tự ti sâu kín bên trong vì đã ủng hộ Trump, mình thấy rằng cũng phải nên tiếp lời:

Xin lỗi, các bạn đã nhầm lẫn ngay từ khởi đầu, thưa các bạn thuộc giới tinh hoa, bởi lẽ hoa thuộc về thực vật, chúng không có tinh!

Melbourne 08/11/2020

Ngày viết linh tinh

FB: DAO TANG LUC