Dòng máy bay Boeing 737 MAX được Mỹ cho phép bay trở lại
Cơ quan quản lý hàng không của Mỹ FAA ngày 18-11-2020 sau nhiều kiểm chứng đã cho phép dòng máy bay 737 MAX của Boeing được bay trở lại, dỡ bỏ lệnh cấm bay (grounding orders) được đưa ra hồi tháng 3-2019 sau hai vụ tai nạn chết người xảy ra với dòng máy bay mới này. Cho tới nay, các máy bay Boeing 737 MAX đã phải nằm lại trên mặt đất suốt 20 tháng.
Theo BBC, quyết định cho máy bay B737 MAX được bay trở lại này đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Boeing, hãng chế tạo máy bay Mỹ đang rơi vào khủng hoảng bởi những thảm kịch này và những cuộc điều tra đổ lỗi cho những thất bại của công ty đối với các vụ tai nạn thảm khốc đó. Khủng hoảng tài chính của Boeing cũng trở nên trầm trọng hơn trong năm 2020 này khi việc di chuyển bằng đường hàng không bị hạn chế thê thảm lại do đại dịch COVID-19 toàn cầu.
Các máy bay hiện tại sẽ cần được sửa đổi lại trước khi đi vào hoạt động trở lại, với những thay đổi về thiết kế của chúng. Tính tới tháng 3-2019, có 387 chiếc Boeing 737 MAX đã được giao cho khách hàng trên khắp thế giới. Và tính tới tháng 10-2020, có khoảng 450 chiếc 737 MAX đã được sản xuất và nằm kho.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cho biết việc dỡ bỏ lệnh cấm bay (clearance) không có nghĩa là cho phép máy bay “trở lại bầu trời ngay lập tức”. Bên cạnh những thay đổi về phần mềm và hệ thống dây điện, các phi công cũng sẽ cần được tập huấn lại. FAA cho biết những thay đổi thiết kế mà họ yêu cầu “đã loại bỏ những nguyên nhân từng gây ra những tai nạn đó”.
Hãng hàng không Mỹ American Airlines cho biết những chuyến bay đầu tiên bằng Boeing 737 MAX của hãng ở Mỹ sẽ bắt đầu khôi phục lại vào ngày 29-12. Hai hãng hàng không Mỹ United Airlines và Southwest Airlines nói rằng họ sẽ khôi phục lại dòng máy bay này vào năm 2021 (UA trong quý 1 và SA trong quý 2). Theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng là làm sao thuyết phục được hành khách tin vào sự an toàn của dòng máy bay này. Chuyện này sẽ mất nhiều thời gian và tốn kém.
Giám đốc FAA Steve Dickson cho biết ông “tin tưởng 100%” vào sự an toàn của máy bay. Ông nói: “Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng những sự cố kiểu này sẽ không xảy ra nữa.” Trong một cuộc họp báo, ông Dickson cho biết FAA đang làm việc chặt chẽ với các quan chức ở Châu Âu, Canada và Brazil, và hy vọng họ sẽ tái cấp phép cho dòng máy bay Boeing 737 MAX trong ít ngày tới.
Cũng như những cải tiến cho chiếc máy bay, Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun cho biết công ty đã tăng cường thực hành và văn hóa an toàn (safety practices and culture) kể từ sau những thảm họa đó. Ông Calhoun, người kế nhiệm Dennis Muilenburg, người bị sa thải năm ngoái, cho biết: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những sinh mạng đã mất trong hai vụ tai nạn thương tâm dẫn đến quyết định đình chỉ hoạt động. Những sự kiện này và những bài học mà chúng tôi học được nhờ đó đã định hình lại công ty của chúng tôi và tập trung hơn nữa vào các giá trị cốt lõi của chúng tôi là an toàn, chất lượng và tính toàn vẹn.”
Mỹ là nước đầu tiên dỡ bỏ lệnh cấm bay đới với dòng máy bay Boeing 737 MAX. Các quan chức hàng không Châu Âu cho biết họ cũng sắp có quyết định tương tự. Người phát ngôn của Cục Hàng không Dân sự Anh (UK CAA) nói rằng Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) chịu trách nhiệm cho việc tái cấp phép cho các nước thành viên EU cũng như cho Anh. Việc cho phép dòng máy bay này được hoạt động trở lại hay bay tới không phận mình hay không là tùy từng nước.
Bi kịch đã ập đến với Boeing sau khi xảy ra vụ chuyến bay Flight JT 610 của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) đâm xuống Biển Java ngày 29-10-2018 làm chết toàn bộ 189 người (181 hành khách và 8 nhân viên phi hành đoàn). Chiếc Boeing 737 MAX 8 đã lâm nạn chì 13 phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta trong chuyến bay nội địa tới Pangkal Pinang.
6 tháng sau, chiếc Boeing 737 MAX 8 thứ 2 lâm nạn khi mới có ít tháng tuổi. Chuyến bay quốc tế Flight ET 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines trên đường tới Nairobi (Kenya) sáng 10-3-2019 đã lâm nạn chỉ khoảng 6 phút sau khi cất cánh từ sân bay thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Toàn bộ 157 người gồm 149 hành khách thuộc 35 nước và 8 nhân viên phi hành đoàn đã tử nạn.
Dòng máy bay Boeing 737 MAX 8 bắt đầu hoạt động từ năm 2017 và được kỳ vọng là máy bay đem lại nhiều lợi nhuận cho hãng chế tạo. Nhưng chỉ 17 tháng sau, tai nạn chết người đầu tiên với dòng máy bay này đã xảy ra tại Indonesia. Và cả 2 tai nạn đã xảy ra được cho là có nguyên nhân giống nhau, lỗi của hệ thống treo khiến các phi công không thể điều khiển máy bay thủ công. Theo BBC, sau tai nạn thứ 2 ở Ethiopia, Boeing trong năm 2019 đã lập quỹ và đưa ra mức bồi thường 144.500 USD cho mỗi gia đình nạn nhân trong 2 vụ tại nạn có liên quan tới máy bay Boeing 737 MAX 8.
NGÔ LÊ