Một góc nhìn từ Mỹ về đại dịch COVID-19 ở Mỹ
Đại sư phụ của A Phủ vừa chia sẻ một góc nhìn về nước Mỹ – số 1 thế giới về coronavirus (số 1 double cả về ca nhiễm lẫn ca tử vong).
Có một điều Thầy đã làm thêm rõ, mặc dù Tổng thống Donald Trump rõ ràng có những bất cập trong chiến lược và cách hành xử với ả Cô Vi Vũ Hán 19 tuổi, nhưng nếu đổ hết trách nhiệm cho ông ấy thì quả là người ở bên ngoài hay không hiểu về người Mỹ và cơ chế vận hành của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ.
Số lượng người Mỹ nhập cư giờ đông như quân Nguyên. Và hầu hết những người này hoặc không hiểu nước Mỹ – Tổ quốc mới của mình, hoặc áp đặt hay nhìn nước Mỹ với não trạng quê gốc của mình.
Đại sư phụ của A Phủ vốn là một giáo sư Việt Văn Trung học ở Sài Gòn trước 1975 và định cư ở Mỹ từ năm 1975.
Xin mời đọc bài của thầy Trang N. Do:
Hiện tại, Mỹ có số người nhiễm virus Vũ Hán và tử vong cao nhất thế giới – 12.4 triệu ca nhiễm bệnh và 257.000 ca tử vong. Trung Cộng, gốc phát sinh virus Vũ Hán, chỉ có 92,740 ca nhiễm bệnh và 4,800 người chết. Rõ ràng TC chống dịch tốt hơn Mỹ. Theo tôi, nhìn vào chiều kích khác, hiện tượng này biểu lộ sự mâu thuẫn cùng cực giữa hai nền văn hóa: tự do và độc tài, tôn trọng và coi rẻ.
Thượng Hải, 2 ngày trước, ở phi trường Pudong có 2 người nhiễm virus Vũ Hán. Lập tức mọi người trong phi trường bị lùa đi như đàn vịt để khám nghiệm. Thông thường mỗi khi phát hiện nơi nào có trường hợp nhiễm bệnh, chính quyền TC bắt đóng cửa trường học, bế quan các quận hạt, đẩy hàng triệu cư dân đi xét nghiệm. Phương cách bế quan thành phố, đóng cửa mọi phương tiện giao thông và nhốt người dân trong nhà đã bị chỉ trích là hà khắc. Nhưng TC lại rất tự hào về lối hành xử này. Họ gọi đó là chiến lược “tẩy sạch tới đáy” (clear to zero).
“Văn hóa” chống dịch của TC không bao giờ có thể áp dụng ở Mỹ, xứ của những người thà chết trong tự do còn hơn sống trong kìm kẹp. Người ngoại quốc thường đổ thừa cho TT Trump không bảo dân mang khẩu trang, nên mới có kiếp nạn. Sự thật chỉ có những người không thích mang khẩu trang chứ không phải họ theo Trump. Hiện nay Trump đã đeo khẩu trang, nhưng vẫn có 14% dân Mỹ nhất định không đeo khẩu trang.
Các hãng điện thoại ở Mỹ giới thiệu lập trình “báo động”. Mỗi lần chủ của chiếc smart phone đến gần một người nhiễm virus Vũ Hán, chiếc phone sẽ reo lên báo động, khôn hồn mà né tránh. Chính quyền tiểu bang Nevada, “đề nghị hết cỡ” (strongly recommend) dân chúng hãy tải công nghệ này xuống phôn. Bang Wyoming đi xa hơn bỏ tiền ra quảng cáo rầm rộ cho dịch vụ này. Cho tới nay, ở cả hai tiểu bang, chỉ có 3% dân chúng tải lập trình đó xuống smart phone. Lý do dân thờ ơ, vì lập trình này cũng ghi lại căn cước và sự di chuyển của người chủ chiếc phone. Mặc dù cơ quan y tế đã hết lời cam kết không tiết lộ thông tin cá nhân của họ. Nhưng dân Mỹ lại không muốn bị theo dõi và khi đi đứng phải tuân theo chỉ thị của ai đó.
Luật cách ly xã hội của chính phủ liên bang và tiểu bang không được dân chấp nhận vào dịp Lễ Tạ Ơn. Rất nhiều người giữ truyền thống trở về xum họp với gia đình. Nội trong 3 ngày vừa qua đã có 3.236.700 người di chuyển bằng máy bay. Trong máy bay không có cách ly xã hội. Đồng thời trong tuần này sẽ có 50 triệu người lái xe về thăm cha mẹ (Times và AAA). Dĩ nhiên, sau ngày lễ, lại có cuộc di chuyển của những triệu người này trở lại nhà của họ.
Sống trong tự do hay sống trong áp chế, một va chạm tâm lý quá lớn đến nỗi nó chuyển đổi tâm trí nhiều người. Làm sao vừa bảo vệ sinh lực vừa hòa giải sự đè bẹp của áp chế. Một lối thoát đã xảy ra. Tờ The Washington Post đưa tin “Cuộc tản cư vĩ đại trong năm 2020: để tránh coronavirus ” (The Great American Migration of 2020: On the move to escape the coronavirus). Hiện đã có 15.9 triệu người chọn phương án tản cư.
Nơi có cuộc di cư lớn nhất là từ những thành phố lớn như New York, San francisco, Seattle và Los Angeles… Người ta tới những nơi vắng lặng và cô lập như ở bìa rừng thanh tịnh hay gần bờ biển nắng ấm… với căn nhà nhỏ và xa xa có một láng giềng (hy vọng là người đẹp). Những thanh niên chưa có sự nghiệp hát bài ca “Má ơi! con về đây má ơi”, để xây lại tổ ấm với cha mẹ. Những người trung niên tìm khu hưu trí để ở gần cha mẹ. Ý nghĩa của hạnh phúc là một sinh lực nồng nhiệt không phải là sống trong lo sợ.
Sự bùng nổ của đại dịch đã tạo ra hiện tượng các công ty cho phép nhân viên làm việc ở nhà, do đó nhà của họ có thể ở bất cứ đâu. Từ đó cách sống cũng thay đổi. Tất cả những sinh hoạt cơ bản như mua sắm, giải trí và thậm chí khám sức khỏe … đều qua màn hình và kết nối internet.
Những người không thể di chuyển họ chấp nhận một số kỷ luật đến mức vẫn còn hứng thú để sống với tinh hoa của đời. Nói chung, để không bị đè bẹp đến tê liệt niềm vui của sự sống, họ phải lãnh cái giá phải trả.
TRANG N. DO, California