Công nghệ cao bảo vệ biên giới phòng COVID-19
Với đặc thù biên giới “phên giậu” trên đất liền của Việt Nam với 3 nước láng giềng, tình trạng người ta vượt biên trái phép qua lại là không thể tránh khỏi. Nếu trước đây, vấn nạn này chỉ gây quan ngại về mặt an ninh – quốc phòng hay kinh tế, bây giờ, trong thời đại dịch COVID-19, nó lại trở nên nguy cơ là khe cửa cho dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập. Và thực tế đã xảy ra. Mới nhất và làm báo động cả hệ thống phòng chống dịch tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam là vụ một nhóm người Việt nhập cảnh lậu từ vùng biên giới giáp Cambodia hồi hạ tuần tháng 12-2020, trong 6 người đến nay có tới 3 người dương tính với SARS-CoV-2.
Trung bình mỗi ngày có hàng trăm người xuất nhập cảnh trái phép ở Việt Nam. Thông tin này được chính Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu lên tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 29-12-2020. Ông cho biết: “Chúng tôi đang phải quản lý vấn đề này rất vất vả, nếu không có biện pháp hữu hiệu thì sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch, bảo đảm an ninh, an toàn, phát triển kinh tế xã hội.” Ông cũng nhấn mạnh công tác phòng chống dịch thời điểm cuối năm, khi Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần là vô cùng quan trọng, nhất là với nhu cầu người Việt Nam ở nước ngoài về nước vào thời điểm này rất lớn.
Như đã nói, với đặc thù đường biên giới trên bộ của Việt Nam rất phức tạp, có quá nhiều lối mòn; miền Bắc và miền Trung thì núi rừng hiểm trở; miền Nam thì hai nước chỉ cách nhau một bờ ruộng hay một kinh rạch. Nhân sự bảo vệ biên giới không thể nào có đủ để rải ra suốt chiều dài đường biên giới trên đất liền dài tới 4.550km tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Cambodia ở phía Tây; phía Đông giáp biển Đông. Mà dù có đủ người thì cũng khó thể kiểm soát nổi đường biên giới ở những nơi núi rừng hiểm trở.
Vì thế, giải pháp khả thi được nhiều chuyên gia kiến nghị nhất vẫn là khai thác các thế mạnh của công nghệ cao với những thiết bị chuyên dụng để hỗ trợ cho lực lượng chức năng kiếm soát chặt chẽ các đường biên giới. Đây cũng chính là giải pháp mà nhiều nước trên thế giới ứng dụng để bảo vệ biên giới của mình.
Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ nói tới 2 loại phương tiện khả dụng nhất và cũng phổ dụng nhất là thiết bị bay điều khiển từ xa (drone) và camera an ninh. Việc sử dụng ảnh chụp từ vệ tinh là nền tảng, nhưng không thể cập nhật nhanh chóng và không thể kiểm soát theo thời gian thực.
Theo website Military & Aerospace Electronics, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ từ lâu đã dựa vào nhiều loại camera điện quang, tia laser, máy dò hóa chất, tia X và các cảm biến khác để hạn chế sự xâm nhập của người nhập cư bất hợp pháp, buôn lậu ma túy và các loại hàng lậu khác.
Hồi trước, nhà chức trách theo dõi những khu vực biên giới chỉ bằng mắt người, dựa vào các loại giấy tờ – đôi khi lỗi thời – để xác định những kẻ tái phạm và những tên tội phạm đã biết. Ngày nay, biên giới và đường bờ biển của Mỹ đang được giám sát liên tục từ vệ tinh và các phương tiện bay không người lái (UAV), máy bay không người lái, máy bay có người lái, tàu thuyền và các phương tiện mặt đất.
Để đáp ứng nhu cầu ngăn chặn kẻ xấu xâm nhập lậu ngày càng tăng nhanh, nhiều loại cảm biến và nền tảng hiện đang được sử dụng hoặc lên kế hoạch cho tương lai. Các cơ quan địa phương, tiểu bang và liên bang có liên quan cũng tăng nhu cầu chia sẻ thông tin ở tất cả các cấp độ, thông qua các hệ thống mạng thời gian thực, hệ thống liên lạc tiên tiến và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Công nghệ được ứng dụng vào bảo vệ biên giới bao gồm thiết bị phần cứng và thuật toán phần mềm. Mục tiêu chính của các hệ thống công nghệ này tất nhiên là để kiểm soát các đường biên giới một cách chặt chẽ nhất có thể được. Và các giải pháp và hệ thống được phát triển theo hướng bảo đảm chặt chẽ nhưng vẫn thông suốt. Chúng cho phép người, hàng hóa, xe cộ hợp pháp và ngăn chặn các đối tượng lậu băng qua biên giới mà không gây ra tắc nghẽn. Đồng thời, chúng có thể giám sát và nhận diện những kẻ tình nghi, những tên tội phạm đang mưu toan vượt qua biên giới.
Ở Liên minh Châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia với đặc thù Hiệp định Schengen dỡ bỏ các đường biên giới quốc gia, chỉ giữ đường biên giới với quốc tế, việc kiểm soát biên giới trở nên phức tạp hơn. Một số yếu tố cần được kết hợp với nhau để bảo đảm bảo vệ biện giới chung hiệu quả. Thiết bị bay không người lái, cho phép theo dõi và điều khiển các khu vực rộng lớn từ xa, hiện đang được sử dụng rộng rãi. Máy bay không người lái quân sự được sử dụng để tăng cường an ninh nội bộ được trang bị hệ thống nhận dạng, radar và thiết bị liên lạc vệ tinh. Gần đây, nhờ sự tiến bộ của công nghệ, các nước cho lắp dọc các đường biên giới các camera tích hợp AI có khả năng nhận dạng khuôn mặt, vật thể và mẫu. Camera an ninh được đánh giá là một thiết bị rất hiệu quả để kiểm soát các tuyến đường qua biên giới đông đúc.
Camera an ninh có thể được lắp đặt tại chỗ, gắn trên máy bay hay drone, trang bị trên các tàu xe tuần tra chuyên dụng.
Trở lại Việt Nam, hồi cuối tháng 12-2020, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trang bị hệ thống camera quan sát và giám sát các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép trên biên giới, kết hợp với các thiết bị để bảo vệ biên giới.
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, cho biết: Địa hình biên giới rất phức tạp, khó khăn, hiểm trở. Bên cạnh đó, khí hậu thời tiết cũng rất khắc nghiệt, ảnh hưởng tới sức khỏe của bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ. Ông nhận định rằng việc trang bị hệ thống camera quan sát và giám sát các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép trên biên giới, kết hợp với các thiết bị để bảo vệ biên giới sẽ giúp giảm bớt quân số và khắc phục được những hạn chế về thời gian.
Theo Bộ đội Biên phòng, hiện nay việc ứng dụng camera an ninh đang được triển khai tại một số đồn biên phòng cửa khẩu trọng điểm và một số đồn biên phòng cửa khẩu nơi có những điều kiện về thiết bị truyền dẫn. Một số đơn vị ở vùng sâu, vùng xa cũng đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu triển khai lắp đặt camera trong thời gian tới.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, nơi có tuyến biên giới giáp Cambodia thuộc dạng “đất liền thửa”, đã đi tiên phong trong việc sử dụng camera an ninh. Trao đổi với báo giới ngày 2-1-2021, Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Tây Ninh, cho biết: trước tình hình người xuất nhập cảnh trái phép sẽ gia tăng vào dịp Tết Tân Sửu đồng thời làm tăng nguy cơ nhập dịch bệnh từ nước ngoài vào, đơn vị đã đề xuất gắn camera an ninh ở khu vực biên giới. Trước mắt là trang bị camera an ninh tại những cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế, nơi cao điểm xuất nhập cảnh.
Trên tài khoản Facebook của mình ngày 29-12-2020, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Công nghệ Bkav, bày tỏ sự bức xúc trước thông tin mỗi ngày có khoảng 100 -150 người vượt biên trái phép vào Việt Nam. Ông âu lo: “Như vậy nguy cơ COVID-19 xâm nhập vào cộng đồng như ca BN1440 sẽ là thường trực trong thời gian tới.” Và ông thông báo: Hiện Bkav đang nỗ lực đưa camera AI View đến các vùng biên giới, nhằm hỗ trợ Bộ đội Biên phòng ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép. Bkav là một trong những nhà sản xuất camera trên thế giới đi tiên phong trong việc nghiên cứu phát triển các loại camera an ninh có ứng dụng AI có khả năng giám sát cao hơn hẳn camera bình thường. Những lô sản phẩm đầu tiên đã được xuất sang Ấn Độ và Mỹ.
Trong khi đó, thiết bị bay không người điều khiển (drone) ngày càng thể hiện sự hữu dụng của mình. Camera an ninh kết hợp cùng các cảm biến, như dò tìm chuyển động, thân nhiệt,… có thể được gắn lên các thiết bị drone chuyên dụng để gia tăng hiệu quả bảo vệ biên giới. Việc thiết lập hệ thống camera giám sát có thể mất nhiều thời gian, tốn nhiều tiền và chỉ thích hợp ở các địa bàn có đủ điều kiện. Trong khi thiết bị drone tuy không thể giám sát 24/7 như camera an ninh nhưng lại có tính cơ động cao, có phạm vi quan sát rộng, cũng như thuận tiện hơn trong việc trang bị và vận hành. Thiết bị drone lại rất đa dạng, đủ kích thước và tính chuyên dựng nên có thể triển khai phù hợp với những điều kiện khác nhau. Nó dễ dàng được các toán tuần tra biên giới đem theo như một loại khí tài hỗ trợ mình.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào bảo vệ biên giới ngày nay có nhiều thuận lợi hơn. Các thiết bị giám sát không chỉ nhìn thấy mà còn có thể cảm nhận được các đối tượng, nhanh chóng truyền dữ liệu về các trung tâm điều khiển để phân tích bằng điện toán. Các công nghệ và hệ thống kết nối mạng được phủ rộng khắp với chất lượng và tốc độ cao. Công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (Big Data), các loại cảm biến, kết hợp với các hệ thống máy tính hiệu năng cao giúp cho việc nhận diện kẻ xấu dễ dàng hơn xưa bội lần. Nhà nước có thể đầu tư tập trung ở các vùng biên giới và các cơ quan chức năng có thể đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ để nghiên cứu phát triển các thiết bị chuyên dụng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là xây dựng được các giải pháp đồng bộ, có tính tương thích và liên thông cao. Việc sử dụng tổng hợp nhiều thiết bị và công nghệ càng giúp cho việc bảo vệ biên giới càng hữ hiệu hơn.
- Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 6-1-2021 và trên báo NLĐO: Ngăn nhập cảnh lậu bằng camera AI
PHẠM HỒNG PHƯỚC