Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Việt Nam và đất lành cho công nghệ thế giới

Báo Chính phủ (20-1-2021) cho biết: ngày 18-1, UBND tỉnh Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án sản xuất công nghệ của 3 nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký gần 570 triệu USD. Trong đó, được dư luận quan tâm nhiều nhất là dự án của Foxconn mở rộng sản xuất các sản phẩm chiến lược công nghệ cao cho hãng Apple ngay tại Việt Nam.

Tập đoàn Foxconn (có trụ sở tại Đài Bắc) là một trong những hãng gia công linh kiện điện tử, máy tính và thiết bị điện tử lớn nhất thế giới. Foxconn chuyên sản xuất các sản phẩm cho hãng Apple (Mỹ). Lần này, Foxconn quyết định đầu tư dự án sản xuất máy tính Apple trị giá 270 triệu USD (tương đương 6.233 tỷ đồng) tại tỉnh Bắc Giang.

Foxconn đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007 với 2 nhà máy sản xuất điện tử đầu tiên tại Bắc Ninh và Bắc Giang. Theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, tính đến tháng 12-2020, tổng vốn đầu tư của Foxconn tại Việt Nam là 1,5 tỷ USD,  trong đó, vốn đầu tư tại tỉnh Bắc Giang là 900 triệu USD. Dự kiến năm 2021, Foxconn sẽ đầu tư thêm gần 700 triệu USD và tăng thêm 10.000 lao động. Giai đoạn 1 có quy mô 270 triệu USD vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư và giai đoạn 2 sẽ có mức đầu tư hơn 400 triệu USD.

Dự án mới của Foxconn tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) là để sản xuất máy tính bảng, máy tính xách tay cho Apple, với quy mô sản xuất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm. Đây là những sản phẩm trước đây chủ yếu được Foxconn sản xuất tại Trung Quốc. Và người ta hoàn toàn có thể hy vọng một ngày nào đó những chiếc smartphone iPhone của Apple có in dòng xuất xứ “Designed by Apple in California. Made in Vietnam”.

Những chiếc tai nghe AirPods Pro và loa Homepod Mini của Apple giờ đây đã có in thêm dòng chữ xuất xứ “Designed by Apple in California. Made in Vietnam”.

Trong khi đó, Việt Nam hiện nay là nơi sản xuất ở nước ngoài lớn nhất thế giới của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), đặc biệt là về sản phẩm smartphone. Tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam kể từ khi chính thức đầu tư vào năm 2008 đến giữa năm 2020 đã lên đến 17,363 tỷ USD. Các dự án của Samsung ở Việt Nam gồm 2 nhà máy sản xuất điện thoại, thiết bị di động tại Bắc Ninh (SEV) và Thái Nguyên (SEVT); Tổ hợp nhà máy CE (SEHC) tại Khu Công nghệ cao TP.HCM; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC)… Hiện nay Samsung đang xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (R&D) tại Tây Hồ (Hà Nội) với qui mô lớn nhất Đông Nam Á, có tổng mức đầu tư khoảng 220 triệu USD và dự kiên hoạt động từ năm 2022. Trung tâm R&D này sẽ tăng cường khả năng nghiên cứu của Samsung trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet của Vạn vật (IoT, dữ liệu lớn (big data), 5G,….

Việt Nam cũng đã trở thành một nơi sản xuất của hàng loạt tên tuổi công nghệ lớn như Canon, Microsoft, Nokia, Intel, LG,…

Có thể nói rằng với “cú hích Intel”, Việt Nam đã ngày càng thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Năm 2006, Tập đoàn Intel đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam khi quyết định tăng vốn đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định chíp bán dẫn lớn nhất thế giới tại Việt Nam lên 1 tỷ USD (từ mức 300 triệu USD trước đó 9 tháng). Sự có mặt của ông lớn công nghệ Mỹ này như một dấu bảo chứng cho đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Tin vui đầu năm 2021 này càng làm tăng thêm thách thức. Việt Nam cần có cả một chiến lược lẫn những chiến thuật để sẵn sàng và đáp ứng tối ưu việc trở thành một cứ điểm nghiên cứu và sản xuất điện tử, công nghệ cao. Sự ổn định chính trị là điểm 10. Nằm gần nguồn chuỗi cung ứng toàn cầu, là cửa ngõ Đông Nam Á, có mối quan hê lịch sử với Đông Âu và khối Xô viết cũ, ai cũng chơi được là điểm 9. Còn lại là nguồn nhân lực trẻ, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư,… Nhưng song song đó là chuyện bảo vệ môi trường sống. Đành rằng các công ty lớn quốc tế ngày nay rất quan tâm tới các chỉ số Xanh và coi đó như phấn son cho hình ảnh mình, nhưng chủ nhà, chủ đất vẫn phải là chủ động, chủ công. Vấn đề là có chịu và có năng lực chớp lấy các cơ hội vàng.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, nhận định: “Hai nội dung mà các nhà đầu tư nước ngoài rất trông đợi ở phía Việt Nam là kiên định hơn nữa các cải cách, đặc biệt là cải cách thủ tục để các nhà đầu tư không mất thời gian, đồng thời chống sách nhiễu phiền hà từ các công chức. Nếu làm được, chúng ta sẽ có cơ hội lớn hơn trong năm 2021 và các năm tới.”

Bản in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 24-1-2021 và trên báo NLĐ Online

ANH PHÚC