Thứ Năm ngày 07 tháng 11 năm 2024

Coi chừng là nạn nhân của bọn mạo danh ngân hàng

Đừng làm theo ngay các hướng dẫn trên e-mail, tin nhắn SMS có liên quan tới tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (credit card), thẻ ghi nợ (debit card) của bạn. Nạn bọn tội phạm mạo danh các ngân hàng để lừa đảo trộm cướp tiền từ tài khoản khách hàng đang xảy ra ngày càng nhiều.

Group of female friends looking at camera smiling very happy while holding credit cards and shopping bags at the mall **DESIGN ON CARDS WERE MADE FROM SCRATCH BY US**

Khi nhận e-mail hay tin nhắn SMS, tin nhắn Zalo, tin nhắn Messenger thông báo thẻ của bạn vừa phát sinh một chi tiêu đáng ngờ hay tài khoản có trục trặc gì đó, bạn chớ bao giờ làm theo hướng dẫn trên đó. Thường là nó yêu cầu bạn click vào một đường link rồi nhập tên đăng nhập, mật khẩu, mã PIN,… nói là để xác thực. Chớ bao giờ click ngay vào đó. Bạn có thể kiểm tra coi địa chỉ Web của link đó có phải của ngân hàng bạn đang sử dụng không. Bọn tội phạm thường dùng những địa chỉ tương tự. Như ngân hàng abcde.vn sẽ bị mạo danh thành vn-abcde, nên người ta dễ bị nhầm lẫn nếu vội vàng. Bọn xấu đánh vào tâm lý nhiều người sẽ hoang mang khi nhận được tin cảnh báo về tài khoản, dẫn tới vội vàng mà sập bẫy.

Tốt nhất là bạn nên gọi điện thoại tới hotline chính thức của ngân hàng để gặp trực tiếp nhân viên ngân hàng mà kiểm tra. Nên nhớ đây là số hotline do ngân hàng cung cấp và có in rõ ràng trên thẻ ngân hàng, chứ không phải là các số phone có trên các e-mail, tin nhắn kia.

Để tăng an toàn trong thanh toán số, bạn nên đăng ký sử dụng dịch vụ xác thực qua OTP hay được báo tin bằng SMS mỗi khi có sự biến đổi nơi tài khoản của mình, hay mỗi khi thanh toán bằng thẻ. A Phủ từng bị một khách sạn 4 sao ở Mỹ do trục trặc sao đó tự trừ mấy trăm USD trong thẻ của A Phủ. May là A Phủ có đăng ký dịch vụ báo tin SMS và có chuyển vùng quốc tế (roaming) nên ngay sau khi bị trừ tiền, A Phủ được báo tin và lập tức khiếu nại với khách sạn.

Ngoài các thẻ credit card chủ yếu dùng để quẹt trực tiếp, bạn nên làm thêm 1 thẻ debit card với tài khoản riêng, rồi chuyển vào đó một số tiền nho nhỏ, đủ để thanh toán những khoản online cần thiết. Khi xài hết, bạn lại chuyển thêm cho nó. Nếu có bị mất thì cũng chỉ chừng đó. Kinh nghiệm là bạn nên làm thẻ debit ở những ngân hàng lớn, có uy tín để có thể được chấp nhận trong giao dịch quốc tế.

P.H.P.