Thứ Sáu ngày 27 tháng 12 năm 2024

Thương mại điện tử Việt Nam Q4-2020 với sự hồi sinh của ngành hàng thời trang

2020 là năm đánh dấu khoảng thời gian đầy biến động do ảnh hưởng của COVID-19, đại dịch đã dẫn đến sự thay đổi hành vi tiêu dùng online của người dân, tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Báo cáo của iPrice Group và SimilarWeb trong Quý 4-2020 cho thấy sự thay đổi nhu cầu mua sắm ở một số ngành hàng và lượng truy cập của Top 50 sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam.

Ngành hàng thời trang khởi sắc với 33% tăng trưởng

Quý 4-2020 đánh dấu sự tăng trưởng tích cực cho hầu hết các doanh nghiệp TMĐT, tổng lượt truy cập của Top 50 website có mặt trong Bản đồ TMĐT Việt Nam tăng 13% so với 6 tháng đầu năm. Có thể thấy rằng, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân cao hơn (khi tỉ lệ này đã giảm 8% vào cùng kỳ năm ngoái).

Một trong những lý do giúp tăng trưởng trong tiêu dùng online có thể kể đến là tâm lý mua hàng. Khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam, tâm lý tiêu dùng tích cực trở lại và vì thế người ta chi tiêu nhiều hơn. Thêm vào đó, ưu đãi mạnh từ các sàn TMĐT cùng đối tác trong các chiến dịch cuối năm 2020 như Ngày lễ Độc thân (11-11), Black Friday (27-11), Cyber Monday (30-11), Giảm giá 12-12,… là những dịp để người tiêu dùng tranh thủ sắm sửa những mặt hàng yêu thích nhưng chưa có điều kiện sở hữu (vì yếu tố tài chính, giá cả).

Ngành hàng thời trang trở thành tâm điểm khi Q4-2020 có mức tăng trưởng mạnh về lượng truy cập website lên đến 33% sau khi bị giảm đáng kể ở hai quý đầu năm 2020. Có thể thấy rằng, một trong những nguyên nhân tạo nên cú hích này là nhu cầu mặc đẹp có xu hướng tăng lên vào dịp lễ hội cuối năm, và là thời điểm chuẩn bị cho năm mới khi chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán.

Hai ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong đầu năm 2020 là bách hóa và sức khỏe có xu hướng ổn định hơn trong 6 tháng cuối năm khi lần lượt đạt mức tăng 10% và 7%. Ngành thiết bị di động tăng 7% so với 6 tháng đầu năm, tương tự với ngành hàng điện máy là 5%. Mặc dù các chỉ số không quá đột biến, nhưng đây là dấu hiệu đáng mừng khi hầu hết các ngành hàng đều đang trên đà phát triển.

Thứ hạng các doanh nghiệp thương mại điện tử ba tháng cuối năm 2020

Mặc dù trải qua nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu, thứ hạng các sàn thương mại điện tử Việt Nam trong Quý 4-2020 vẫn không có sự thay đổi với quý trước đó.

Theo báo cáo của iPrice Group và SimilarWeb, Shopee Việt Nam đạt hơn 68,5 triệu lượt truy cập trung bình ba tháng cuối năm và trở thành sàn TMĐT có số lượng truy cập cao nhất, tăng hơn 30,6 triệu so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến thời điểm này, Shopee Việt Nam đã đứng đầu về lượng truy cập trong suốt 10 quý liên tiếp.

Lượt truy cập vào website của Tiki và Lazada Việt Nam trung bình ba tháng cuối năm chênh lệch nhau khoảng 1,4 triệu, số liệu lần lượt là 22,2 triệu lượt và 20,8 triệu lượt trong Quý 4-2020. Trong khi đó, Sendo ở vị trí thứ 6 trên Bản đồ TMĐT Việt Nam với mức 11,2 triệu lượt truy cập.

Điểm sáng trong Bản đồ TMĐT Việt Nam là Thế Giới Di Động với vị trí thứ 2 từ đầu năm, trở thành doanh nghiệp nội địa có lượt truy cập trung bình cao nhất toàn quốc Quý 4-2020 với 31,4 triệu lượt. Đáng chú ý, chuỗi bán lẻ Điện Máy Xanh giành được vị trí thứ 5 với 16,3 triệu lượt truy cập. Theo đánh giá của giới phân tích, xu hướng tăng nhu cầu mua sắm sản phẩm điện máy, đổi điện thoại vào dịp cuối năm là thời cơ tốt để Thế Giới Di Động bứt phá hơn trong dịp cận Tết.

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Và với đà phát triển này, các doanh nghiệp TMĐT sẽ đón nhận những cơ hội và đó cũng là thách thức khi các sàn phải liên tục thay đổi và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Việc “tăng trưởng thần tốc” có thể đi kèm với những rủi ro nhất định, tuy nhiên mong muốn đạt mức tăng trưởng bền vững và có lợi nhuận lại là ý tưởng an toàn ở thời điểm đầy biến động do yếu tố ngoại cảnh.

Phương pháp nghiên cứu:

iPrice nghiên cứu lượng truy cập 50 website có trên Bản đồ TMĐT Việt Nam dựa theo số liệu của SimilarWeb. Danh mục ngành hàng chỉ tính các website chuyên doanh ngành hàng có trên Bản đồ TMĐT Việt Nam. Thông tin thị trường và xếp hạng được thu thập và phân tích bởi iPrice Group.

MEDIAONLINE – IPRICE GROUP

+ Nguồn báo cáo.