Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Những ứng dụng công nghệ từ thực tế cho cộng đồng

Trong khi người ta đang lâm vào tình trạng loạn ứng dụng, công nghệ có liên quan tới COVID-19, cộng đồng vẫn tiếp tục có được những ứng dụng công nghệ từ thực tế đem lại nhiều lợi ích cho xã hội đang chịu nhiều khó khăn vì đại dịch.

Chẳng hạn như Nhóm ATM Gạo thông minh được biết đến trong giai đoạn dịch trước đây bây giờ lại triển khai Tổng đài OxiMap thông minh.

Còn nhớ, hồi đầu đợt dịch bùng phát tại TP HCM, những người dân hoàn cảnh khó khăn ở nhiều quận, huyện đã được nhận gạo miễn phí mỗi 7 ngày một lần thông qua dự án ATM Gạo thông minh có nhận diện khuôn mặt và kết nối điện toán đám mây. Qua hơn 1 tháng, các máy ATM Gạo thông minh đã phát gần 400 tấn gạo cho 98.274 người.

Khi người dân bị hạn chế ra đường do tăng cường giãn cách để kiểm soát dịch bệnh đang cao điểm, đồng thời số ca lây nhiễm tăng vọt chóng mặt, nhu cầu sử dụng oxy trợ thở tăng cao, anh Lê Hải Bình, người sáng lập ra hệ thống ATM gạo thông minh, lại lao vào một dự án mới cùng với hai người bạn, lần này là Tổng đài OxyMap với chức năng cho mượn bình oxy miễn phí nhằm hỗ trợ bệnh nhân điều trị COVID-19 tại nhà.


Phương thức vận hành của Tổng đài OxyMap dựa trên ứng dụng công nghệ. Tổng đài OxyMap kết hợp với tất cả các trạm y tế của các phường, xã, các trung tâm y tế lưu động khắp thành phố để đội ngũ y bác sĩ ở đó sẽ trở thành những người tư vấn cho bệnh nhân COVID điều trị tại nhà.

Khi người dân gọi vào số tổng đài (028) 7777.7788 và bấm phím tương ứng với quận huyện mình đang ở, họ sẽ được kết nối trực tiếp đến số máy di động của đội y bác sĩ tại trạm y tế phường xã. Thông qua các trao đổi, hướng dẫn, y bác sĩ sẽ là người chỉ định có sử dụng bình oxy hay không. Việc này nhằm hạn chế “lạm dụng” bình oxy có thể dẫn tới các hậu quả không tốt sau này.

Và ngay sau đó, các tình nguyện viên của địa phương sẽ dùng xe máy chở bình oxy đến tận nhà bệnh nhân. Việc vận chuyển này diễn ra rất nhanh chóng và kịp thời vì với mô hình của OxyMap thì địa phương nào tập trung hỗ trợ cho địa phương đó.

Một bác sĩ tại một trạm y tế chia sẻ: “Việc dùng tổng đài như vậy sẽ giúp bảo mật số điện thoại của các y bác sĩ, giúp chia ca hỗ trợ, giúp họ có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi nhằm tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân. Khi không có tổng đài, số điện thoại di động của bác sĩ phải được chia sẻ trên mạng, người gọi vào đông tới tối tăm mặt mày và không còn thời gian xử lý việc gì khác.”


Điểm đặc biệt, mỗi bình oxy của OxyMap được gắn một mã QR code riêng để quản lý. Đội ngũ tại trạm chỉ quét mã QR code và qua 1-2 thao tác bấm trên ứng dụng là đã hoàn tất các qui trình cho mượn, đổi, thu hồi bình oxy. Toàn bộ dữ liệu liên quan đến bình oxy được đẩy về hệ thống điều hành trung tâm. Tại đây sẽ có các đội phản ứng nhanh phụ trách địa bàn có nhiệm vụ mang bình đầy khí đi đổi lấy bình hết khí tại các trạm.

Việc này giúp tối ưu hiệu suất sử dụng của một bình oxy, giúp phân bổ số lượng bình tại các trạm khác nhau một cách hợp lý nhất và giảm tối đa việc mất mát bình oxy do không có quản lý.

Ngoài ra, hệ thống có thể vẽ lại bản đồ sử dụng và cung câp oxy miễn phí của toàn thành phố tại website oxymap.vn

Bắt đầu triển khai với 14 trạm OxyMap tương ứng với 14 phường của quận 5, chỉ sau 7 ngày, OxyMap đã đặt được 76 trạm phủ tại tất cả các phường của các quận 5, 6, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh và trạm trung tâm cho các quận Gò Vấp, 12, Bình Thạnh (và Phú Nhuận) với số lượng bình oxy ban đầu là 2.080 bình.

Nhóm OxyMap cho biết họ vẫn miệt mài chuẩn bị để nhanh chóng phủ các trạm tại toàn bộ quận huyện của TP.HCM, giúp cho người dân có cơ hội tiếp cận nguồn oxy khi cần thiết, góp một phần vào công tác chống dịch của thành phố.


Anh Lê Hải Bình chia sẻ: “Chúng tôi luôn muốn làm việc thiện nguyện một cách rõ ràng, minh bạch nhất có thể. Tất cả mọi thông tin từ việc bình oxy đang ở đâu, như thế nào, hay các khoản đóng góp được sử dụng ra sao đều được chúng tôi công khai trên mạng. Và với công nghệ, chúng tôi làm việc đó rất dễ dàng. Sau này, tôi muốn hệ thống tự viết nên câu chuyện của một chiếc bình oxy. Khi xem thông tin một cái bình oxy, mọi người sẽ biết nó đã đi đâu, giúp đỡ được bao nhiêu người. Khi tôi đem cách làm của mình chia sẻ với đại diện bên BIM Group, chỉ trong vòng 15 phút, chúng tôi nhận được lời đề nghị đồng hành của họ với cam kết sẽ hỗ trợ cho dự án tối thiểu 3.000 bình oxy loại 8L và 14L giúp hỗ trợ điều trị tại nhà.”

Rõ ràng việc ứng dụng công nghệ từ thực tiễn cho thực tiễn như thế này đã đem lại lợi ích cho cộng đồng và dẽ dàng nhận được sự chung tay đồng hành của những tấm lòng hảo tâm khác. Cái tâm thiện lành cộng với công nghệ thực tiễn giúp nhân đôi sức mạnh.

ANH PHÚ