Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Boeing dự đoán thị trường hàng không thương mại của Châu Á – Thái Bình Dương tới năm 2040

Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) ngày 9-11-2021 đưa ra ước tính đến năm 2040, di chuyển bằng máy bay trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) sẽ chiếm gần một nửa lưu lượng hàng không toàn cầu, làm gia tăng nhu cầu thêm 17.645 máy bay mới, với tổng giá trị khoảng 3.100 tỷ USD, trong 20 năm tới. Để hỗ trợ ngành hàng không thương mại của mình, các quốc gia APAC cũng yêu cầu các dịch vụ hậu mãi đạt giá trị 3.700 tỷ USD. Tất cả những số liệu này được Boeing liệt kê trong Dự báo Thị trường Thương mại (Commercial Market Outlook, CMO) 2021, qua đó đề cập đến những dự báo dài hạn của công ty về nhu cầu máy bay thương mại và dịch vụ.

Dự báo nhu cầu hơn 17.600 máy bay thương mại mới, yêu cầu cao về sự hiệu quả và tính bền vững

Đến năm 2040, các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm hơn một nửa lưu lượng hàng không toàn cầu, số lượng đội máy bay tăng gấp ba so với hiện nay.

Thị trường di chuyển bằng máy bay của các quốc gia APAC rất đa dạng, bao gồm các quốc gia phát triển ở Đông Bắc Á và Châu Đại Dương cũng như các nước đang phát triển như Trung Quốc, khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Theo Boeing, nhờ hoạt động tiêm chủng vaccine COVID-19 được mở rộng, ngành hàng không toàn cầu đang dần hồi phục, mang đến lợi thế cho các hãng hàng không của APAC để khôi phục những chuyến bay nghỉ dưỡng và công tác, cũng như dịch vụ vận tải hàng không.

Ông Darren Hulst, Phó Chủ tịch phụ trách Marketing thương mại của Boeing, cho biết: “Khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ và du khách dần lấy lại tự tin khi đi du hành, tình hình đi lại nói chung trong APAC có những phục hồi rất mạnh mẽ. Các hãng hàng không có đội bay hiệu quả và linh hoạt sẽ được định vị để đáp ứng nhu cầu của hành khách và nhu cầu của các hãng vận chuyển hàng hóa bằng máy bay trong việc giảm thiểu sử dụng nhiên liệu và chi phí vận hành.”

Nhu cầu máy bay thương mại trên toán cầu từ nay tới năm 2040. (Nguồn: Boeing CMO 2021-2040).

Dự báo CMO của Boeing giúp giải quyết nhu cầu trong vòng 20 năm tại 5 khu vực ở APAC:

  • Các quốc gia Đông Nam Á có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đang chứng kiến sự tăng trưởng các đội máy bay và lượng hành khách đi lại cao hơn mức trung bình toàn cầu. Các hãng hàng không giá rẻ được dự báo sẽ mở rộng mạng lưới nội vùng với máy bay thân hẹp, trong khi thị trường mở rộng và các hiệp đinh thương mại sẽ cho phép các hãng bay đầu tư vào các máy bay thân rộng tiết kiệm nhiên liệu để phục vụ các tuyến đường dài. Đông Nam Á được dự báo cần 4.465 máy bay mới trị giá 765 tỷ USD và các dịch vụ hàng không thương mại trị giá 790 tỷ USD vào năm 2040.
  • Tại Đông Bắc Á, các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường di chuyển hàng không ở trạng thái cân bằng tại mọi phân khúc từ nội địa, khu vực và các đường bay dài. Việc thay thế các máy bay sẽ chiếm khoảng 75% các chuyến bay mới vì các hãng hàng không luôn tìm cách để cải thiện tính bền vững và linh hoạt của đội bay. Khu vực này được dự đoán cần 1.385 máy bay mới trị giá 310 tỷ USD cùng với các dịch vụ có giá trị 555 tỷ USD trong vòng 20 năm tới.
  • Ở Châu Đại Dương, hàng không thương mại là hạ tầng giao thông trọng yếu cho các chặng đường dài và quốc đảo. 80% lưu lượng hành khách di chuyển nội địa và trong khu vực sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng máy bay thân hẹp một lối đi (single-aisle), trong khi dòng máy bay thân rộng linh hoạt (versatile widebody jets) như 787 Dreamliner sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của mạng lưới bay quốc tế đường dài. Châu Đại Dương dự kiến sẽ cần 785 máy bay mới trị giá 135 tỷ USD và dịch vụ hàng không trị giá 165 tỷ USD vào cuối giai đoạn dự báo.
  • Boeing đã công bố Dự báo Thị trường Thương mại (CMO) Trung Quốc. Dự báo cho khu vực Nam Á sẽ được đưa ra trong vài tháng tới.

CMO 2021 bao gồm các dự báo về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2040:

  • Nhu cầu đối với máy bay thân hẹp sẽ đạt khoảng 13.500 chiếc, chiếm 3/4 lượng máy bay được giao. Máy bay thân rộng vận chuyển cả hành khách và hàng hóa sẽ cần tổng cộng 3.800 chiếc.
  • Đội máy bay chở hàng sẽ tăng gấp ba lần lên 1.160 chiếc, gồm cả máy bay mới và máy bay được chuyển đổi, để hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử. Đội máy bay chở hàng của APAC  dự kiến sẽ gần bằng đội máy bay chở hàng của Bắc Mỹ vào năm 2040.
  • Cùng với sự tăng trưởng kinh tế và đội bay, nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu và điều chỉnh đội bay sẽ chiếm phần lớn nhu cầu dịch vụ hàng không thương mại. Các giải pháp kỹ thuật số, dịch vụ phân tích và đào tạo cũng sẽ hỗ trợ cho đội bay APAC.
  • Dự báo về phi công và kỹ thuật viên (Pilot and Technician Outlook, PTO) năm 2021 của Boeing dự đoán khu vực này sẽ cần khoảng 820.000 nhân viên hàng không mới, bao gồm hơn 230.000 phi công, gần 250.000 kỹ thuật viên và 340.000 thành viên phi hành đoàn. (Tham khảo dự báo PTO toàn cầu tại đây.)

Boeing nói rằng, là công ty hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới, Boeing phát triển, sản xuất và phục vụ máy bay thương mại, các sản phẩm quốc phòng và hệ thống hàng không vũ trụ tại hơn 150 quốc gia. Với tư cách là một nhà xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ, công ty đã tận dụng nguồn tài năng từ các nhà cung cấp toàn cầu để tăng cường cơ hội kinh tế, tính bền vững và tác động đến cộng đồng. Đội ngũ đa dạng của Boeing là lời cam kết cho các phát kiến đổi mới tương lai và hành động tuân theo các giá trị cốt lõi của công ty về an toàn, chất lượng và tính toàn vẹn.

Thông tin chi tiết và download Boeing Commercial Market Outlook 2021–2040

MEDIAONLINE

Nguồn do Boeing cung cấp.