Google chia sẻ những cách giúp người dùng Internet ở Việt Nam giữ an toàn trực tuyến mùa mua sắm cuối năm
Sự bùng nổ về mua sắm trực tuyến với các ngày hội siêu sale cuối năm 11.11, 12.12, hay Black Friday cũng đồng hành với những nguy cơ về lừa đảo trực tuyến, thất thoát dữ liệu cá nhân từ những thói quen nguy hại đang gia tăng khiến thị trường Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có nguy cơ an toàn trực tuyến hàng đầu khu vực Châu Á -Thái Bình Dương (APAC), theo báo cáo Trách nhiệm số từ Google.
- 4/5 người dùng Internet tại Việt Nam từng bị tổn hại dữ liệu cá nhân, cao nhất trong khu vực
- Những thông tin từ nghiên cứu chỉ ra các vấn đề mà người tiêu dùng cần cẩn trọng trong mùa mua sắm cuối năm
- Những cách tự bảo vệ trong mùa mua sắm cuối năm
Theo dữ liệu từ Liên Hiệp Quốc, tội phạm mạng đã tăng 600% kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Theo đó, chúng ta có thể làm gì để bảo vệ bản thân trên không gian mạng tốt hơn không chỉ trong mùa mua sắm cuối năm mà là quanh năm? Google đã tổ chức một nghiên cứu do YouGov thực hiện, khảo sát hơn 13.000 người từ 18 tuổi trở lên trên khắp Châu Á – Thái Bình Dương, tại 11 nền kinh tế khu vực APAC gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, và Việt Nam. Theo báo cáo, cứ 5 người thì có 3 người từng bị vi phạm dữ liệu cá nhân hoặc biết ai đó bị. Những thói quen “xấu” khi trực tuyến của người dùng Internet là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tổn hại về dữ liệu cá nhân: chia sẻ, tái sử dụng mật khẩu cũ và sử dụng mật khẩu có thể đoán được. Ở Việt Nam, 98% người được khảo sát cho rằng mình có “thói quen xấu” này – cao nhất so với mức trung bình 94% trong khu vực, tăng 2% so với trước đại dịch COVID-19.
Mật khẩu: lá chắn mỏng manh chưa được chú ý
Vấn đề này càng nguy hại khi các hoạt động trực tuyến đang phát triển nhanh chóng bởi sự thúc đẩy của đại dịch, người dùng Internet trung bình ngày nay có nhiều mật khẩu hơn 25% so với trước đại dịch. Theo một nghiên cứu trên thế giới cho thấy một người bình thường sở hữu khoảng 80 mật khẩu hoặc hơn, và đây là con số rất lớn để ghi nhớ. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu của Google cho thấy tại thị trường VIệt Nam, 90% người được hỏi sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều trang web khác nhau (so với 81% trong khu vực), với gần một nửa thừa nhận sử dụng lại mật khẩu cho tối đa 10 trang web. Khi được hỏi lý do tại sao, 33% trong số họ cho biết mình làm như vậy vì sợ quên mật khẩu mới, 34% nói rằng việc sử dụng những mật khẩu giống nhau chỉ đơn giản là thuận tiện. Những người tái sử dụng mật khẩu có nguy cơ bị trộm dữ liệu tài chính trực tuyến của mình cao hơn gấp ba so với người khác.
Nếu mật khẩu bị đánh cắp trên bất kỳ trang web nào trong số này, tài khoản của họ trên các trang web khác cũng sẽ dễ bị tấn công. Gần phân nửa người được hỏi cũng thừa nhận đã sử dụng mật khẩu dễ đoán, bao gồm các tổ hợp dễ bẻ khóa nhất như những người hay ngày quan trọng với họ cho đến tên thú cưng và thậm chí cả mã bưu điện. Tệ hơn nữa, cứ 5 người thì có 1 người thừa nhận đã lưu mật khẩu của họ trong ứng dụng Ghi chú (Notes) trên điện thoại di động của họ, hầu hết trong số đó không được mã hóa theo mặc định. Tỉ lệ đặt mật khẩu dễ đoán của người Việt trong khảo sát là cao nhất khu vực, 7/10 người (72%).
Mua sắm trên mạng: chia sẻ là thách thức – 69% người Việt chia sẻ mật khẩu với bạn bè và người thân gia đình
Bên cạnh việc đặt mật khẩu dễ đoán và dùng lặp lại trên nhiều website và dịch vụ trực tuyến, người dùng còn có thói quen chia sẻ mật khẩu với bạn bè và người thân gia đình. Nghiên cứu trong khu vực cho thấy cứ 1 trong 2 người được hỏi không hề e ngại về việc chuyển mật khẩu cho bạn bè hoặc gia đình cho các website thương mại điện tử và dịch vụ số. Ở Việt Nam, con số này là 69% – cao nhất trong khu vực. Trong số đó, chỉ có 5% tích cực sử dụng trình quản lý mật khẩu.
Về giao dịch trực tuyến, cứ 4 người thì có gần 3 người thừa nhận đã mua hàng trên các trang không có biểu tượng kết nối bảo mật, tạo cơ hội hoàn hảo cho những kẻ lừa đảo lấy cắp thông tin chi tiết. Đáng chú ý, 70% người được hỏi lưu thông tin tài chính trực tuyến cũng chia sẻ mật khẩu với bạn bè và gia đình, khiến họ có nguy cơ bị tổn hại dữ liệu cá nhân cao hơn với mật khẩu được sử dụng trên nhiều thiết bị. Tỉ lệ này đối với người Việt là 82%, cao nhất khu vực.
Hi vọng với những thói quen tốt hơn: 75% người dùng Việt Nam có thể áp dụng xác thực bảo mật 2 yếu tố
Giữa những con số đáng lo ngại về rủi ro bảo mật ở trên, có một vài thông số tích cực xuất hiện từ những người bày tỏ ý định và mong muốn có trách nhiệm kỹ thuật số hơn. Trong tương lai, 75% người Việt được khảo sát nói rằng họ có khả năng áp dụng xác thực hai yếu tố (2FA, two factor authentication), ngay cả khi nó không bắt buộc, cao hơn mức 63% trung bình trong khu vực.
Trong số những người được khảo sát, 74% cũng nói rằng khi đối mặt với khả năng bị vi phạm dữ liệu, họ sẽ chọn thay đổi mật khẩu của mình ngay lập tức, và 66% nói rằng họ có khả năng sử dụng trình quản lý mật khẩu mặc dù hiện tại chỉ có 5% ít ỏi đang sử dụng.
Bà Trâm Nguyễn, Giám đốc quốc gia, phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia – Google Châu Á – Thái Bình Dương, cho hay: “Khảo sát của chúng tôi cho thấy rõ ràng người dùng Internet ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mong muốn cải thiện tốt hơn trong việc xây dựng môi trường kỹ thuật số và đây là một thông điệp tích cực đáng khích lệ. Tuy nhiên, thách thức nằm ở khoảng cách giữa kiến thức và hành động, và giải pháp để lấp đầy khoảng cách này là khả năng tiếp cận các công cụ có thể trang bị đầy đủ cho mọi người về cả bảo mật và sự tiện lợi. Đó là lý do tại sao chúng tôi tập trung vào việc cung cấp và đặc biệt khuyến khích mọi người sử dụng các công cụ dễ dàng và hiệu quả để giúp mọi người chịu trách nhiệm về sự an toàn trực tuyến.”
Xây dựng lá chắn bảo vệ mạnh khi lên mạng
Khi tỷ lệ tội phạm mạng được dự đoán sẽ tăng lên cùng với việc mua sắm cuối năm tăng vọt, việc duy trì mật khẩu tốt là rất quan trọng. Tin tốt là có những công cụ miễn phí có sẵn, và Google kêu gọi mọi người dành chút thời gian để tăng cường bảo mật trực tuyến của họ bằng các mẹo đơn giản sau:
- Tạo một mật khẩu duy nhất cho mỗi tài khoản để loại bỏ rủi ro này. Bảo đảm rằng mỗi mật khẩu đều khó đoán và tốt hơn nữa là phải dài ít nhất 8 ký tự.
- Sử dụng trình quản lý mật khẩu để dễ dàng tạo và sử dụng các mật khẩu mạnh trên tất cả các thiết bị của bạn mà không cần phải nhớ hoặc lặp lại từng mật khẩu. Trình quản lý mật khẩu của Google (Google Account Manager) được tích hợp trực tiếp vào Chrome, Android và Ứng dụng Google có thể giúp bạn thực hiện việc này.
- Thiết lập số điện thoại hoặc địa chỉ email bảo mật, và liên tục cập nhật để các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ khác có thể liên hệ với bạn ngay lập tức nếu có hoạt động đáng ngờ trên tài khoản của bạn.
- Thực hiện Kiểm tra bảo mật của Google để tăng cường bảo mật trước cho tài khoản Gmail của bạn và nhận các đề xuất bảo mật được cá nhân hóa, thao tác này chỉ mất khoảng 2 phút để hoàn thành. Vì mọi người thường sử dụng tài khoản Gmail của họ để đăng ký với các ngân hàng, trang web mua sắm và dịch vụ thanh toán của họ, việc kiểm tra bảo mật của Google này giúp tăng tính bảo mật nhờ các biện pháp bảo vệ tự động của Google.
- Thiết lập Xác minh 2 bước(2SV, 2-Step Verification) trên mọi trang web cung cấp tính năng này. Điều này làm tăng đáng kể tính bảo mật bằng cách yêu cầu “một cái gì đó bạn biết” (như mật khẩu) và “một cái gì đó bạn có” (như điện thoại của bạn hoặc một khóa bảo mật).
Người dùng cần nhớ chỉ sử dụng phần mềm được cập nhật phiên bản mới nhất trên tất cả các thiết bị của mình. Khi bạn chuẩn bị danh sách mua sắm của mình, Google khuyến khích bạn tìm thêm các mẹo bảo mật trực tuyến bằng cách truy cập Trung tâm an toàn của Google. Bạn cũng có thể khám phá triển lãm ảo để tìm hiểu thêm về cách tiếp cận của Google đối với bảo mật và quyền riêng tư.
An toàn hơn với Google (Safer with Google) ra mắt vào tháng 10-2021 nhằm xây dựng nền tảng kiến thức cơ bản và nâng cao nhận thức của người dùng Internet bằng cách cung cấp những báo cáo về an toàn thông tin, các kiến thức bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Nguồn nội dung thực tiễn, phong phú và hữu ích từ chương trình sẽ giúp ích cho người dùng Internet tại Việt Nam ở nhiều lứa tuổi, từ trẻ em đến người trưởng thành. Chương trình An toàn hơn với Google sẽ lần lượt giới thiệu các hoạt động rất thiết thực dành cho Việt Nam trong tháng 10 và 11-2021 như hợp tác giữa Google và Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (NCSC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt Trung tâm An toàn Google – An toàn cho Gia đình bằng tiếng Việt.
MEDIAONLINE – GOOGLE
Nguồn do Google cung cấp.