Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Nhân ngày lễ Thanksgiving Day, nghĩ về việc trở lại cảm ơn

Ngày Chủ nhật 21-11-2021 là Chủ nhật thứ 34 mùa thường niên cũng là Chủ nhật cuối cùng của năm phụng vụ 2021 (Năm B), Giáo hội Công giáo dành để tôn vinh Chúa Jesus là Vua Vũ trụ.

Trong bài giảng của Thánh lễ online 7g sáng Chủ nhật này, Đức Tổng giám mục Nguyễn Năng của Tổng giáo phận Saigon – TP.HCM, lưu ý rằng khái niệm “vua” dành cho Chúa Jesus không mang ý nghĩa như loài người định nghĩa. Chúa Jesus không phải là một vị vua trần thế, mà Ngài là vua của tình yêu thương. Sức mạnh vương quyền của Ngài là tình yêu thương đến chết cho người mình yêu dành cho loài người.

Nhân dịp này, và khi thứ Năm 25-11-2021, thứ Năm thứ 4 (fourth Thursday) trong tháng 11, là ngày các bạn ở Mỹ mừng ngày quốc lễ Tạ Ơn – Thanksgiving Day, A Phủ xin mời các bạn cùng đọc bài viết của Đại sư phụ của mình – một nhà nghiên cứu Thần học giáo dân ở California về ngày lễ này. Bài này đã được đăng trên nhiều website Công giáo.

Vector illustration of happy thanksgiving day background.

Có lẽ Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có ngày quốc lễ Tạ Ơn Thiên Chúa (Thanksgiving Day). Lễ được Quốc hội đặt vào ngày thứ Năm của tuần cuối cùng tháng 11. Truyền thống này khởi đầu từ lòng tạ ơn Thiên Chúa sau mùa gặt đầu tiên của đám di dân từ Anh quốc qua Mỹ tìm tự do vào năm 1619.

Bài phúc âm đọc trong thánh lễ Tạ Ơn là sự tích mười ông cùi van xin Đức Giêsu cứu chữa. Sau khi lành bệnh có ông dân ngoại Samari trở lại gặp Đức Giêsu để cám ơn (Luca 17: 11-19). Giáo hội dùng trình thuật này để đề ‎cao ý thức tạ ơn Thiên Chúa. Điều chúng ta suy nghĩ ở đây không phải là hình ảnh về nước Mỹ như ông Samari. Cũng không phải là ‎ý tưởng đề cao hành xử của ông Samari. Vấn đề là việc chín ông Do Thái được chữa lành nhưng chẳng có ai trở lại cám ơn Đức Giêsu.

Sự nghiêm trọng của vấn đề “không trở lại cám ơn” chỉ có thể hiểu được khi chúng ta biết rõ về thực trạng bệnh cùi vào thời đó. Người cùi là người bị coi như đã chết. Họ bị gia đình bỏ rơi, đến không dám nhắc đến tên họ. Cộng đồng ghê tởm họ vì mọi người tin rằng họ là những kẻ tội lỗi ô uế. Giáo hội Do Thái cũng khai trừ họ và đuổi họ đi. Thánh sử Luca kể rằng mười người cùi đứng ở đàng xa mà kêu cứu vì luật buộc họ không được lại gần người lành. Như vậy khi Đức Giêsu cứu họ, không phải Người chỉ chữa lành bệnh thể xác, nhưng hơn thế, Người đã cho họ tái sinh để họ trở về với cuộc sống đầy đủ ‎ý nghĩa đã mất trước đó.

Có một mối xúc động khiến tôi chú ‎ý đến việc lặng lẽ ra đi của chín ông cùi, không phải để xét đoán họ, nhưng vì thấy hình bóng của mình trong đó. Mỗi một linh hồn Kitô hữu đều biết rõ rằng mình đã chết, nhưng được tái sinh trong phép rửa. Linh hồn của mỗi Kitô hữu đã được rửa sạch bằng máu của Đức Giêsu. Nhưng chúng ta có từng bao giờ tìm gặp Đức Giêsu để cảm tạ?

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Có người đoán rằng chín ông Do Thái trên đường đi chắc đã lên tiếng cám ơn. Cứ coi như đúng như thế, nhưng chúng chỉ là những lời cám ơn gửi theo gió. Đức Giêsu muốn họ trở lại gặp Người nên mới thắc mắc: “Còn chín người kia đâu?” Câu hỏi này như một lời nhắn gửi đến tâm mỗi Kitô hữu cuộc tự vấn “tôi đã trở lại gặp Đức Giêsu chưa?” Điều này có nghĩa là chúng ta đã thật sự liên kết với Đức Giêsu trong cuộc đời. Hẳn có nhiều l‎‎ý do, nhưng đàng sau mọi l‎‎ý do, chỉ là cái bản thể bất toàn của cái tôi ngạo mạn‎. Cái bản thể bị màng nhện vật chất cột chặt không cho chúng ta nhìn thấy thế giới siêu nhiên. Bên trong lưới nhện dù chúng ta có mau miệng lên tiếng cám ơn Thiên Chúa về những may mắn lợi nhuận, điều ấy tuy rất tốt đẹp, nhưng chưa trọn vẹn. Tiếng cám ơn chỉ trọn vẹn khi tâm hồn chúng ta thật sự gặp gỡ Thiên Chúa bên ngoài thế giới tài vật, như thánh Phaolô cảm nghiệm “Đấng Kitô sống trong tôi”. Đó là cuộc gặp gỡ cần có giữa mỗi linh hồn Kitô hữu và Thiên Chúa của mình.

Lên tiếng cám ơn thì ai nói cũng được. Thốt ra một âm thanh vật lý suông ở đâu đó chẳng khó gì. Tuy nhiên đến với Thiên Chúa để nói “cám ơn” với âm vang rung động tận đáy lòng, với cảm nghiệm đức hạnh siêu nhiên, “cám ơn” trở thành sự thức tỉnh về ý nghĩa hiện hữu của mình. Ta là một ân sủng được sinh ra bởi Chúa Cha, được cứu chuộc bởi Chúa Con, và có sự sống bởi Chúa Thánh Thần.

(Ghi chú: có thể có bạn đã gặp bài này trên một số website Công Giáo với tựa đề “Trở lại gặp Đức Giêsu”,  tác giả Đỗ Trân Duy.)

ĐỖ NGỌC TRANG, California.