Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Gojek có mặt trong “Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” 2021

Ngày 22-12-2021, Gojek Việt Nam cho biết nền tảng công nghệ đa dịch vụ theo yêu cầu này lần đầu tiên có mặt trong danh sách “Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” năm 2021 (Vietnam 100 Best Places to Work 2021) do công ty Anphabe công bố. Trong danh sách này, Gojek cũng được bình chọn trong “Top 10 ngành Công nghệ thông tin, Phần mềm & Ứng dụng và Thương mại điện tử”. Gojek Việt Nam chia sẻ: Đây là sự ghi nhận quan trọng đối với những nỗ lực xây dựng môi trường làm việc và các chính sách thu hút, giữ chân và phát triển nhân sự của Gojek sau 3 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam, cho biết, “Điểm gặp nhau của đội ngũ Gojek chính là sứ mệnh chung của công ty: đó là tạo ra càng nhiều giá trị cho xã hội càng tốt dựa trên các yếu tố Tốc độ, Đổi mới – sáng tạo và Tạo ra tác động tích cực. Tại Gojek, chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện cho mọi nhân viên được đóng góp cho cộng đồng và xã hội song song với quá trình phát triển bản thân và sự nghiệp trong một ngành công nghệ chuyển động rất nhanh. Khi đội ngũ Gojek tự hào về những gì mình tạo ra, họ sẽ sẵn sàng làm việc với sự tin tưởng, hợp tác và cởi mở. Gojek sẽ tiếp tục nỗ lực để mang lại một môi trường làm việc nơi đội ngũ nhân viên cảm thấy được quan tâm, được hỗ trợ để thành công và cân bằng cuộc sống, và được trở thành một phần của những sứ mệnh lớn lao.”

Ông Phùng Tuấn Đức.

Thành lập tháng 8-2018, ban đầu dưới thương hiệu GoViet, Gojek Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ hàng trăm nhân viên, với 90% nhân sự thuộc Gen Y (sinh từ 1981 tới 1994/96) và Gen Z (sinh từ 1997 tới 2012). Trên nguyên tắc “sử dụng công nghệ để tạo ra giá trị chia sẻ”, Gojek đã thu hút nhân tài và tập hợp đội ngũ trên ba trụ cột chính của văn hóa công ty, đó là: Tốc độ, Đổi mới Sáng tạo, và Tác động xã hội.

Tốc độ

Là một startup công nghệ, cơ cấu tổ chức của Gojek Việt Nam được tinh giản để tạo điều kiện cho việc ra quyết định nhanh chóng. Dưới Tổng Giám đốc là Giám đốc các bộ phận rồi đến các Nhóm chuyên môn. Mọi nhân viên có thể làm việc trực tiếp với nhân viên và lãnh đạo các nhóm khác, không đi qua nhiều phân lớp.

Để tạo điều kiện cho văn hóa “tốc độ”, văn phòng làm việc của Gojek được thiết kế hoàn toàn “mở” về mặt không gian lẫn chức năng, không có vách ngăn hay vị trí ngồi cố định của nhân viên, có nhiều khu vực để làm việc nhóm, và các khu vực riêng cho các hoạt động giải trí như: sân khấu, bàn bóng bàn, bi lắc, phòng ăn, khu vực nghỉ trưa, …

Ngoài các nhóm chuyên môn cố định, Gojek thường tổ chức các nhóm phản ứng nhanh (SWAT), bao gồm thành viên từ các bộ phận khác nhau với các chuyên môn khác nhau để cùng nhau tập trung vào việc giải quyết nhanh các vấn đề kinh doanh, thay vì tập trung vào sản phẩm hay dự án.

Đổi mới, sáng tạo

Ba nguyên tắc làm việc của Gojek là: đầu tư vào chuyên môn (mọi nhân viên cần là chuyên gia trong lĩnh vực mình phụ trách), đổi mới sáng tạo từ dưới lên (nhân viên được khuyến khích chia sẻ các ý tưởng dựa trên phân tích dữ liệu), và chia sẻ xuyên biên giới (các nhóm chia sẻ và học hỏi lẫn nhau không chỉ trong bộ phận mình mà còn với các bộ phận khác ở các nước khác).

Văn hóa học tập được chú trọng, nhân viên được khuyến khích trau dồi kiến thức và kỹ năng thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến như Learning Lab, Coursera và LinkedIn, với lộ trình học tập được cá nhân hóa. Gojek cũng xây dựng văn hóa “thông thạo về dữ liệu”, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu. Các nhân viên được trao quyền thông qua công nghệ, bao gồm các công cụ tiếp cận dữ liệu, xây dựng mô hình, cũng như các công cụ cộng tác.

Tinh thần lãnh đạo chuyển đổi được thể hiện mạnh mẽ tại Gojek Việt Nam, bắt nguồn từ việc theo đuổi mục tiêu nhất quán, mong muốn đưa ra giải pháp cho các vấn đề xã hội như tắc đường, chi phí đi lại, thất nghiệp, khả năng hạn chế của các lao động nhỏ lẻ trong việc tiếp cận người dùng,… Ban lãnh đạo Gojek Việt Nam xây dựng đội ngũ gồm cả những người giỏi hơn mình, cân bằng giữa các nhân viên nhiều kinh nghiệm với các nhân lực trẻ, đến từ nhiều loại hình doanh nghiệp đa dạng, và đặt niềm tin vào họ để có được nhiều góc nhìn rộng hơn từ những khác biệt, từ đó tìm cách giải quyết vấn đề theo hướng sáng tạo. Gojek là một trong số ít các công ty ở Việt Nam áp dụng mô hình “cuộc họp im lặng” (silent meeting) nhằm nâng cao hiệu quả các buổi họp và hướng đến trao quyền cho tất cả nhân viên, sao cho bất kể chuyên môn hay cấp bậc nào cũng có thể đóng góp ý kiến trực tiếp trên một nền tảng trực tuyến chung.

Tác động xã hội

Tạo ra tác động xã hội tích cực là một trong những nhân tố tạo sự kết nối, gắn bó giữa các thế hệ nhân viên tại Gojek. Đây là sứ mệnh cốt lõi được Gojek đặt ra từ những ngày đầu, là kim chỉ nam cho mọi quyết định kinh doanh, nhờ đó thu hút được những nhân tài có cùng hệ giá trị, đồng thời là động lực tiếp sức cả đội ngũ trong các giai đoạn khó khăn.

Trong năm 2021, khi hệ sinh thái Gojek chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch toàn cầu COVID-19, đội ngũ Gojek đã làm việc không ngừng nghỉ để đưa ra các sáng kiến giúpcải thiện cuộc sống cho các đối tác và người dùng, như giúp các nhà hàng chuyển đổi sang bán nhu yếu phẩm trong thời gian giãn cách, đào tạo và đưa các nhà hàng nhỏ và rất nhỏ lên nền tảng GoFood để họ có nguồn doanh thu mới, thiết kế gói hỗ trợ bằng tiền mặt 4,15 tỷ đồng cho các đối tác tài xế, tặng người dùng các chuyến đi miễn phí khi tiêm vaccine,…. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến căng thẳng tại TP HCM vào tháng 8-2021, Gojek đã khẩn trương ra mắt dịch vụ GoCar để vận chuyển miễn phí các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, ưu tiên triển khai dòng sản phẩm GoCar Protect có mức bảo vệ về an toàn sức khỏe cao nhất có thể được.

Nơi mà mọi người quan tâm đến nhau

Gojek khuyến khích và tạo điều kiện để xây dựng “văn hóa quan tâm” trong tổ chức, nơi các lãnh đạo thể hiện sự đánh giá cao nhân viên, nhân viên quan tâm lẫn nhau và quan tâm đến các thành viên trong hệ sinh thái, và toàn bộ đội ngũ quan tâm đến việc hiện thực hóa sứ mệnh của công ty.

Năm 2021, trong bối cảnh toàn bộ nhân viên chịu sự tác động của COVID-19, sự quan tâm càng được chú trọng và khuyến khích tại Gojek. Ngoài việc các nhân viên Gojek được hỗ trợ điều kiện vật chất để làm việc tại nhà, trong suốt một năm qua, Gojek tổ chức hàng tuần các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên thông qua các câu lạc bộ trực tuyến như các câu lạc bộ yoga, đọc sách, nghệ thuật, đến các diễn đàn và các buổi chia sẻ theo chuyên đề. Ngoài ra, Gojek cũng duy trì một tổng đài hỗ trợ 24/7, tư vấn tâm lý cho nhân viên và người thân nhằm giúp họ vượt qua những vấn đề có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.

Để khuyến khích nhân viên cân bằng giữa công việc và đời sống riêng tư, trong năm 2021, Gojek tặng thêm cho nhân viên 18 ngày nghỉ nguyên lương trong chương trình Gojek Global Holidays (Những ngày nghỉ toàn cầu của Gojek). Công ty cũng thực hành mỗi tháng 2 ngày “Thứ Sáu không họp hành”, nhằm tạo điều kiện cho nhân viên cân đối công việc.

MEDIAONLINE

Nguồn do Gojek cung cấp.