Thứ Bảy ngày 02 tháng 11 năm 2024

Ứng dụng mã QR với Zalo trong chăm sóc F0 tại nhà

Từ sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch COVID-19 trên cả nước tiếp tục có xu hướng phức tạp với số ca mắc tăng nhanh vượt qua các mốc cao nhất trước đó. Các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Giang, Bình Định… đồng loạt ra khuyến cáo, gửi hướng dẫn cách ly tại nhà cho người dân trên tài khoản Zalo chính thức.

Đặc biệt, tại các khu phố, xã phường nhiều nhóm Zalo đã được thành lập để kịp thời tư vấn, hỗ trợ người bệnh điều trị hiệu quả tại nhà, giúp giảm tải số lượng người bệnh tại các điểm thu dung, cơ sở điều trị.

Quét mã QR, tham gia các nhóm Zalo hỗ trợ F0

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, danh sách các nhóm Zalo (bao gồm tên, link truy cập và mã QR) hỗ trợ điều trị và nhận kiến nghị, phản ánh của người nhiễm COVID-19 đã được tỉnh này gửi đi từ trang Zalo “Tổ Covid cộng đồng Vĩnh Phúc” để người dân tiện quét QR và gia nhập nhóm nhanh chóng.

Chị Mỹ Hòa (25 tuổi, huyện Lập Thành, Vĩnh Phúc) nói: “Trước giờ tôi chỉ biết quét mã QR để khai báo y tế. Hôm rồi nhận thông báo từ Zalo “Tổ Covid cộng đồng Vĩnh Phúc”, chỉ cần tra danh sách xã/huyện nơi mình ở rồi quét mã QR tương ứng là có thể tham gia nhóm hỗ trợ F0 tại đó rồi. Tôi thấy khá tiện và nhanh.”

Ngoài nhóm Zalo chung kết nối cán bộ Đoàn Thanh niên, cán bộ y tế của 136 xã để cập nhật tình hình, hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc còn có hơn 150 nhóm Zalo riêng được chia thành 2 nhóm chức năng là nhóm “Tiếp nhận F0” và nhóm “Điều trị F0”.

Người dân chỉ cần quét mã QR hoặc truy cập theo đường link là có thể tham gia các nhóm Zalo dành cho F0.

Cụ thể, nhóm “Điều trị F0” chỉ để cán bộ Đoàn, cán bộ y tế gửi tin hướng dẫn, thông báo đến F0. Nhóm “Tiếp nhận F0” là nơi để các trường hợp F0 gửi câu hỏi, phản ánh. Cán bộ Đoàn, cán bộ y tế thông qua đây ghi nhận thông tin của F0 và thực hiện hỗ trợ hoặc phối hợp hỗ trợ.

Cả gia đình anh Hồ Quang Huy (35 tuổi, công nhân) đều có dấu hiệu sốt, ho và đau họng, tuy nhiên qua xét nghiệm nhanh vẫn cho kết quả âm tính với COVID-19. Anh Huy nói: Vì nhà có con nhỏ nên tôi khá lo lắng. Tôi đã tham gia nhóm Zalo của xã, qua nhóm này, tôi được nhân viên y tế hỏi thăm sức khỏe, hướng dẫn tận tình. Khi có thắc mắc thì chỉ cần chat vào nhóm sẽ được trả lời rất nhanh. Nhờ vậy mà gia đình tôi cũng an tâm hơn.”

Người dân được yêu cầu quét mã QR khai báo y tế khi đến nơi công cộng. (Ảnh: Mỹ Hà, do Zalo cung cấp).

Với số lượng người nhiễm COVID-19 tăng nhanh, việc cho phép theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà được đánh giá đã giúp giảm tải số lượng người bệnh tại bệnh viện, các điểm thu dung. Mặt khác, đối với người nhiễm COVID-19 có triệu chứng lâm sàng nhẹ, việc điều trị tại nhà cũng bảo đảm hơn, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Tương tự, theo thông tin đăng tải tại trang Zalo “Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội”, việc triển khai các lực lượng tư vấn, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà cũng đã góp phần giảm tải trong phân tầng điều trị y tế tại cơ sở.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm tại trạm y tế. (Ảnh: Mỹ Hà, do Zalo cung cấp).

Thời gian qua, các phường trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm các F0, F1 đều được tư vấn, hỗ trợ kịp thời, đầy đủ. Khoảng 108 nhóm Zalo “Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà” liên tục phối hợp với ủy ban nhân dân phường, trạm y tế phường quản lý và hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.

Tương tự, huyện Mê Linh (Hà Nội) hiện có khoảng 135 “Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà”. Quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cũng có hơn 215 “Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà” với 973 thành viên, 32 xe máy.

Từ hotline tiếp nhận F0 đến duy trì các điểm tiêm vaccine ngừa COVID-17

Với phương châm chung sống an toàn với dịch COVID-19, hoạt động tuyên truyền, phòng chống dịch của các địa phương ngày càng mang tính chủ động cao, hướng tới trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người dân phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Đơn cử, quận Gò Vấp (TP.HCM) vẫn đang triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả người dân cần tiêm mũi 1, 2, 3 và mũi bổ sung. Người dân có nhu cầu chỉ cần đến trực tiếp điểm tiêm và xuất trình phiếu xác nhận đã tiêm các mũi trước đó (nếu có) là có thể thực hiện tiêm chủng.

Trong khi đó Zalo “Tổng đài 1022 Đà Nẵng” đã nhanh chóng đăng tải hơn 100 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận, xử lý các tình huống liên quan đến người nhiễm COVID-19 tại 56 xã phường, 7 quận huyện trên địa bàn.

Người dân tìm và quan tâm trang Zalo tại nơi mình sinh sống để nhận thông tin hàng ngày.

Tại Hà Nội, UBND thành phố đã có công điện yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở Y tế tăng cường tập huấn, hướng dẫn và ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý và chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.

Các phường, xã, thị trấn củng cố hỗ trợ chăm sóc, quản lý F0 tại nhà trên cơ sở các thông tin về xét nghiệm, mức độ biểu hiện bệnh của người nhiễm. Thành lập các nhóm Zalo, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, thường xuyên liên hệ, cập nhật, trao đổi tại các khu dân cư, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất với hệ thống y tế.

Hiện nhiều tỉnh thành như Bắc Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Phước, Cao Bằng, Buôn Ma Thuột, Điện Biên, Pleiku, Hà Giang, Hà Nam, Hòa Bình, Đà Lạt, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Đồng Hới, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc,… đã cho phép học sinh một số cấp tạm dừng đến trường và chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Ngoài công tác ứng phó với số ca nhiễm tăng cao, Bộ Y tế và các địa phương đang tập trung giải quyết các vấn đề trong mua bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến 11 tuổi và tập trung nguồn lực y tế để quản lý, điều trị F0.

MEDIAONLINE

Nguồn do Nhóm Truyền thông Zing cung cấp.