Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

CHDCND Triều Tiên chính thức thừa nhận đang bùng phát đại dịch COVID-19

Với sự thừa nhận đang bùng phát đại dịch COVID-19 của CHDCND Triều Tiên (Bắc Triều Tiên), ả yêu ma nghiệt chủng Cô Vi 19 tuổi (COVID-19) giờ đã có thể lên Cõi Phây khoe thành tích đã toàn cầu hóa, hoàn toàn phủ khắp hành tinh. Hãng thông tấn trung ương của Bắc Triều Tiên KCNA ngày 13-5-2022 đã lần đầu tiên công bố số liệu về tình hình COVID-19 ở đất nước này.

Ngày hôm trước, 12-5-2022, KCNA đã lần đầu tiên công bố Bắc Triều Tiên đang bùng phát COVID-19. Hãng thông tấn KCNA cho biết: “Đã có một sự cố khẩn cấp lớn nhất xảy ra trong nước, với một lỗ hổng ở mặt trận cách ly khẩn cấp của chúng ta, vốn được bảo toàn trong 2 năm và 3 tháng qua kể từ tháng 2-2020.”

Theo bản tin của KCNA ngày 13-5-2022 được truyền thông thế giới dẫn lại, trong ngày 12-5, Bắc Triều Tiên ghi nhận có thêm 18.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng được ghi nhận từ khi bùng phát dịch hồi cuối tháng 4-2022 đến nay lên 350.000 bệnh nhân. Trong đó có khoảng 162.200 bệnh nhân đã được điều trị. Có ít nhất 6 người có triệu chứng sốt đã chết, trong đó có 1 người được khẳng định nhiễm biến thể Omicron.

Trong bản tin ngày 12-5-2022, hãng KCNA cho biết hôm 8-5, nhà chức trách đã lấy mẫu xét nghiệm từ những người dân bị sốt ở thủ đô Pyongyang (Bình Nhưỡng) và phát hiện biến thể phụ BA.2 của biến thể virus Omicron.

Ông Kim Jong-un đeo khẩu trang xuất hiện trên truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên ngày 12-5-2022.

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12-5-2022 đã tới thăm trung tâm chỉ huy chống virus sau khi tuyên bố “tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng nhất” và ra lệnh phong tỏa toàn quốc ai ở nhà nấy (stay-at-home) từ 10-5-2022. Theo KCNA, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được tổ chức chặt chẽ, nên từng đơn vị làm việc sẽ được “cách ly” để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Từ khi thế giới bùng phát đại dịch COVID-19 được báo cáo đầu tiên từ Trung Quốc cuối năm 2019 đến trước ngày 12-5-2022, Bắc Triều Tiên chưa bao giờ xác nhận nước mình có ca nhiễm nào. Trong khi đó, giới chức Mỹ cho rằng nước này đã có những ca nhiễm sớm do có mối quan hệ mật thiết trong đi lại và giao thương với Trung Quốc khi nước láng giềng hơn 1,4 tỷ dân này đang bùng phát đại dịch. Bắc Triều Tiên đã đóng chặt biên giới từ đầu năm 2020 để phòng dịch.

Người dân thủ đô Pyongyang trong ảnh chụp ngày 30-3-2020 đã đeo khẩu trang để phòng dịch.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 3-2022, không chỉ không có bất cứ ca nhiễm nào được Bắc Triều Tiên báo cáo, mà cả tình hình tiêm vaccine ở đất nước tự cách ly này cũng chẳng hề được biết. Theo dữ liệu mới nhất của WHO, tính tới cuối tháng 3-2022, có 64.207 người trong tổng số 25 triệu dân Bắc Triều Tiên đã được xét nghiệm COVID-19 và tất cả đều âm tính.

Do WHO chưa ghi nhận các số liệu chính thức từ Bắc Triều Tiên nên các công cụ cập nhật tình hình COVID-19 toàn cầu được tham chiếu nhiều nhất (như Worldomter, Đại học Johns Hopkins – JHU) vẫn chưa có số liệu về nước Đông Á này.

Theo cập nhật sáng 13-5-2022 của Worldometer, tính tới nay, có tổng cộng 519.736.984 ca nhiễm COVID-19 đã được ghi nhận tại 226 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 6.284.597 bệnh nhân tử vong và 474.447.139 bệnh nhân đã được điều trị bình phục. Top 5 nước có nhiều ca nhiễm nhất là Mỹ (hơn 84 triệu ca nhiễm và hơn 1 triệu ca tử vong); Ấn Độ (hơn 43 triệu ca nhiễm và hơn 524 ngàn ca tử vong); Brazil (hơn 30 triệu ca nhiễm và hơn 664 ngàn ca tử vong); Pháp (hơn 29 triệu ca nhiễm và hơn 147 ngàn ca tử vong); và Đức (hơn 25 triệu ca nhiễm và hơn 137 ngàn ca tử vong). Việt Nam hiện đứng thứ 12/226 nước và vùng lãnh thổ, thứ 3 ở Châu Á (sau Ấn Độ và Hàn Quốc), đứng đầu bảng ở Đông Nam Á với hơn 10 triệu ca nhiễm và hơn 43.000 ca tử vong; có hơn 9,3 triệu bệnh nhân đã được điều trị bình phục.

NGÔ LÊ

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.