Thứ Sáu ngày 01 tháng 11 năm 2024

Huawei giới thiệu giải pháp trung tâm dữ liệu mới tại Việt Nam vì môi trường xanh và phát triển bền vững

Tại Hội thảo Trung tâm Dữ liệu và Điện toán Đám mây Việt Nam (Vietnam Cloud & Datacenter Convention) – Vietnam CDC 2022 diễn ra tại TP.HCM ngày 16-6-2022, bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh, Phụ trách kinh doanh mảng Trung tâm Dữ liệu Huawei (Huawei Data Center Facility) đã chia sẻ về giải pháp Trung tâm Dữ liệu mới của Huawei.

Hội thảo Trung tâm Dữ liệu và Điện toán Đám mây Việt Nam 2022 do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp với Công ty W.Media tổ chức cùng Huawei, FPT, ONION Software. Sự kiện thu hút hơn 20 diễn giả hàng đầu trình bày các báo cáo quan trọng, cũng như trên 700 chuyên gia về công nghệ thông tin và trung tâm dữ liệu đến tham dự. Theo ban tổ chức, Vietnam CDC 2022 tại Hà Nội dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15-9-2022.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu trao đổi những mối quan tâm cấp bách của ngành, trước đà phát triển vượt bậc của trung tâm dữ liệu và đám mây trong nước. Bối cảnh khởi nghiệp năng động và 70% dân số dưới 35 tuổi ở Việt Nam là chìa khóa cho tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này. Cùng với nỗ lực tập trung của chính phủ vào phát triển 5G và luật chủ quyền dữ liệu, ngành công nghiệp này được nhận định là sẽ trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ từ khu vực công đến tư nhân.  

Bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh tại hội thảo Vietnam CDC 2022 ở TP.HCM ngày 16-6-2022.

Huawei cho biết tập đoàn công nghệ này luôn mong muốn trở thành đối tác đồng hành cùng Việt Nam. Bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh, đại diện cho Huawei Việt Nam, đã có bài trình bày tại hội thảo với chủ đề “Giải pháp Trung tâm Dữ liệu toàn diện của Huawei – Đối tác tin cậy trong nỗ lực trung hòa phát thải carbon”.

Bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh cho biết: Huawei hiện dẫn đầu thị trường với hơn 830 trung tâm dữ liệu được triển khai trên toàn thế giới, bao gồm các lĩnh vực từ viễn thông đến chính phủ, tài chính, giao thông vận tải… Trung tâm Dữ liệu Huawei (Huawei Data Center Facility) chính là trung tâm dữ liệu thông minh carbon thấp thế hệ tiếp theo, vừa được Huawei ra mắt trên toàn cầu hồi cuối tháng 5-2022. Với giải pháp mới này, Huawei mới đây đã được trao giải thưởng “Trung tâm dữ liệu của năm” năm thứ ba liên tiếp tại Giải thưởng DCS 2022 (DCS Awards 2022).

Huawei Data Center Facility là giải pháp ngăn xếp toàn diện cho trung tâm dữ liệu (full stack data center) ở 4 cấp độ: cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu, nền tảng phần cứng, nền tảng đám mây và các ứng dụng kinh doanh. Ý tưởng của Huawei là từng bước chuyển đổi Công trình trở thành Sản phẩm; Sản phẩm trở thành Mô-đun; Mô-đun trở nên Thông minh với trí tuệ nhân tạo và nền tảng đám mây.

Bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh nói rằng: Giải pháp mô-đun thông minh của Huawei được cải tiến vượt bậc so với các giải pháp truyền thống. Theo Huawei, model 100 tủ, 6kW mỗi tủ sẽ tiết kiệm 75% thời gian bàn giao và 30% năng lượng tiêu thụ – tương đương 20.000 USD điện mỗi năm (tính theo giá điện 0.115 USD mỗi kWh), dễ dàng lắp đặt linh hoạt trong bất cứ không gian nào, cũng như cải thiện 35% hiệu quả vận hành và bảo trì. Trong khi đó, giải pháp mô-đun tiền chế (đúc sẵn) loại 500 tủ, 6kW mỗi tủ sẽ tiết kiệm được 17% năng lượng – tức 380.000 USD chi phí điện mỗi năm, tỷ lệ phục hồi được tăng lên 50%, giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng 80.000 USD mỗi năm.

Cơ sở Trung tâm Dữ liệu Thế hệ tiếp theo (Next-Generation Data Center Facility) của Huawei vận hành theo định hướng xanh và tiết kiệm năng lượng, đồng thời tái chế tối đa các vật liệu sử dụng, thân thiện và bền vững với môi trường. Huawei sử dụng các chỉ số: Sử dụng năng lượng hiệu quả (Power Usage Effectiveness – PUE), Sử dụng carbon hiệu quả (Carbon Usage Effectiveness – CUE), Sử dụng nước hiệu quả (Water Usage Effectiveness – WUE) và Sử dụng lưới điện hiệu quả (Grid Usage Effectiveness – GUE) để đo lường tính bền vững của trung tâm dữ liệu.

Huawei Data Center Facility cũng được tích hợp đơn giản hóa từ kiến trúc đến nguồn cung cấp năng lượng, hệ thống làm mát thể hiện định hướng phát triển của cơ sở trung tâm dữ liệu. Cụ thể, trung tâm dữ liệu 1000-rack sử dụng mô-đun tiền chế (đúc sẵn) sẽ giảm thời gian xây dựng từ 18 tháng xuống còn 6-9 tháng. Nguồn cung ứng điện đơn giản hóa rút ngắn thời gian bàn giao từ 2 tháng xuống 2 tuần. Trong khi, hệ thống làm mát đơn giản hóa giúp tối ưu hiệu quả trao đổi nhiệt.

Trung tâm dữ liệu thế hệ mới vận hành và bảo trì hoàn toàn tự động hóa, cho phép các kỹ sư hoàn thành việc kiểm tra 2.000 kệ trong 5 phút từ xa. Tối ưu hóa hiệu năng đồng nghĩa hệ thống làm mát tối ưu có thể thông qua 1,4 triệu thuật toán kết hợp trong vòng 1 phút, để đưa ra phương thức làm mát thông minh và tối ưu nhất, giúp hệ thống làm mát thông minh.

Huawei Data Center Facility tích hợp hệ thống bảo mật chủ động, sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tiến hành dự đoán các thiết bị cần bảo trì từ thành phần đến trung tâm dữ liệu. Quá trình phản hồi lỗi tự động sẽ chỉ mất 1 phút để phát hiện lỗi, 3 phút để phân tích và 5 phút để khôi phục. Cùng với đó là kết cấu an toàn gia tăng bảo mật ở nhiều cấp độ khác nhau từ thành phần, thiết bị đến hệ thống. Riêng ở cấp độ hệ thống, nền tảng đầu cuối trực quan, dễ dàng quản lý và kiểm soát, giúp hệ thống đạt tính khả dụng đến 99,999%.  

Với 4 đặc tính bao gồm: Bền vững với môi trường, Tích hợp đơn giản hóa, Vận hành tự động và An toàn đáng tin cậy, Huawei Data Center Facility đã được các đối tác tin cậy. Giải pháp này được ứng dụng trong Trung tâm Dữ liệu Khoa học – Công viên Quốc tế 4.200-rack tại Tô Châu, Trung tâm Dữ liệu Xixian của China Mobile 938-rack tại Thiểm Tây, Trung tâm Dữ liệu Lake Bank CITIC Trung Quốc rộng 92.000m2, Trung tâm Dữ liệu Global Switch Hong Kong 71.000m2, Trung tâm Dịch vụ Chính phủ Bắc Kinh…

Theo bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh, Huawei dẫn đầu thị trường trung tâm dữ liệu mô-đun đúc sẵn toàn cầu năm 2020 với 31% thị phần và đứng số 1 tại Trung Quốc với 20,9% thị phần. Hiện nay, Huawei Data Center Facility đã được áp dụng trong nhiều mô hình từ viễn thông, tài chính đến giao thông và quản lý chính phủ tại nhiều nơi như Singapore, Dubai, Hong Kong,…

Bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh chia sẻ: Huawei Data Center Facility là một trong những thành tựu của Huawei trong việc ưu tiên hàng đầu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Mỗi năm, tập đoàn dành tới 10-15% doanh thu cho R&D. Giá trị đầu tư của Huawei vào R&D năm 2011 đạt 3,6 tỷ USD, đến năm 2021 đã vượt hơn 22 tỷ USD. Huawei hiện có hơn 6.000 chuyên gia nghiên cứu làm việc tại 12 trung tâm R&D của Huawei trên toàn cầu, sáng tạo giải pháp và sở hữu trên 1.300 phát minh. Với sự đầu tư nghiên cứu cho lĩnh vực này, Huawei đã đạt được 3 chứng chỉ dành cho chuyên gia trung tâm dữ liệu (ATS – Accredited Tier Specialist) và 44 chứng chỉ dành cho thiết kế trung tâm dữ liệu (ATD – Accredited Tier Designer). Bên cạnh đó, với vai trò là thành viên sáng lập của mạng lưới Viện Uptime APAC, Huawei giữ kết nối chặt chẽ với Viện Uptime nhằm tiếp tục nghiên cứu và cho ra mắt những giải pháp trung tâm dữ liệu mới trong tương lai.

Bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh  nhấn mạnh: “Trong quá trình theo đuổi nghiên cứu trung tâm dữ liệu thế hệ tiếp theo, Huawei không ngừng đổi mới công nghệ để bảo đảm phát triển bền vững. Định hướng tương lai, Huawei sẽ tiếp tục tạo ra những đột phá trong sản phẩm và công nghệ thông qua đầu tư liên tục vào R&D, cũng như hợp tác sâu rộng với khách hàng, hệ sinh thái đối tác và các tổ chức công nghiệp. Bà Xuân Quỳnh chia sẻ: “Với Huawei Data Center Facility, cùng nhau, chúng ta có thể mở ra kỷ nguyên phát triển trung tâm dữ liệu mới.”

MEDIAONLINE

Nguồn do Huawei cung cấp.