Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Pin năng lượng mặt trời đi vào cuộc sống

Một chiếc ghe tạp hóa bán hàng rong ở Đồng Tháp có những tấm pin năng lượng mặt trời phủ rộng trên mui ghe rong ruổi khắp các vùng sông nước miền Tây Nam bộ tạo ra một hình ảnh là lạ thú vị chỉ có trong thời công nghệ.

Một chiếc ghe có gắn những tấm pin năng lượng mặt trời trên mui. (Ảnh chụp từ clip YouTube).

Anh chủ ghe sinh năm 1988 cũng là chủ kênh YouTube đạt được Nút Bạc (có từ 100.000 người theo dõi) chuyên về đời sống bán hàng rong trên sông cho biết mình đã bổ sung thêm những tấm pin mặt trời khi nhu cầu sử dụng gia tăng. Và với nguồn năng lượng từ mặt trời đó, anh không chỉ đủ phục vụ cho nhu cầu sạc thiết bị quay dưng video, sạc các thiết bị di động, quạt mát và chiếu sáng, mà còn chạy được cả một chiếc tủ lạnh nhỏ bảo quản thực phẩm.

Ở các vùng sâu, vùng xa không có nguồn điện lưới, các bộ pin năng lượng mặt trời quả là hữu dụng.

Bạn Thò Mí Súng, một YouTuber chuyên hoạt động thiện nguyện là người H’Mông ở Hà Giang, đã nhận được tài trợ của mạnh thường quân để trang bị 2 bộ đèn năng lượng mặt trời cho 2 gia đình người dân tộc sống ở vùng cheo leo trên núi cao. Bạn cho biết: “Loại đèn này có nhiều loại, giá 800-900 ngàn đồng cũng có, vài ba triệu hay 6-7 triệu cũng có. Sau khi tham khảo, tôi chọn loại có giá 1.550.000 đồng với đèn LED 100W và có thể điều khiển từ xa.” Bạn Súng đã tự tay lắp đặt một bộ đèn này cho cái chòi của 3 mẹ con nằm chênh vênh trên một vách núi. Vậy là, lần đầu tiên trong đời, họ có được ánh sáng đèn vào ban đêm.

Bạn Thò Mí Súng đang gắn tấm pin mặt trời trên mái chòi chênh vênh vách núi của ba mẹ con người H’Mông ở Hà Giang. (Ảnh chụp từ clip YouTube).

Hồi năm 2019, tiếp nối dự án “Mặt trời Mơ ước – Thắp sáng hy vọng và tương lai cho Tri Lễ” tặng 1.000 chiếc đèn năng lượng mặt trời cho bà con người dân tộc H’Mông ở vùng cao thuộc tỉnh Nghệ An, Công ty Điện tử Samsung Vina đã tổ chức chương trình trao 1.000 đèn năng lượng mặt trời cho người dân các bản Huổi Do, Nà Phặng, Pá Hốc (tỉnh Sơn La) và 3 xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, đảo Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau). Đây là các bản, xã vùng sâu vùng xa, địa hình chia cắt, khó tiếp cận lưới điện quốc gia, nguồn sáng không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các gia đình vào ban đêm. Đại diện Samsung Vina chia sẻ: 1.000 chiếc đèn tựa như “ngàn mặt trời mơ ước” trong đêm tối, không chỉ giúp thắp sáng từng góc học tập, gian bếp hay khu vực sinh hoạt chung trong nhà, mà còn sẻ chia ánh sáng hy vọng, kiến tạo ước mơ cho trẻ nhỏ, người dân, bản làng, thôn xóm.

Người dân bản làng vùng cao Tây Bắc đặt đèn năng lượng mặt trời lên mái nhà để sạc. (Ảnh do Samsung cung cấp).

Những chiếc đèn năng lượng mặt trời được thiết kế nhẹ, gọn, xinh xắn; một mặt lắp pin năng lượng mặt trời được làm bằng chất liệu không bám bẩn và thấm nước, mặt còn lại được lắp đèn chiếu sáng. Chỉ cần sạc pin dưới ánh sáng mặt trời vào ban ngày, đèn có thể thắp sáng trong vòng 8 giờ vào ban đêm, hoàn toàn linh động, dễ di chuyển và chiếu sáng mọi góc trong nhà.

Máy tính Casio chạy năng lượng kép: pin và ánh sáng. (Ảnh từ Internet. Thanks.)

Thật ra, việc ứng dụng năng lượng từ ánh sáng đã có trên thị trường từ rất lâu rồi. Cách đây nhiều năm, học trò đã có những chiếc máy tính Casio năng lượng kép, vừa chạy bằng pin, vừa chạy bằng năng lượng thu từ ánh sáng (ánh nắng mặt trời hay bóng đèn điện). Gần đây, hãng Garmin cũng đã cho ra đời những chiếc đồng hồ GPS chuyên cho dân thám hiểm có thể sạc bằng năng lượng mặt trời.

Đồng hồ Solar GPS Watch của Garmin đang được sạc bằng ánh nắng mặt trời. (Ảnh từ Internet. Thanks).

Bây giờ, người ta có thể tìm mua các bộ pin năng lượng mặt trời một cách dễ dàng, từ hầu hết các tiệm bán đồ điện tới các trang bán hàng online. Tất nhiên đại đa số là sản phẩm từ Trung Quốc, cả loại có thương hiệu kèm xuất xứ “Made in China” lẫn loại “no name” chiếm nhiều nhất. Tình trạng này buộc người dùng phải cẩn trọng vì quá dễ mua phải hàng kém chất lượng. Giá các loại pin năng lượng mặt trời giờ cũng ở mức phù hợp với người dùng rộng rãi. Chẳng hạn, vào trung tuần tháng 7-2022, giá một bộ sản phẩm năng lượng mặt trời có thương hiệu của Việt Nam (gồm 1 tấm pin mặt trời, một chiếc quạt bàn và 1 chiếc đèn LED) bán trên một trang online có đăng ký đàng hoàng chỉ với giá 850.000 đồng.

Việc phủ rộng pin năng lượng mặt trời khắp mọi nơi và trong nhiều lĩnh vực cuộc sống người dân là một tín hiệu tích cực, có lợi cho môi trường sống. Tuy nhiên, việc sử dụng tràn lan các bộ pin này lại phát sinh yêu cầu xử lý các bộ phận của chúng khi đã hư đã cũ, trở thành phế liệu.

Cử tri tỉnh Bình Thuận đã đề nghị các ngành chức năng nên có báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng xem chúng có gây ô nhiễm môi trường không và xử lý như thế nào cho mọi người yên tâm. Họ lo lắng có lý do khi trong thời gian qua đã có nhiều dự án điện năng lượng mặt trời quy mô lớn được triển khai tại khu vực miền Trung và miền Nam. Và theo trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường, về tổng thể, pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định thì có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc phát sinh khí thải độc hại có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người trong trường hợp xảy ra cháy.

Cần lưu ý là trong một bộ pin năng lượng mặt trời, bộ phận độc hại với người và môi trường là pin tích điện, một dạng bình ắc-quy. Còn tấm pin năng lượng mặt trời thực chất chỉ có chức năng hấp thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời (quang năng) và chuyển hóa thành điện năng, khác về tính chất với các loại pin, ắc quy khác là có chức năng tích điện. Do vậy, trong bộ pin năng lượng mặt trời, tấm thu năng lượng không thuộc các loại pin, ắc quy thải được quy định tại Thông tư số 36/2015/TT- 58 BTNMT ngày 30-6-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại và không thuộc danh mục sản phẩm thải bỏ quy định tại Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Vì thế, trước đây, các tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng pin năng lượng mặt trời phải thực hiện quy định về trách nhiệm của chủ nguồn thải quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24-4-2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; cụ thể là trách nhiệm về chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường. Riêng Khoản 2 Điều 7 của nghị định này có quy định rõ về chất thải nguy hại mà chủ nguồn thải phải tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng cũng như báo cáo và quản lý.

Cũng theo Bộ TN-MT, các chủ nguồn thải có trách nhiệm thực hiện phân định và phân loại tấm pin năng lượng mặt trời quy định tại Mục 3 của QCVN 07:2009/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại để quản lý cho phù hợp như tái sử dụng, tái chế, xử lý hoặc chuyển giao cho các cơ sở có chức năng phù hợp để tái chế, xử lý theo đúng quy định.

Để có cơ sở pháp lý bảo đảm việc xử lý pin mặt trời thải bỏ, Bộ TN-MT đã nghiên cứu, đưa sản phẩm tấm pin mặt trời vào danh mục các sản phẩm mà các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Chính phủ ban hành ngày 10-1-2022.

  • Bản in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 17-7-2022 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC