Thứ Sáu ngày 27 tháng 12 năm 2024

Gojek triển khai dự án “Quán nhỏ vượt sóng to” hỗ trợ các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ số hóa

Gojek, nền tảng công nghệ đa dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, ngày 1-11-2022 đã khởi động dự án “Quán nhỏ vượt sóng to” (Small Shops Weather Big Storms) tại Việt Nam, một sáng kiến toàn diện nhằm hỗ trợ các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) cải thiện sinh kế nhờ chuyển đổi số. Đây là Mùa 3 của Chiến dịch “Để không ai bị bỏ lại phía sau” mà Gojek thực hiện từ năm 2020.

Từ trái sang:  ông Phùng Tuấn Đức, bà Lâm Thị Ngọc Hoa, bà Phan Thị Bích Hường, và ông Ngô Trần Thịnh tiến hành nghi thức khởi động dự án “Quán nhỏ vượt sóng to”.

Thông qua dự án này, hàng chục nghìn cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam sẽ có thể truy cập vào một thư viện thông tin miễn phí bao gồm các kiến thức, kỹ năng và công cụ về tài chính và công nghệ, nhằm giúp họ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh trực tuyến trong lĩnh vực ẩm thực. Ngoài ra, Gojek cũng sẽ hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP.HCM để trao cơ hội và nâng cao kỹ năng cho những người phụ nữ làm chủ, nhằm giúp họ tận dụng thương mại điện tử (TMĐT) để tiếp cận các cơ hội thu nhập mới, giảm bớt rào cản liên quan đến tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Ông Phùng Tuấn Đức và bà Trần Thị Phương Hoa ký kết hợp tác giữa Gojek Việt Nam và Hội LHPN TP.HCM.

Từ trái qua: Bà Phan Trần Bích Vân, Chủ nhiệm nội dung Chương trình “Cuộc sống tương lai – HTV Cafetek”; Bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM; ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam; bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN  TP.HCM; bà Phan Thị Bích Hường, Giám đốc Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM; bà Lê Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Phát triển Đối tác GoFood, Gojek Việt Nam.

Với việc xây dựng một thư viện thông tin trực tuyến, dự án “Quán nhỏ vượt sóng to” hướng tới việc trang bị cho các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ các kiến thức, kỹ năng và công cụ cần thiết để có thể bắt tay vào việc bán hàng và duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, linh hoạt trên cơ sở tận dụng được thế mạnh của nền tảng kỹ thuật số, từ đó giúp họ bắt kịp xu hướng của thị trường cũng như những thay đổi trong thói quen và nhu cầu của người tiêu dùng. Từ các nội dung về cách xác định khách hàng mục tiêu, chính sách định giá đến phương pháp quản lý nguyên vật liệu, marketing, quy trình đóng gói, giao hàng,… trang thông tin của Gojek có thể coi là một thư viện tổng hợp dành riêng cho các cửa hàng kinh doanh ẩm thực. Bên cạnh đó, trang thông tin còn truyền cảm hứng cho người dùng với những câu chuyện thành công của các cửa hàng kinh doanh vừa, nhỏ và siêu nhỏ đã mở rộng và phát triển nhờ vào việc số hóa.

Thông qua việc hợp tác với Hội LHPN TP.HCM, Gojek sẽ cùng với các đối tác đào tạo kỹ năng kinh doanh cho 200 phụ nữ đang làm chủ các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào các chủ đề lập kế hoạch tài chính, quản lý kinh doanh và cách vận hành một cửa hàng trực tuyến. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các học viên có thể bắt tay vào xây dựng một cửa hàng kinh doanh ẩm thực của riêng mình trên GoFood – nền tảng giao đồ ăn trực tuyến của Gojek, để có thể tiếp cận hàng triệu người đang sử dụng ứng dụng Gojek tại Việt Nam. Gojek sẽ góp phần thúc đẩy hành trình kinh doanh trực tuyến của các cửa hàng này thông qua các chương trình hỗ trợ dành riêng cho từng cửa hàng, các hoạt động truyền thông tiếp thị cùng các đãi ngộ về phí dịch vụ.

Ông Phùng Tuấn Đức

Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam, cho biết, “Những bất ổn về kinh tế sau đại dịch đang tạo ra nhiều thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, các doanh nghiệp truyền thống này cần nhanh chóng chuyển mình để trở thành một doanh nghiệp số thì mới có thể thích nghi được với những thay đổi trong hành vi cũng như thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Tại Gojek, chúng tôi tin rằng việc chuyển đổi số không chỉ liên quan đến công nghệ, mà còn cần cả kiến thức và kỹ năng. Thông qua sáng kiến lần ​​này, chúng tôi mong muốn trao quyền cho các chủ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là đối tượng phụ nữ, để họ có thể tận dụng và hưởng lợi từ việc tiếp cận nền kinh tế kỹ thuật số, với mục tiêu cuối cùng là tăng các cơ hội thu nhập. Điều này cũng phù hợp với cam kết của Gojek trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thông qua các công cụ, giải pháp và khả năng tiếp cận, nhằm tạo điều kiện cho họ có thể phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.”

Bà Trần Thị Phương Hoa

Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, cho biết: “Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình nhưng còn gặp không ít rào cản trong quá trình chuyển đổi số. Do vậy, các giải pháp hỗ trợ toàn diện để giúp họ có thể thích ứng nhanh với bối cảnh mới khi nền kinh tế đang phục hồi là hết sức cần thiết. Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của Gojek trong việc hỗ trợ các cửa hàng kinh doanh ăn uống có thể từng bước chuyển đổi số để tiến tới cải thiện sinh kế. Dự án này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của chúng tôi trong việc thúc đẩy và nâng cao năng lực của hội viên phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ thực hiện chuyển đổi số. Việc hợp tác với Gojek sẽ là nền tảng cho các dự án trong tương lai, giúp tạo ra tác động tích cực trong cộng đồng nói chung và cho các chị em phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nói riêng.”

“Quán nhỏ vượt sóng to” là dự án tiếp theo trong Chiến dịch “Để không ai bị bỏ lại phía sau” (So No One is Left Behind) mà Gojek Việt Nam đã thực hiện được 2 mùa vào năm 2020 và 2021. Trong chiến dịch này, ​​Gojek đã tổ chức các buổi đào tạo và tư vấn cho gần 100 cửa hàng kinh doanh ăn uống, hỗ trợ họ khởi nghiệp và phát triển hoạt động kinh doanh ẩm thực trực tuyến trên nền tảng GoFood. Trong năm 2022, Chương trình CafeTek của Đài Truyền hình TP.HCM (CafeTek HTV) sẽ tiếp tục đồng hành cùng dự án “Quán nhỏ vượt sóng to”. Ngoài ra, Công ty Xiaomi cũng sẽ tham gia dự án dưới hình thức tặng điện thoại thông minh và đào tạo, hướng dẫn các học viên sử dụng điện thoại thông minh để chụp ảnh món ăn.

Gojek chia sẻ: Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là nền tảng của nền kinh tế Việt Nam, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và đóng góp 45% GDP quốc gia. Theo thống kê, 90% các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và đang cần được hỗ trợ. Với nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến ​​đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, việc số hóa là vô cùng cần thiết để nhóm này có thể sớm phục hồi.

Ông Phùng Tuấn Đức cho biết thêm: “Việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là một trong những hoạt động cốt lõi của Gojek. Tại Việt Nam, Gojek đã và đang tạo điều kiện để hàng chục nghìn đối tác kinh doanh – trong đó có tới 90% là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ – phát triển và tăng trưởng trực tuyến thông qua việc kết nối họ với hàng triệu người dùng trên ứng dụng Gojek. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua chiến dịch này, những nỗ lực của Gojek sẽ giúp các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ duy trì hoạt động kinh doanh một cách bền vững, từ đó đóng góp vào quá trình phục hồi nền kinh tế.”

GoFood là một trong những nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người dùng với hàng chục nghìn nhà hàng, cung cấp hàng triệu món ăn, thức uống cho nhu cầu hàng ngày của người dân.

G.V.C.

Nguồn do Gojek cung cấp.