Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Hệ sinh thái an ninh an toàn thông tin của CMC tạo ấn tượng tại Ngày An toàn Thông tin Việt Nam 2022

Tập đoàn Công nghệ CMC đã tham gia trưng bày, giới thiệu các giải pháp an ninh an toàn thông tin tại Hội thảo – Triển lãm Quốc tế Ngày An toàn Thông tin Việt Nam 2022 (Vietnam Cyber Security Day 2022) do Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) và Cục An toàn Thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 24-11-2022 ở Hà Nội.

Hội thảo năm thứ 15 này được tổ chức với chủ đề “Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn” (Ensuring cyber security for citizen and enterprise in digital transformation). Tập đoàn CMC là nhà tài trợ Bạc của sự kiện.

Toàn cảnh cuộc hội thảo.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), cơ quan bảo trợ sự kiện, cho biết, chuyển đổi số là chương trình lớn, dài hạn của quốc gia. Việc đưa các hoạt động lên môi trường số nhiều hơn đồng nghĩa với nhu cầu về an toàn thông tin mạng nhiều hơn. Hiện nay có ít nhất hơn 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng và Nhà nước, hơn 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình, và 100 triệu người dân cần được bảo vệ. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ. Vì vậy việc bảo đảm an toàn không gian mạng là trách nhiệm phải chủ động vào cuộc của tất cả cơ quan, tổ chức, người dân, với nguyên tắc Thực sao – ảo vậy.”

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TTTT phát biểu tại sự kiện.

Đại diện Bộ TT-TT kỳ vọng, thông qua sự kiện này, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân sẽ có thêm sẽ có thêm nhận thức và hành trang để từ đó tự tin thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số nhanh hơn.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA, nhấn mạnh:  “Một quốc gia không an toàn nếu không gian mạng của quốc gia đó không an toàn.”

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA, phát biểu tại sự kiện.

CMC tạo ấn tượng với gian hàng trưng bày giải pháp An ninh An toàn thông tin

Ông Hà Thế Phương, Tổng Giám đốc CMC Cyber Security, cho biết: “Đến với Hội thảo – Triển lãm Quốc tế Ngày An toàn Thông tin Việt Nam 2022, chúng tôi muốn giới thiệu tới thị trường Hệ sinh thái an ninh an toàn thông tin Made by CMC – Make in Việt Nam. Hệ sinh thái bao gồm các giải pháp, dịch vụ hướng tới mục tiêu giảm thời gian triển khai cho khách hàng và tối ưu hóa được chi phí, nguồn lực mà khách hàng cần đầu tư. CMC là một trong những số ít doanh nghiệp Việt Nam tạo ra được một hệ sinh thái an toàn, an ninh thông tin với các giải pháp do CMC tự nghiên cứu phát triển. CMC luôn nỗ lực cải thiện sản phẩm dịch vụ và cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức lớn nhỏ, góp phần bảo đảm an ninh an toàn cho không gian mạng Việt Nam và thế giới.”

Gian hàng Tập đoàn CMC nhận được sự quan tâm của đông đảo khách tham quan.

CMC mang tới sự kiện nhiều sản phẩm, giải pháp, nổi bật với hệ thống CMC SOC – Trung tâm điều hành an ninh mạng thế hệ mới và CMC CIVAMS – Hệ thống nhận diện khuôn mặt thông minh.

Ông Nguyễn Huy Dũng ông Nguyễn Thành Hưng tham quan gian hàng CMC SOC.

Khách tham quan có thể trải nghiệm CMC CIVAMS ngay tại gian hàng, cũng như tìm hiểu kỹ hơn về CMC SOC với các dịch vụ và giải pháp về an toàn thông tin mạng đã được công nhận trong nước và quốc tế như CMDD – Giải pháp phòng chống mã độc đạt chứng chỉ VB100; CMC CryptoShield – Giải pháp phòng chống mã hóa dữ liệu; CMC Security Monitoring – Dịch vụ giám sát an ninh mạng; CMC Threat Hunting – Dịch vụ săn tìm mối đe dọa, …

Doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong triển khai chiến lược an toàn, an ninh quốc gia

Điểm nhấn của sự kiện năm nay là buổi tọa đàm về “Vai trò của doanh nghiệp trong triển khai chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia” do TS. Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNISA, chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo Cục ATTT; ông Đào Gia Hạnh (Phó Giám đốc công nghệ FPT IS); ông Hà Thế Phương (Tổng Giám đốc CMC Cyber Security); ông Shash Hegde (Chuyên gia ATTT cao cấp, khối dịch vụ khách hàng công, Google Asia Pacific).

Nội dung buổi tọa đàm tập trung phân tích chính sách của Nhà nước và kinh nghiệm quốc tế về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng; thực trạng, nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ, giải pháp an toàn thông tin tại Việt Nam hiện nay.

Ông Hà Thế Phương (ngoài cùng bên phải), Tổng Giám đốc CMC Cyber Security, chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Chia sẻ về vai trò của doanh nghiệp trong chiến lược An toàn thông tin Quốc gia, ông Hà Thế Phương cho rằng việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng chất lượng cao hoàn toàn thuộc khả năng của các doanh nghiệp công nghệ như CMC, FPT,… nhưng việc tuyên truyền, phổ cập, nâng cao nhận thức, đưa sản phẩm tới tay người dân sẽ cần sự chỉ đạo và hỗ trợ nhiều mặt từ các cơ quan chức năng chính phủ như Bộ TT-TT, Bộ Khoa học – Công nghệ,…

Một trong những thế mạnh của Tập đoàn CMC là có đủ các công ty đang hoạt động trong ngành CNTT, từ viễn thông, tích hợp, bảo mật, … tới gia công phần mềm. “Chúng tôi dễ dàng cung cấp tổng thể đối với nhiều loại nhu cầu lớn nhỏ khác nhau của các khách hàng hoạt động ở nhiều ngành nghề khác nhau,” – ông Phương chia sẻ khi được hỏi về thế mạnh của doanh nghiệp trong đầu tư vào thị trường An toàn thông tin.

CMC là thành viên của Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin

Tại sự kiện, ông Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC, đã tham gia lễ ký kết thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng. CMC cùng với đại diện Cục ATTT, Hiệp hội VNISA và các doanh nghiệp VNPT, Viettel, MobiFone, TikTok, Cốc Cốc, BKAV,  VNG đã cùng nhau ký kết thành lập liên minh. Với thành phần bao gồm cơ quan nhà nước, Hiệp hội, các doanh nghiệp viễn thông, an toàn thông tin mạng và mạng xã hội, hy vọng Liên minh sẽ có đủ tri thức và công cụ kỹ thuật để làm góp phần bảo vệ người dân trên không gian mạng.

Ông Hồ Thanh Tùng (thứ ba từ phải)tham gia Lễ ký kết thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm ATTT cho người dân trên không gian mạng.

Ông Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC, chia sẻ tại hội thảo: “An toàn thông tin trong chuyển đổi số phải gắn chặt với từng hạng mục trong hệ sinh thái chuyển đổi số. Chỉ 1 sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn tới thiệt hại lớn không chỉ về tài chính, mà còn sự an toàn của doanh nghiệp, và cao hơn nữa là của quốc gia.”

Cũng theo Cục An toàn thông tin, sứ mệnh của Liên minh là thúc đẩy sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và phổ biến kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cho người dân khi tham gia sử dụng mạng. Từ đó, Liên minh giúp tạo dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, giảm thiểu sự cố mất an toàn thông tin và tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội số.

L.N.C.

Nguồn do CMC cung cấp