Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Klook: hơn 80% du khách Châu Á có kế hoạch du lịch trong năm 2023

Nếu những bất ổn kinh tế đang khiến bạn lo lắng hoặc băn khoăn về kế hoạch du lịch của mình trong năm 2023, bạn không hề đơn độc. Theo nghiên cứu mới nhất của Klook, nền tảng thương mại điện tử dành cho trải nghiệm và dịch vụ du lịch có trụ sở tại Hong Kong, cứ 5 du khách ở Châu Á được hỏi thì có gần 4 người lo lắng về việc đi du lịch vào năm sau (2023).

Cuộc khảo sát về khả năng phục hồi du lịch được Klook thực hiện vào tháng 11-2022 thông qua Stickybeak với tổng số 902 người được hỏi ở 9 thị trường bao gồm Singapore, Đài Loan, Hong Kong, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Klook, những lo ngại về lạm phát và gia tăng chi phí không ngăn cản du khách thực hiện các kế hoạch du lịch của họ. Đại đa số du khách ở Châu Á (81%) háo hức đi du lịch nước ngoài trong năm tới, với 1/3 dự định thực hiện ít nhất 2 đến 4 chuyến đi. Nghiên cứu cũng cho thấy, tại thị trường Việt Nam, mặc dù những bất ổn kinh tế khiến 75% người tham gia khảo sát lo lắng về việc du lịch, nhưng đến 79% dự định có ít nhất 1 chuyến du lịch quốc tế vào năm 2023, với 45% dự định du lịch nước ngoài ít nhất 10 ngày.

Khách du lịch quan tâm điều gì hơn: nguy cơ nhiễm COVID-19 hay chi phí tăng cao?

63% du khách ở Châu Á trong khảo sát lo lắng về việc tăng giá các chi phí liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, mong muốn đi du lịch dường như còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn, với hơn 80% dự định chi tiêu tương đương hoặc nhiều hơn trước đây cho việc đi du lịch. Trong số những người được khảo sát, du khách Malaysia, Singapore và Nhật Bản xếp hạng mối quan tâm về chi phí cao nhất. Cũng đặt nặng mối bận tâm về chi phí, nhưng người Việt Nam lại là một trong những người hào hứng đi du lịch nhất với 51% người tham gia khảo sát dự định chi tiêu nhiều hơn cho du lịch vào năm 2023. Bên cạnh chi phí tăng cao, những lo ngại về COVID-19 vẫn còn đó, với 39% du khách Châu Á lo lắng về việc có thể nhiễm bệnh trong kỳ nghỉ.

Du lịch bất kể trở ngại hay bận tâm

Tuy cảm thấy lo lắng về việc đi du lịch trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập, nhưng du khách ở Châu Á vẫn không từ bỏ kế hoạch du lịch của mình. 35% sẽ chọn các điểm đến gần hoặc du lịch vào mùa thấp điểm, trong khi 34% sẵn sàng cắt giảm các chi phí khác để dành dụm cho chuyến du lịch.

Để giảm thiểu lo lắng, một nửa số du khách cho biết họ sẽ lên lịch trình trước để tối đa hóa trải nghiệm trong chuyến du lịch. Với những người quan tâm nhiều hơn về sức khỏe và an toàn, 43% bảo đảm rằng họ sẽ mua bảo hiểm du lịch, và 35% sẽ lựa chọn khám phá những nơi ít đông đúc hơn tại các điểm đến để giảm rủi ro.

Năm 2023 sẽ là năm phục hồi du lịch (Year of Travesillience)?

Ông Marcus Yong, Phó Tổng Giám đốc, Bộ phận Marketing Toàn cầu tại Klook, dự đoán rằng vào năm 2023, khách du lịch sẽ vẫn thực hiện các dự định của họ mặc cho khó khăn. Ông cho biết: “Sau hai năm giãn cách, du lịch đã trở thành một trải nghiệm mà mọi người trân trọng hơn bao giờ hết, và điều này được thể hiện rõ qua dữ liệu khảo sát của chúng tôi. Mặc dù hành vi và thái độ du lịch đã biến chuyển rất nhiều trong những năm qua, chúng tôi thấy rằng du khách không những thích nghi nhanh chóng, mà họ vẫn luôn giữ quyết tâm du lịch để tìm kiếm và tận hưởng những niềm vui và cảm xúc chỉ du lịch mới đem lại.”

Ông nhận định: “Năm 2023 sẽ là năm du lịch phục hồi vững vàng, và là năm du khách theo đuổi các chuyến đi để tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ mới, bất chấp khó khăn và trở ngại nào.”

Bà Michelle Ho, Giám đốc Điều hành Philippines, Thái Lan và Việt Nam tại Klook, cũng chia sẻ thêm: “Trong năm 2022, du khách Châu Á, đặc biệt là du khách Việt Nam, đã có những phản ứng và thích nghi tích cực với những thay đổi về du lịch. Cứ mỗi khi các biện pháp hạn chế nhập cảnh vì COVID được dỡ bỏ, chúng tôi lại chứng kiến làn sóng người Việt Nam đặt vé du lịch nước ngoài, nhờ đó mà phân khúc du lịch nước ngoài (outbound) đã phục hồi mạnh mẽ kể từ tháng 3-2022. Ba điểm đến hàng đầu được du khách Việt Nam chọn đi nhiều nhất trên nền tảng Klook là Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc. Trong đó, chúng tôi đã ghi nhận ở một vài tháng nhất định, nhu cầu du lịch Singapore và Thái Lan đã vượt qua mức trước COVID. Hàn Quốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng nhu cầu lên đến 200% trong tháng 10, ngay sau khi nước này công bố bãi bỏ các hạn chế về COVID.”

Với ứng dụng Klook, du khách có thể khám phá cả thế giới trong tầm tay của mình. Từ những điểm tham quan nổi tiếng đến những trải nghiệm “ẩn mình” (hidden gem) ít được biết đến, có muôn hình vạn trạng hoạt động để du khách khám phá niềm vui trong chuyến đi của mình. Vào năm 2022, Klook đã mang đến hơn 108 triệu giờ trải nghiệm thông qua các hoạt động được đặt qua ứng dụng và trang web Klook.

Theo dữ liệu khảo sát nội bộ của Klook, trên khắp Châu Á, các trải nghiệm khám phá và các hoạt động cho gia đình đang ngày càng chiếm xu thế. Các điểm tham quan như bảo tàng, công viên giải trí, vườn thú & công viên động vật là những dịch vụ được đặt nhiều nhất ở khắp Châu Á. Ngoài ra, nhu cầu thuê xe hơi và trải nghiệm ngoài trời như tour đi bộ và trekking leo núi cũng tăng mạnh – cho thấy du khách đang có xu hướng đi ra khỏi các khu vực đô thị, và hướng đến khám phá các khu vực bên ngoài thành phố.

Các con số nổi bật từ khảo sát của Klook:

  • Cứ 5 du khách ở Châu Á được hỏi thì có 4 người lo lắng về việc đi du lịch quốc tế vào năm 2023 do những bất ổn kinh tế.
  • Phần lớn (81%) mong muốn được đi du lịch quốc tế trở lại vào năm 2023 (so với 19% không hề mong muốn).
  • 79% khách du lịch Châu Á dự định thực hiện ít nhất một kỳ nghỉ quốc tế vào năm 2023 và gần 4 trên 10 khách du lịch lên kế hoạch cho 2 đến 4 kỳ nghỉ vào năm 2023.
  • 79% du khách Việt Nam dự định có ít nhất 1 chuyến đi du lịch nước ngoài trong năm 2023, và 51% cho biết họ sẽ chi tiêu nhiều hơn cho du lịch (so với năm 2022).
  • Giá cả tăng cao là mối quan tâm lớn nhất của du khách Việt, theo sau đó là việc có giấy tờ du lịch hợp lệ. 
  • Độ dài phổ biến nhất cho một kỳ nghỉ là 3-5 ngày (45%), 6-9 ngày (34%), và 10 ngày trở lên (25%)
  • 41% người được khảo sát dự định chi tiêu nhiều hơn cho du lịch, 40% giữ nguyên ngân sách du lịch và chỉ 19% dự định cắt giảm chi tiêu du lịch.
  • Những mối quan tâm hàng đầu của khách du lịch ở châu Á bao gồm chi phí đi lại (63%), khả năng nhiễm COVID-19 hoặc bị bệnh khi đi du lịch (39%), rào cản ngôn ngữ (35%) và có giấy tờ thông hành hợp lệ (33%).

Đ.P.K.

Nguồn do Klook cung cấp.