Mùng Ba Tết tiễn nàng Xuân Thị Tết
Có 30, mùng Một thì phải có mùng Hai để rồi tới mùng Ba. Nếu 30, mùng Một nô nức vui đón sum vầy bao nhiêu, mùng Ba bịn rịn chia tay luyến lưu bấy nhiêu.
Mùng Ba Tết, nhà A Phủ cúng tiễn ông bà sớm. Nghe ông bà tâm tình, đã đón ông bà về thì phải nhớ cho ông bà ăn, nếu không đủ 3 bữa thì cũng có 2 bữa trưa chiều. Có con cháu đón ông bà về rồi mải vui chơi mà quên dọn bữa mời ông bà ăn. Cũng có ông bà mong con cháu sớm tiễn mình vì 3 ngày Tết, bữa nào cũng được ăn giống nhau đến phát ngán. Con cháu ăn sao, ông bà ăn vậy mới phải lẽ.’
A Phủ ngẫm nghĩ: Người ta gọi Nàng Xuân là có ý nghĩa. Tết giống như một cô gái trẻ đẹp xinh tươi. Người ta đang yên đang lành thì xộc đến, làm ngất ngư. Tới chừng A Phủ đã bén hơi thì nàng ta lại dứt váy bỏ đi. Bỏ đi sau khi đã tiêu sạch sẽ hết tiền mà A Phủ ky cóp để dành cả năm trước. Nàng Xuân Thị Tết ra đi còn hẹn hò sẽ quay lại vào Tết Giáp Thìn sau một năm Quý Mão nhuận 13 tháng. A Phủ thì sau 3 ngày miệt mài nằm dài với Nàng Tết cùng chén phim bộ Netflix, giờ chỉ nghĩ tới mấy viên sâm Cao Ly và mấy miếng thuốc dán Salonpas. Hứ, ghét ghê vậy đó.
Thời tiền chiến, thi sĩ Chế Lan Viên mở đầu bài thơ “Xuân” (in trong tập “Điêu Tàn”) rằng:
“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu?”
Tết Quý Mão 2023 này, A Phủ mạn phép thêm 2 câu:
“Ba ngày hương lửa vui như Tết
Mới bén mùi rồi phải biệt nhau”
A.P.