Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Xác nhận cư trú: đâu phải khó giải quyết

Cứ tưởng có kéo dài thời kỳ chuyển tiếp ban đầu có bất cập thì cũng chỉ vài tuần đến một tháng, thực tế đã gần 2 tháng sau khi sổ hộ khẩu và sổ thường trú giấy hết còn giá trị sử dụng (từ 1-1-2023), người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác nhận cư trú.

Trong những ngày qua, báo Tuổi Trẻ đã nhận được hàng trăm ý kiến bạn đọc tiếp tục gửi về phản ánh tình cảnh khổ sở khi phải đi xác nhận cư trú (mẫu CT07). Hầu như hễ làm thủ tục gì mà trước đây cần sổ hộ khẩu thì nay người dân phải thay bằng giấy xác nhận cư trú in giấy. Mà việc phải tới công an cấp xã phường để xin giấy xác nhận cư trú chẳng dễ dàng chút nào. Nó làm mất thời gian của người dân. Nếu không phải chờ đợi lâu do quá tải tại nơi cấp, và ngay cả được bảo đảm đúng thời hạn quy định, người dân cũng phải chờ từ 1 đến nhiều ngày. Theo Quyết định 5548/QĐ-BCA-C06 ngày 6-7-2021 của Bộ Công an, thời gian cấp giấy xác nhận thông tin cư trú là 1 ngày làm việc với trường hợp thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và trong thời hạn 3 ngày làm việc với trường hợp cần xác minh.

Người viết bài này cũng từng phải “triệu hồi” sổ hộ khẩu giấy sống lại. Đợi một tuần sau khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị, chúng tôi đến một bưu cục tại TP.HCM để làm thủ tục gia hạn bảo hiểm y tế hộ gia đình. Mặc dù đã điền đầy đủ thông tin rất chi tiết (có cả số CCCD gắn chip, mã hộ khẩu) vào tờ khai và xuất trình bản sao CCCD để kiểm tra, chúng tôi vẫn bị yêu cầu phải bổ sung bản sao sổ hộ khẩu thì mới được mua theo hộ gia đình. May là do lo xa, trước ngày sổ hộ khẩu giấy hết giá trị sử dụng, chúng tôi đã photo và công chứng một số bản sao để phòng thân.

Việc buộc người dân phải có giấy xác nhận cư trú khi làm thủ tục hành chính và giao dịch được giải thích là do chưa thật sự có được sự liên thông giữa các cơ quan, tổ chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thậm chí không ít nơi nói rằng mình không có máy đọc chíp chuyên dụng.

Việc bỏ sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy hoàn toàn không có nghĩa là Nhà nước bãi bỏ việc quản lý cư trú của công dân. Thực chất là trong tiến trình xây dựng chính quyền số, việc quản lý cư trú được chuyển từ hình thức thủ công trên giấy sang phương thức điện tử. Có nghĩa là người dân vẫn phải thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, thay đổi thông tin cư trú như trước đây, nhưng giờ thực hiện trên môi trường điện tử.

Bộ Công an cho biết, sổ hộ khẩu điện tử là phương thức quản lý thường trú của công dân trên mạng điện tử qua hệ thống phần mềm và được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Trên hệ thống này, mỗi người có một mã định danh cá nhân độc nhất không trùng lắp, trong đó có đầy đủ các thông tin về tên, tuổi, giới tính, ngày sinh, nơi sinh, thường trú, quan hệ nhân thân,…

Mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23-2-2023 chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú. Thời gian dể hoàn thành là trong tháng 3-2023.

Nhưng rõ ràng, việc buộc người dân phải xuất trình giấy xác nhận cư trú trong hầu như các thủ tục hành chính như hiện nay thực chất là một sự “rượu cũ, bình mới”, thay sổ hộ khẩu bằng giấy xác nhận cư trú, thậm chí còn gây nhiều bất tiện hơn khi dùng sổ hộ khẩu giấy. Đó là lý do mà một số bạn đọc đề xuất trong thời gian đầu chờ mọi sự ổn định, liên thông hoàn tất, người dân có thể xài tạm trở lại sổ hộ khẩu cũ. Tất nhiên điều này sẽ vướng luật.

Vậy thì vấn đề ở đây là có thật mọi sự cố đều do lỗi là chưa liên thông đồng bộ và có nhất thiết tất cả mọi thủ thục hành chính đều cần phải xuất trình giấy xác nhận cư trú?

Thực tế, việc xác nhận nơi thường trú của công dân không cần phải có sự liên thông hay truy vấn Cơ sở dũ liệu quốc gia hoặc máy đọc CCCD chuyên dụng. Thông tin này đã được in rành rành trên thẻ CCCD ở mục “Nơi thường trú”, mà nếu vẫn chưa tin thì có thể dùng bất cứ ứng dụng quét mã nào để đọc thông tin cư trú trong mã QR trên CCCD.

Nghị định 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21-12-2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023 quy định rõ rằng giấy xác nhận cư trú chỉ là một trong 4 loại giấy tờ (có CCCD, CMND, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) có giá trị thay cho sổ hộ khẩu giấy. Văn bản của Nghị định này ghi rõ: “Bản sao của một trong các giấy tờ” đó.

Bộ Công an cũng đã thông báo rộng rãi có 7 phương thức để khai thác thông tin của công dân sau khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị, bao gồm việc xuất trình thẻ CCCD gắn chip, tra cứu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc sử dụng giấy xác nhận cư trú, ứng dụng di động VNeID, … Khi công dân xuất trình thẻ CCCD, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về CCCD. Và để thay thế cho sổ hộ khẩu giấy, người dân chỉ cần dùng 1 trong 7 phương thức này.

7 phương thức thay thế sổ hộ khẩu giấy. (Nguồn: Báo Chính phủ/Internet. Thanks).

Như vậy, nếu giấy xác nhận cư trú chỉ là 1 trong các loại giấy tờ theo luật định dùng để thay sổ hộ khẩu giấy thì tại sao các cơ quan chức năng lại chỉ chấp nhận mỗi loại giấy chứng thực đó? Phải chăng các cơ quan, tổ chức cấp cơ sở khi thực thi nhiệm vụ cung cấp thủ tục hành chính cho người dân có quyền “vô hiệu hóa” các loại giấy tờ mà luật đã quy định?

Nếu nói các cơ quan chức năng này cố ý “hành” dân thì có phần quá đáng. Có lẽ chủ yếu do họ sợ bị quy trách nhiệm nên chọn cái nào an toàn cho mình hơn.

Không ai có thể phủ nhận được yêu cầu phải có sự quản lý của nhà nước đối với việc cư trú của công dân và mọi người có mặt trên lãnh thổ nước mình. Ngay cả các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu,… cũng phải thực hiện việc này. Chỉ có khác nhau ở cách thực hiện. Việc quản lý cư trú công dân là công việc của nhà nước trong chức trách quản lý của mình. Việc chứng thực cư trú của công dân cũng là chuyện của nhà nước, cụ thể là cơ quan chức năng. Vậy thì, liệu các cơ quan chức năng có thể tự xử lý yêu cầu này trong nội bộ bộ máy của mình mà không cần phải đẩy cho công dân?

Có lẽ, giải pháp cần kíp để có thể tháo gỡ đoạn trường xác nhận cư trú của công dân sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy là có sự chỉ đạo và thi hành quyết liệt, kết hợp kiểm tra chặt chẽ, từ Chính phủ, Bộ Công an và các bộ ngành khác, cũng như UBND cấp tỉnh thành. Chỉ đạo cụ thể, rõ ràng rằng có thể thay thế sổ hộ khẩu giấy, chứng thực cư trú bằng một trong các phương thức và giấy tờ theo quy định. Không thể chỉ vì cái chuyện không đáng xảy ra này mà gây ảnh hưởng tới công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia, vừa không thật sự hữu ích cho người dân, vừa dễ khiến người dân giảm tin tưởng.

Thủ tướng chỉ đạo cụ thể: Không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận cư trú trong giải quyết thủ tục hành chính

Sáng 25-2-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các doanh nghiệp lớn về công nghệ.

Trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc, toàn ngành này, Thủ tướng nhấn mạnh: “Thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp Giấy xác nhận cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.” (Nguồn)

Ở tầm này, A Phủ quá hiểu cán bộ thừa hành cấp cơ sớ, đầu vào, là hầu hết họ chỉ muốn an toàn và dễ dàng cho mình một cách tối đa có thể được, chớ không có nghĩ tới chuyện chọn phương cách thuận lợi cho người dân đâu. Họ cũng không chịu bỏ chút thời gian mà hiểu rộng các câu chữ văn bản chỉ đạo nên cần cấp trên muốn họ làm gì cứ nói rõ ra, để họ cứ theo đó mà làm. Thí dụ, nói chung chung là có thể dùng “một trong các loại giấy tờ này” thì 99,99% là họ chọn loại giấy tờ nào an toàn nhất đối với họ.    

Mong rằng các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính hiểu một cách tích cực ý chỉ đạo của Thủ tướng là không yêu cầu người dân cung cấp bất cứ loại giấy xác nhận cư trú nào (vì đã có trên CCCD và cơ sở dữ liệu quốc gia). Chỉ e rằng sau chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng, cán bộ làm thủ tục hành chính sẽ không đòi gấy xác nhận cư trú (phương thức 6/7) nữa mà yêu cầu “Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” (phương thức 7/7) thì người dân vẫn phải vật vã vất vả tới công an xã phường xin tờ thông báo này.

  • Bản in trên báo Tuổi Trẻ thứ Bảy 25-2-2023 và trên báo TT Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC