Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Cần có kế hoạch cho “hậu chuẩn hóa” thông tin thuê bao di động

Phải thừa nhận ngay rằng, ngay trong đợt đầu tiên tiến hành chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, dù có nỗ lực tối đa, tỷ lệ đạt được không thể 100%, thậm chí trên 90% một chút đã là thành công.

Công việc này tưởng đơn giản mà không hề giản đơn. Thành công bước đầu và căn cơ là nếu như các nhà mạng dựa trên quy trình đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư nắm được tối đa số thuê bao chưa chuẩn hóa (trùng khớp thông tin) – ở đây không tính những trường hợp dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia có sai sót. Việc này giúp các nhà mạng quản lý thuê bao của mình tốt hơn và có được tổng số thuê bao thật sự đang hoạt động.

An toàn nhất là thuê bao di động có thể trực tiếp mang thẻ CMND/CCCD đến các điểm dịch vụ khách hàng chính thức của nhà mạng để cập nhật thông tin. (Ảnh do VinaPhone cung câ).

Thực tế thì không ít người dùng di động, chủ yếu là các gói trả trước, thuộc nhóm “phi công nghệ”, chỉ biết gọi điện, nhắn tin và hiện đại hơn chút là lên mạng xã hội lướt sóng. Trong đó có những người lớn tuổi, ở vùng hẻo lánh. Thậm chí có những người chỉ dùng điện thoại để nhận cuộc gọi và gọi đi mà không thể đọc được tin nhắn. Đó là những người không thể tự mình thực hiện các thao tác cập nhật gì hết chứ đừng nói là chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Vì thế, trước khi đến hạn định (sau 31-3-2023), các nhà mạng kiểm tra coi còn lại các thuê bao nào chưa cập nhật thông tin để có các biện pháp tập trung xử lý số tồn đọng đó. Phương thức an toàn nhất vẫn luôn là thuê bao trực tiếp đến các điểm dịch vụ chính thức của nhà mạng. Nhưng do việc này sẽ không thể làm được đối với không ít người không có điều kiện, chắn chắn cách tốt nhất lúc này là nhà mạng nên xác định các thuê bao chưa cập nhật trong từng khu vực và chủ động cử nhân viên đến tận nhà thuê bao để cập nhật. Tất nhiên trong thời buổi lừa đảo như rươi này, nhân viên nhà mạng phải liên lạc và đi cùng công an khu phố hay tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố để người dân an tâm. Lưu ý, đây cũng có thể bị bọn xấu lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt thông tin nên cần được cảnh báo cho người dân biết.

Với đặc thù ở Việt Nam, không rõ là trong thời gian qua, ngoài việc nhắn tin, gọi điện và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà mạng có phối hợp được với công an và chính quyền địa phương để thông tin tới từng nhà người dân không?

Có lẽ, sau khi hết thời hạn và bị khóa dịch vụ một chiều (không thể gọi đi), nhiều thuê bao chưa cập nhật sẽ buộc phải cập nhật thông tin. Tâm lý của không ít người mình vẫn là ung dung tự tại cho tới khi nước đến chân mới nhảy.

Bất luận thế nào, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động vẫn là một yêu cầu cần thiết mà nếu khai thác tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích, ngay cả trong việc góp phần vào cuộc chiến chống SIM rác. Không thể tránh khỏi những phiền hà khi bị cắt dịch vụ, nhưng đó là với những thuê bao không thể hay không chịu cập nhật thông tin. Các nhà mạng vẫn phải chấp nhận mất một số lượng thuê bao trong “bảng chiến tích” cạnh tranh của mình. Vấn đề là các nhà mạng nên có kế hoạch “hậu chuẩn hóa”, hỗ trợ số thuê bao chưa cập nhật đăng ký sử dụng lại, tốt nhất là nên cho họ được giữ nguyên số điện thoại cũ.

ANH PHÚC