Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Sẵn sàng khai thác để không lãng phí 5G

5G đang ở đâu trên thị trường viễn thông Việt Nam? Có thể nói rằng, hiện 5G vẫn đang trong quá trình thử nghiệm mạng lưới và dịch vụ. Và đang tiến một cách sốt ruột so với kỳ vọng.

Có một thực tế, nếu như khi mới bắt đầu thử nghiệm 5G ở Việt Nam cách đây hơn 2 năm, mạng 5G chờ smartphone, còn bây giờ thì thiết bị lại phải chờ 5G. Trong khi hầu như các thương hiệu lớn đều đã có smartphone 5G bán ở Việt Nam, ngày càng nhiều mẫu mã, thậm chí mở rộng xuống tới phân khúc khoảng 5 triệu đồng, tốc độ phát triển mạng 5G giờ có vẻ chững lại, rất chậm khiến người dùng hầu như không còn hào hứng như buổi ban đầu.

Và nghịch lý lớn nhất là 5G ở Việt Nam đối với đại đa số chỉ được coi như một sự nâng cấp của 4G về tốc độ, chứ chưa được ứng dụng rộng hơn như khả năng và mục đích chính của công nghệ này.

Trong tháng 11-2020, sau thời gian thử nghiệm kỹ thuật từ cuối năm 2019, ba nhà mạng lớn Viettel, MobiFone và VinaPhone đã lần lượt công bố kế hoạch thử nghiệm thương mại và triển khai mạng 5G tại Việt Nam, nhất là ở 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 6-2022, ba nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đã thử nghiệm dịch vụ 5G tại 40 tỉnh thành. Và việc đầu tư triển khai mạng và dịch vụ 5G ở Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc hạ tầng mạng lưới phải đi trước một bước. Có lẽ rút kinh nghiệm từ các công nghệ trước đây, hạ tầng mạng phải đủ mạnh mới tạo nền tảng tốt cho việc ứng dụng các công nghệ mới mà 5G mang lại.

Một số chuyên gia cho rằng tốc độ triển khai thương mại 5G đang bị chậm lại có nguyên nhân từ việc đấu giá băng tần 5G lâu nay gặp vướng mắc về pháp lý. Với tư cách bộ chuyên ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn tích cực tìm cách gỡ vướng, nhưng nó lại bị phụ thuộc nhiều cơ quan khác. Vì lẽ đó, cho đến nay, mạng 5G ở Việt Nam vẫn chưa được cấp băng tần chính thức.

Nhà mạng VinaPhone đưa các xe phát sóng 5G lưu động đến các sự kiện công chúng lớn để tạo điều kiện cho người dùng trải nghiệm 5G. (Ảnh: VinaPhone)

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế chung toàn cầu sau đại dịch COVID-19 đang gặp nhiều khó khăn cũng ảnh hưởng tới các kế hoạch đầu tư 5G. Các nhà mạng cẩn trọng hơn, thậm chí có thể rơi vào cái vòng lẩn quẩn con gà và quả trứng. Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, đơn vị chủ quản mạng di động VinaPhone, từng chia sẻ: “Việc đầu tư 5G diện rộng chỉ được thực hiện khi nhu cầu và tỷ lệ người dùng đạt quy mô nhất định.” Số liệu đầy băn khoăn: Sau 18 tháng thử nghiệm thương mại,  tỷ trọng thuê bao 5G chỉ đạt 0,54% (khoảng hơn 360.000 thuê bao) trong tổng số hơn 71 triệu thuê bao băng rộng di động (3G, 4G, 5G) ở Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị – Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2021 đã đưa ra sáng kiến là 3 nhà mạng di động lớn nhất của Việt Nam sẽ chung tay đầu tư và sử dụng chung mạng 5G. 

Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, hãng Thụy Điển cung cấp hạ tầng 5G và đồng hành với Việt Nam từ đầu, cho rằng với lộ trình mà Việt Nam đang đi, có thể đến năm 2024-2025, Việt Nam sẽ có thể triển khai 5G đại trà. Ông cho biết Việt Nam được đánh giá cao là một trong những quốc gia bắt đầu sớm với 5G. (Vào tháng 5-2019, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thử nghiệm thành công cuộc gọi điện thoại bằng công nghệ 5G).

Trong khi đó, theo Ookla 5G Map, tính đến ngày 30-11-2022, trên thế giới đã có 127.509 điểm triển khai 5G (thương mại và thử nghiệm) ở 128 nước và vùng lãnh thổ (tăng so với 85.602 điểm 5G tại 112 nước trước đó một năm). Còn Báo cáo Kinh tế Di động 2022 (The Mobile Economy 2022) của Hiệp hội Các nhà khai thác Thông tin di động toàn cầu (GSMA) ghi nhận thế giới đã có 209 nhà khai thác triển khai 5G thương mại tại 83 quốc gia và vùng lãnh thổ.

(Nguồn: Internet. Thanks.)

Nếu 4G đã là một bước tiến vượt trội so với 3G thì 5G là một sự thay đổi cho một kỷ nguyên mới về kết nối di động.

Sự nổi trội của 5G so với 4G được nhận biết trước tiên dĩ nhiên là tốc độ. 5G có tốc độ download tiềm năng lên đến 20Gbps (so với 1Gbps của 4G). Còn theo Tech Target, điều khác biệt lớn nhất giữa 5G và 4G là độ trễ (latency). Trong khi 4G có độ trễ 60-98 ms (millisecond) thì 5G chỉ ở dưới 5ms, thậm chí được coi như bằng 0.

Thật vậy, chính ưu thế độ trễ cực thấp như vậy, gần như real-time, nên 5G có khả năng phục vụ cho nhiều ứng dụng thông minh. Với ưu thế vượt trội về tốc độ so với 3G (tốc độ download 1Gbps so với 21Mbps), 4G lý tưởng cho Internet di động, phát trực tiếp video HD. Còn với thế mạnh về độ trễ cực thấp cùng với tốc độ cực nhanh, 5G lý tưởng cho các ứng dụng nhà thông minh và thành phố thông minh được kết nối, nhà máy thông minh, Internet vạn vật (IoT), các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo VR, xe tự hành, các tác vụ điều khiển từ xa,…

Trong cách làm việc mới của thời COVID-19 mà tiếp tục phát huy hiệu quả sau đó là làm việc kết hợp (hybrid work), nhiều người trên thế giới đã nhờ có 5G để có thể làm việc từ xa, không bị phụ thuộc vào mạng Wi-Fi.

Hãng Apple đã ứng dụng công nghệ 5G để tăng hiệu quả cho tính năng phát hiện té ngã của đồng hồ Apple Watch. Khi người đeo bị ngã, thiết bị sẽ tự động quay số tới dịch vụ cấp cứu và cũng sẽ chuyển vị trí và tình trạng sức khỏe người dùng đến nơi tiếp nhận đầu tiên.

Ngành ôtô là một trong những ngành có lợi lớn nhất từ 5G, hỗ trợ đắc lực cho công nghệ ôtô tự lái và các công nghệ ôtô thông minh kết nối. Với độ trễ gần như không có, 5G cho phép các xe cộ liên lạc với các xe khác trên đường. Nhiều hãng như Ford, BMW, Toyota,… hiện đã tích hợp hệ thống ăng-ten 5G lên các mẫu xe ôtô mới của mình.

Vào năm 2019, Chính quyền Đài Loan đã công bố “Kế hoạch hành động 5G”, bao gồm khoản tài trợ lên tới 658 triệu USD trong khoảng thời gian 4 năm để kích thích sự phát triển 5G trên toàn lãnh thổ này. Khoản đầu tư công này đã tạo cơ hội cho các công ty ICT của Mỹ hợp tác với 5 nhà cung cấp dịch vụ di động lớn ở Đài Loan: Chunghwa Telecom, Taiwan Mobile, Far EasTone, Asia Pacific Telecom và Taiwan Star Telecom. Cơ quan Phát triển Thung lũng Silicon Châu Á (ASVDA) của Đài Loan đã công bố chương trình khuyến khích 5G với khoản tài trợ 90 triệu USD để thúc đẩy các ứng dụng đổi mới 5G/AI cho các thành phố thông minh. Chương trình nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số ở lãnh thổ này bằng cách khuyến khích tích hợp mạng viễn thông mở 5G cục bộ, còn được gọi là Mạng truy cập vô tuyến mở (ORAN), hỗ trợ giao thông thông minh, sức khỏe thông minh,….

Trung Quốc là nước ứng dụng 5G đa mục đích hàng đầu thế giới, chủ yếu nhờ thế mạnh ở công nghệ do Huawei nghiên cứu và phát triển. (Huawei là một trong những đơn vị có số lượng bằng phát mình-sáng chế về 5G đứng đầu thế giới). Thậm chí, hiện nay, Huawei đã giới thiệu một cấp độ mới của 5G là 5.5G với nhiều ưu điểm hơn. Ứng dụng 5G đã được Huawei đẩy mạnh trong cuộc chiến chống COVID-19, thử nghiệm trong mỏ khai thác khoáng sản, cảng biển,…

Theo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (NIICS) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, 5G được kỳ vọng sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, dự báo tạo ra khoảng 13.100 tỷ USD và 2 triệu việc làm mới vào năm 2035. Tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 7,34% vào năm 2025.

Cơ quan quản lý và điều hành viễn thông của Việt Nam cũng xác định 5G không chỉ là để nghe thoại. Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, nói rằng: “So với các thế hệ mạng trước đây, 5G được thiết kế để tạo ra một nền tảng thuận lợi giúp thúc đẩy đổi mới và phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như giải trí, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp, thành phố thông minh…”

Tập đoàn VNPT đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông có chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái 5G trong các ngành nghề của nền kinh tế như công nghiệp, dịch vụ…; hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu triển khai 5G.

Tập đoàn Công nghệ Intel nhận định: “Tương lai của 5G vẫn đang được viết ra và nó có thể quan trọng đối với khả năng kết nối như buổi bình minh của Internet. Có lẽ phần thú vị nhất của các trường hợp sử dụng 5G là không ai biết chính xác điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Dù tương lai có ra sao, bạn có thể đặt cược vào một điều: 5G sẽ làm được nhiều điều hơn là cung cấp cho bạn kết nối điện thoại nhanh hơn. Nó có thể thay đổi cuộc sống của bạn”.

Hy vọng thời gian 2024-2025 sẽ bắt đầu thời của 5G đại trà ở Việt Nam, giống như 4G hiện nay. Và vì thế, ngay từ bây giờ các tổ chức và doanh nghiệp tốt nhất là nên xây dựng kế hoạch đón đầu sẵn sàng để có thể khai thác ngay các ưu thế của mạng 5G càng sớm càng tốt.

  • Bãn in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 15-4-2023 và trên báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC