Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Nông dân Việt lên mây

Thoạt nghe tới cái cụm từ “chuyển đổi số nông nghiệp”, người ta có thể nghĩ có gì đó sai sai, bất cập. Bởi “chuyển đổi số” là chuyện công nghệ tiên tiến, còn “nông nghiệp” lại bị cho là cái gì đó cũ kỹ, lạc hậu – phi công nghệ. Nhưng hãy bình tĩnh. “Chuyển đổi số nông nghiệp” hiện là một thành phần trong công cuộc phát triển “chuyển đổi số” đã trở thành một xu thế toàn cầu, và gắn liền với Nông nghiệp 4.0 (Agriculture 4.0).

Thật vậy, chuyển đổi số là một đoàn tàu siêu tốc toàn cầu đang lao nhanh về phía trước mà mọi nước, mọi ngành nghề, mọi tổ chức nếu không muốn bị bỏ lại cô đơn trên sân ga đều phải nhanh chóng nhảy lên một toa tàu mà hội nhập cùng thiên hạ.

Chuyển đổi số nông nghiệp giúp ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp – hình thành nền nông nghiệp số an toàn và hiệu năng cao. (Ảnh: Internet.)

Hồi trung tuần tháng 2-2023, trước tình hình nhà vườn tại Vĩnh Long và các tỉnh miền Tây Nam bộ đang rơi vào cảnh khó khăn khi cam sành rớt giá, tồn đọng hàng chục tấn, Lazada Việt Nam đã phối hợp cùng Foodmap đưa cam sành từ các nhà vườn lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) với giá chỉ 10.000 đồng/kg cam. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi phối hợp giữa Lazada và Foodmap nhằm hỗ trợ người nông dân trong công tác quảng bá, xúc tiến và bảo đảm đầu ra một cách bền vững cho nông sản Việt. Lazada là một sàn TMĐT hàng đầu ở Việt Nam. Còn Foodmap là một trang web cung cấp các sản phẩm liên quan đến nông sản an toàn, tạo ra những trải nghiệm mua sắm các mặt hàng nông sản chất lượng, an toàn tối đa.

Thương vụ đưa nông dân lên mây, lên online này dưới góc độ nào đó là hoa quả của chuyển đổi số ở đối tượng đầu cuối.

Về lý thuyết, chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ A tới Z, bao trùm cả quy trình từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cũng như từ khâu quản lý đến sản xuất – tiêu thụ, nâng tất cả lên tầm hiện đại và thông minh. Nói cho gọn, đó là chuyển từ nông nghiệp truyền thống thành nông nghiệp số mà ở cấp độ 2023 là ứng dụng Dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud), Internet vạn vật (IoT)… dĩ nhiên là cả công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Việt Nam từ hàng ngàn năm qua cho tới nay, khi vẫn còn trên hành trình công nghiệp hóa, là một nước nông nghiệp. Những điều nghịch lý là tuy hao tốn nhiều công sức lao động và nguồn lực tài nguyên, ngành nông nghiệp vẫn mang lại hiệu quả kinh tế rất thấp. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2022, tổng giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy tăng 3,36% so với năm 2021, nhưng cũng chỉ chiếm tỷ trọng 11,88% trong tổng giá trị của toàn nền kinh tế đất nước.

Trong xu thế diện tích trồng trọt và quy mô chăn nuôi, cũng như lực lượng lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm nhanh, giải pháp bức thiết là phải tăng hiệu quả của nông nghiệp để có thể đạt hiệu suất cao nhất có thể được. Và điều đó chỉ có thể đạt được nhờ ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp. Đó cũng chính là mục tiêu và lợi ích mà chuyển đổi số nông nghiệp đem lại.

Người nông dân Việt Nam truyền thống siêu cực bẩm sinh, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mà lại bấp bênh, chủ yếu dựa vào ông Trời nắng mưa. Ông bà mình có câu ca dao:

“Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Trông trời, trông đất trông mây,

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời êm, bể lặng mới yên tấm lòng.”

Tất cả mọi công đoạn sản xuất nông sản đều bằng tay chân, sức người, sức trâu. Những năm sau chiến tranh, ngay ở nông thôn miền Nam, nhiều nông dân vẫn phải be bờ đưa nước vào ra đồng ruộng bằng những chiếc gầu dai, gầu sòng – chỉ khác là không còn cái lãng mạn kiểu “Hôm qua tát nước đầu đình, Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Cày bừa, sạ cấy, bón phân, phun thuốc, gặt cắt, tuốt lúa, đạp lúa,… tất tần tật bằng tay chân. Mãi sau này, khi công nghệ ngày càng tiến bộ và được ứng dụng rộng rãi hơn, hầu hết các khâu sản xuất mới được làm bằng máy móc. Trong những năm gần đây, cày bừa bằng máy là “chuyện thường ngày ở huyện”, khâu thu hoạch lúa (gặt, tuốt lúa, rê, sấy) cũng đều được làm bằng máy với những chiếc máy gặt đập liên hợp nhan nhản khắp vùng nông thôn. Thợ gặt lúa giờ treo liềm, quẳng hái, đi lên thành thị làm công nhân. Rải phân, phun thuốc bằng những chiếc máy chuyên dùng thậm chí cũng đã “xưa rồi Diễm”, phải dùng những chiếc máy bay không người lái làm mới là thời thượng. Nông dân đâu cần phải dãi nắng dầm mưa lội ruộng thăm đồng chi cho mỏi cẳng mà giờ có thể ngồi trong mát cho mấy chiếc drone cõng camera bay tới bay lui mà soi lá tìm sâu.

Mới chỉ là điện máy hóa, cơ giới hóa mà công việc sản xuất nông nghiệp đã đỡ khổ nhiều rồi. Bây giờ, chuyển đổi số đưa các ứng dụng, công nghệ cao và thông minh ra tận đồng ruộng, chuồng trại giúp thay đổi hoạt động nông nghiệp sâu rộng hơn. Nói là nông dân được đổi dời cũng chẳng ngoa đâu.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong “Lộ trình xây dựng tương lai số của thực phẩm và nông nghiệp” nhấn mạnh: Nông nghiệp kỹ thuật số có thể giúp cải thiện năng suất và cắt giảm thất thoát và lãng phí lương thực. Nông nghiệp số cho phép người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Theo báo Vietnam Economic News của Bộ Công Thương, nông nghiệp Việt Nam đang tăng tốc chuyển đổi số. Đây  là yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Trong bài nghiên cứu “Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam”, nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe (HAPRI), Khoa Kinh tế – Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước của Trường Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH), nhận định: “Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã được ban hành nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, các chính sách về tín dụng đã tập trung gia tăng hạn mức tín dụng và giảm mức lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…Việc ứng dụng nông nghiệp thông minh ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu nên có nhiều hạn chế như (1) thiếu một hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học đồng bộ; (2) thiếu vốn đầu tư; (3) quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún, phân tán cùng với chi phí ban đầu cao; (4) công tác quản lý chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo và hệ thống truy xuất nguồn gốc còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập; (5) chưa có một thị trường tiêu thụ lớn, ổn định; (6) nhiều doanh nghiệp vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu về công nghệ, chủng loại máy móc cũng như chất lượng; (7) thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; (8) biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp.”

Nông dân dùng máy bay không người lái để bón phân, phun thuốc cho đồng ruộng. (Ảnh: Internet.)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum cho biết: Ở Việt Nam, Tập đoàn Công nghệ FPT đã kết hợp cùng hãng Fujitsu (Nhật Bản), Viện Rau Quả, các chuyên gia Nhật Bản để xây dựng mô hình trồng rau mới. Trong mô hình này, công nghệ Akisai được ứng dụng để kết nối và điều khiển các yếu tố trong trang trại từ xa. Môi trường bên trong nhà kính được theo dõi, quản lý bằng máy tính để tạo ra môi trường tốt nhất cho cây cà chua và xà lách phát triển.

Theo FPT Digital, một ví dụ tiêu biểu trong việc chuyển đổi số ngành nông nghiệp thành công chính là Công ty Sữa Vinamilk, nơi đã ứng dụng công nghệ IoT vào việc giám sát chăn nuôi. Từ chế độ ăn đến mọi khâu chăm sóc đều được theo dõi cẩn thận theo chuẩn nông nghiệp thông minh. Nhờ đó, khối lượng sữa thu được lên tới 23 lít/con/ngày.

Từ nhiều năm nay, hãng công nghệ dược và sinh học Bayer (Đức) đã tiến hành hàng loạt dự án, chương trình hỗ trợ nông dân Việt Nam ứng dụng công nghệ số. Người sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đã cùng được tham gia những chương trình nông nghiệp công nghệ cao toàn cầu của Bayer. Theo báo Công Thương (Bộ Công Thương), tại sự kiện Agritechnica Live 2022 tổ chức ở Việt Nam hồi tháng 8-2022, Bayer đã giới thiệu về ứng dụng Airfarm – một nền tảng kỹ thuật số tiên tiến được thiết kế để kết nối dịch vụ thiết bị máy bay không người lái thực hiện nhiều chức năng bao gồm phun thuốc (đang triển khai), và các chức năng khác như bón phân, gieo hạt, giám sát sức khỏe cây trồng (đang trong giai đoạn phát triển), từ đó thúc đẩy tính bền vững và hiệu quả trong canh tác cùng khả năng dự đoán dịch bệnh trong tương lai gần.

Người nông dân ở đâu cũng chịu nhiều thiệt thòi. Đổ nhiều công sức làm ra nông sản thì họ phải bán giá thấp trong hành trình tiêu thụ vì bán tận gốc. Nhưng khi cần mua hàng hóa thì nông dân phải mua với giá cao nhất vì mua ở ngọn. Hy vọng chuyển đổi số sẽ giúp công việc làm ra lương thực, thực phẩm nuôi sống con người trở nên nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn, từ đó nâng cao cuộc sống cho người nông dân Việt.

  • Bài đã được in trên Tạp chí Nông Thôn Việt số 87 (tháng 4-2023).

PHẠM HỒNG PHƯỚC