Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Huawei đề xuất các giải pháp năng lượng mặt trời cho Việt Nam tại Vietnam Industry 4.0 Summit 2023

Tại Hội thảo thượng đỉnh thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2023 (Vietnam Industry 4.0 Summit 2023) do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức ở Hà Nội ngày 14-6-2023, Tập đoàn công nghệ Huawei đã đề xuất các giải pháp năng lượng mặt trời cho Việt Nam. 

Vietnam Industry 4.0 Summit nhằm kết nối các bên liên quan để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Hội thảo lớn nhất tại Việt Nam về Công nghiệp 4.0 năm nay đã tập trung vào chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh và bền vững để tạo ra sự đột phá trong việc rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến 2030, tầm nhìn đến 2045”. 

Ông Lê Nho Thông – Phó Giám đốc Kinh doanh Công nghê Năng lượng số (Huawei Digital Power) phát biểu tại sự kiện

Ông Lê Nho Thông – Phó Giám đốc Kinh doanh Công nghệ Năng lượng số (Huawei Digital Power) của Huawei Việt Nam, đã có bài phát biểu với chủ đề “Giải pháp công nghệ điện mặt trời cho Việt Nam” (Energy Solutions for Vietnam) tại Hội thảo chuyên đề 3 của sự kiện. Trong đó, ông Lê Nho Thông nêu lên 3 yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng tượng từ “tài nguyên thiên nhiên” sang “đổi mới sáng tạo công nghệ”: (1) sự đồng hành chặt chẽ trên toàn cầu trong việc thực hiện mục tiêu trung hoà carbon; (2) bảo đảm an ninh năng lượng để đạt được mục tiêu độc lập năng lượng; và (3) những tiến bộ của công nghệ mang lại giá trị kinh doanh.

Với hơn 10 năm tập trung nghiên cứu và phát triển lĩnh vực điện mặt trời, Huawei đã nỗ lực vượt qua các thách thức thông qua kế hoạch nghiên cứu và phát triển (R&D) dài hạn và đổi mới sáng tạo liên tục, nhằm mang đến các giải pháp đột phá cho khách hàng, giúp thúc đẩy ngành năng lượng mặt trời và lưu trữ thông minh phát triển. 

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, Huawei Digital Power đã triển khai các giải pháp năng lượng số tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, phục vụ 1/3 dân số thế giới. Năm 2022, mảng kinh doanh công nghệ năng lượng số được tập đoàn nâng lên tầm cao mới khi xuất xưởng được tổng công suất lắp đặt lên tới 90,7GW bộ điều khiển điện mặt trời thông minh, trong đó phân bổ: 56,6GW cho ngành tiện ích cơ bản (nhà máy điện, nước, khí đốt…); 24,7GW cho ngành công nghiệp và thương mại; cùng 9,4GW cho dân dụng. 

Ông Lê Nho Thông cho biết, đến năm 2022, Huawei đang nắm giữ 30% thị phần toàn cầu của thị trường hệ thống điều khiển điện mặt trời thông minh (Smart PV Controller), với tổng công suất lên tới 300GW. Năm 2022, bộ lưu trữ năng lượng chuỗi thông minh (Smart String ESS) của Huawei cũng chiếm 14% thị phần toàn cầu và tỷ lệ doanh số bán hàng của các đối tác tăng lên 77% so với 65% của năm 2021. Các giải pháp công nghệ năng lượng số của Huawei đã góp phần sản xuất ra 7.695 tỷ kWh điện xanh, giảm phát thải 3,5 triệu tấn carbon – tương đương với việc trồng 4,8 tỷ cây xanh – đóng góp to lớn vào tương lai chuyển đổi năng lượng xanh và thông minh hơn của thế giới. 

Với hơn 30 năm tập trung phát triển R&D, Huawei tiếp tục mang đến những đột phá mới trong ngành về các công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và điện tử công suất cao, mang đến các giải pháp đột phá cho mọi kịch bản, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển điện mặt trời và lưu trữ năng lượng.

Khu trưng bày của Huawei Việt Nam tại sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu và khách mời quan tâm, tìm hiểu về ngành năng lượng

FusionSolar 8.0 – giải pháp thông minh phù hợp với kịch bản tương lai

Giải pháp điện mặt trời thông minh FusionSolar 8.0 mang đến hai lợi ích: Thứ nhất, máy phát quang điện thông minh (smart PV generator) hỗ trợ cải thiện độ ổn định của lưới điện. Thứ hai, thiết kế “Gemini” ±1500V đầu tiên trên thế giới có thể hỗ trợ điện áp cao hơn, giảm 7% chi phí năng lượng quy dẫn (Levelized Cost of Energy – LCOE).

Giải pháp điện mặt trời thông minh FusionSolar của Huawei đã được các khách hàng và đối tác công nhận rộng rãi trên toàn cầu, nhờ cung cấp năng lượng mặt trời sạch bằng cách tích hợp công nghệ điện tử công suất cao và kỹ thuật số. Kể từ FusionSolar 1.0 ra mắt năm 2014, Huawei đã nhiều lần cải tiến và đổi mới giải pháp này, chính thức giới thiệu FusionSolar 8.0+ cho năng suất cao hơn vào năm 2022. FusionSolar của Huawei giúp truyền tải điện toàn diện cho nhà máy điện mặt trời 2,2GW tại Thanh Hải (Qinghai, Trung Quốc), sử dụng thuật toán kết nối lưới điện thông minh dựa trên AI đầu tiên của Huawei. Báo cáo do tổ chức kiểm nghiệm quốc tế TÜV (Đức – Áo) đưa ra vào tháng 3-2022 cho thấy, giải pháp này đã đạt được độ khả dụng 99,999%.

Các phiên bản FusionSolar từ Huawei đã giúp các khách hàng đạt được mục tiêu theo từng giai đoạn, hạ giá thành xuống ngang bằng giá điện thông thường và tăng hiệu quả kinh tế. Hiệu quả này được thực chứng tại các nhà máy Photon DualA ở Đức, Saishi 150MW ở Nhật Bản, Navojoa 220MW ở Mexico, Rajasthan 450MW ở Ấn Độ,… Từ năm 2021, FusionSolar bắt đầu gia tăng thêm hiệu quả trung hòa carbon cho các nhà máy Montmédy – Marville 152MW ở Pháp, Victoria 106MW ở Australia…

Giải pháp điện mặt trời thông minh C&I 2.0 cho ngành công nghiệp và thương mại bền vững

Giữa bối cảnh tình trạng thiếu điện diễn ra trên diện rộng và giá năng lượng ngày càng tăng cao, các doanh nghiệp đang tìm cách cắt giảm chi phí điện cũng như lượng khí thải carbon. Để đáp ứng nhu cầu này, Huawei đã ra mắt giải pháp điện mặt trời thông minh C&I 2.0 dành riêng cho ngành công nghiệp và thương mại. C&I 2.0 bao gồm một bộ biến tần ba pha hoàn toàn mới, bộ lưu trữ năng lượng chuỗi thông minh, có thể kết hợp với hệ thống điều hòa công suất cao và bộ tối ưu hóa điện mặt trời thông minh. 

So với các phiên bản C&I trước, C&I 2.0 có thiết kế linh hoạt cao, phù hợp với tất cả mô hình. Giải pháp đã được ứng dụng cho toàn ngành công nghiệp, giúp hàng nghìn khách hàng và đối tác đạt được sự mục tiêu kinh doanh bền vững như Cảng Dubai (United Arab Emirates), Nhà máy sơn ở Hà Lan, Trạm xăng dầu CNPC ở Vũ Hán (Wuhan, Trung Quốc), Nhà máy thực phẩm Thượng Hải (Shanghai, Trung Quốc),… Giải pháp đã giúp nhiều ngành công nghiệp chuyển sang kỷ nguyên carbon thấp với chi phí điện được tối ưu hóa, an toàn chủ động, vận hành và bảo trì thông minh. 

Giải pháp điện mặt trời thông minh dân dụng “1+4+X” sẵn sàng cho tương lai

Sau khi ra mắt giải pháp điện mặt trời thông minh dân dụng “1+3+X” 2.0 vào năm 2021, Huawei đã giới thiệu thiết kế “1+4+X” nâng cấp mới nhất trong năm 2022. Giải pháp tích hợp bộ điều khiển năng lượng thông minh kết nối bộ điều khiển mô-đun, bộ lưu trữ năng lượng chuỗi thông minh (Smart String ESS), bộ sạc điện mặt trời và hệ thống quản lý,… cho phép hệ sinh thái tiêu thụ điện thông minh. Điều này nâng cao tỷ lệ tự tiêu thụ điện mặt trời lên 90% so với mức 70% ở thế hệ trước, mang lại trải nghiệm năng lượng sạch toàn diện cho các gia đình với chi phí điện năng thấp hơn, an toàn chủ động và hỗ trợ thông minh. Khi được ứng dụng rộng rãi, giải pháp “1+4+X” mang lại sự độc lập tự chủ về năng lượng cho mọi người, giúp các ngôi nhà chuyển sang sử dụng 100% năng lượng xanh.

Ông Lê Nho Thông nhấn mạnh, nếu 10 năm trước ngành điện mặt trời phát triển công nghệ chuỗi thông minh, thì công nghệ lưu trữ thông minh (Energy Storage System –  ESS) sẽ được ứng dụng rộng rãi trong 10 năm tới.  Sự kết hợp của điện mặt trời và bộ lưu trữ thông minh (ESS) sẽ tăng tốc đưa điện mặt trời trở thành nguồn năng lượng chính trong tương lai. Trong khi đó, tổ hợp “Điện mặt trời – Bộ lưu trữ thông minh – Lưới điện – Nhà máy điện ảo” (Solar Power – Energy Storage System – Power Grid – Virtual Power Plant) sẽ tạo ra các siêu nhà máy phát điện mặt trời thông minh. Các dự án tiêu biểu đầu tiên trên thế giới phải kể đến Nhà máy điện mặt trời Thanh Hải (Trung Quốc) đã hoàn thành hơn 180 thử nghiệm kết nối lưới nhiễu tần số lớn và nhiễu điện áp lớn, nhà máy lưới điện mặt trời vi mô 400MW+1,3GWh lớn nhất thế giới và trung hòa carbon cung cấp điện sạch cho 1 triệu người ở Saudi Arabia,…

L.H.A.

Nguồn do Huawei cung cấp