Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

SIM rác, cuộc gọi rác: phải chăng con bệnh lờn thuốc?

Phải nhìn nhận rằng chưa bao giờ nhà chức trách – ở đây, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông, lại quyết liệt và ra quân tổng lực như hiện nay trong cuộc chiến chống SIM rác và góp phần giảm thiểu các tin nhắn – cuộc gọi xấu (rác, quảng cáo) và độc hại (mạo danh, lừa đảo).

Thế nhưng, vấn nạn này chỉ thuyên giảm phần nào và vẫn còn ngang nhiên tiếp diễn.

Ngày Chủ nhật 18-6-2023, chúng tôi liên tục nhận được những cuộc gọi từ số 0819744073 mạo danh Công an Quận 5 (TP.HCM) để lừa đảo về hồ sơ vụ án. Mới nhất, ngày 6-7-2023, chúng tôi nhận cuộc gọi từ số 0817142685 mạo danh Bộ TT-TT dọa khóa số thuê bao trong vòng 2 giờ tới.

Rác viễn thông không khó ngăn chặn nếu có chế tài đủ mạnh cũng như sự quyết tâm của cơ quan quản lý .Ảnh: HOÀNG TRIỀU/Báo NLĐ Online).

Nhiều người than phiền là mình bị quấy rầy nhiều nhất từ các cuộc gọi điện thoại quảng cáo, chào hàng. Những nhân viên bán hàng qua điện thoại này thường canh me lúc người ta nghỉ trưa hay buổi tối để gọi.

Điều đáng nói là, vào thời điểm tháng 6, tháng 7-2023 này, vấn nạn tin nhắn – cuộc gọi nhẹ thì quảng cáo, nghiêm trọng thì mạo danh – lừa đảo không phải chỉ khiến cho người dân bất bị, cảm thấy bị phiền nhiễu hay bị đe dọa nguy hiểm, mà hiện trở nên bất bình, phẫn nộ. Bởi chúng vẫn tồn tại cho dù cả nước mới vừa tiến hành cuộc tổng truy quét thu hồi cả triệu SIM không đăng ký chính chủ, đồng thời đang diễn ra cuộc tổng thanh tra đồng loạt của cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương tại ttoàn bộ 63 tỉnh thành với 82 đoàn thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông và các địa phương. Đối tượng thanh tra là 8 doanh nghiệp viễn thông di động, chi nhánh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá nhân đăng ký số lượng lớn SIM thuê bao.

Thậm chí, bọn tội phạm có khi công nhiên sử dụng các số thuê bao của những nhà mạng – giờ có nghĩa là số điện thoại có đăng ký chính chủ – để thực hiện các cuộc gọi phạm pháp.

Điều đáng quan tâm là để đối phó với việc loại bỏ SIM rác,  bọn tội phạm đã ứng dụng nhiều công nghệ để tạo ra những số điện thoại ảo hòng tiếp tục lừa đảo. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT-TT chiều 5-7-2023, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT), cho biết: trong thời gian qua, tình trạng sử dụng trạm BTS (trạm thu phát sóng) giả gửi tin nhắn mạo danh tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng vẫn tiếp tục tái diễn.

Nói thẳng ra cái điều mà hầu như ai cũng thấy rõ: trách nhiệm chính để “nuôi dưỡng” vấn nạn cuộc gọi – tin nhắn xấu và độc hại vẫn luôn là ở các nhà mạng di động. Họ từng có thời chạy đua với nhau phát triển thuê bao vô tội vạ để lại vô số SIM rác. Sau cao điểm giành thị phần, giờ với lý lẽ tăng trưởng doanh số, nhà mạng vẫn để xảy ra vấn nạn SIM rác và các cuộc gọi xấu hay độc hại. Cho dù, các nhà phân phối và đại lý bán lẻ có là người trực tiếp vi phạm thì tất cả cũng quy về trách nhiệm quản lý của nhà mạng. Bất luận thế nào, các hành vi xấu và độc hại, thậm chí cả thủ đoạn dùng trạm BTS giả, cũng đều xảy ra trên các dịch vụ và cơ sở hạ tầng của nhà mạng, do nhà mạng quản lý và vận hành. Có lẽ, vấn đề của mọi vấn đề là cơ quan chức trách xử lý còn “nhẹ nhàng” và “theo cao trào phản ứng của công chúng”, cộng với các mức phạt như “muỗi chích voi”.

Riêng đối với các cuộc gọi – tin nhắn quảng cáo, pháp luật không cấm việc quảng cáo, bán hàng qua điện thoại. Nhưng pháp luật đã có những quy định cụ thể về hoạt động này để tránh bị lạm dụng, gây phiền nhiễu cho người dân. Vấn đề là các doanh nghiệp cần phải có các biện pháp quản lý, kiểm soát nhân viên tiếp thị của mình. Và nhà chức trách cần xử phạt nghiêm khắc các người, doanh nghiệp vi phạm trong tình trạng bất chấp hiện nay.

Ngay từ cơ quan chức năng lẫn các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng: không phải chỉ có cơ quan chức năng mà chính người dùng điện thoại cũng phải cùng phối hợp trong cuộc chiến chống tin nhắn – cuộc gọi xấu. Biện pháp được “khuyên dùng” nhiều nhất là chịu khó một chút để thông báo cho nhà chức trách qua các tổng đài.

Bệnh quỷ cần có thuốc tiên. Bọn tội phạm tiến hành các ciuộc gọi và nhắn tin nguy hiểm cũng như những người quảng cáo qua điện thoại quả thật đã bị lờn thuốc. Vì thế, nhà chức trách cần phải có những biện pháp quyết liệt, mạnh tay và nghiêm khắc hơn. Không thể cứ ví dầu ầu ơ, làm từng đợt theo phong trào. Các chuyên gia lưu ý: bên cạnh các giải pháp công nghệ và quản lý, cơ quan chức năng cần phải vận dụng pháp luật để xử lý nghiêm từng vụ vi phạm một. Thực tế cho thấy, cộng đồng người dùng chỉ tích cực tham gia chung tay nếu như nhà chức trách quyết liệt xử lý đến nơi đến chốn, không có “vùng an toàn được cha chở”. Đã đến lúc cần phải trừng phạt đích đáng và làm gương chứ không còn chỉ biết vận động, thuyết phục. Nói thẳng: hành lang pháp lý để trị vấn nạn tin nhắn – cuộc gọi xấu và độc hại đã có đầy đủ, vấn đề là lực lượng thực thi hành động ra sao?

Tất nhiên, không ai ngây thơ và duy ý chí đến mức nghĩ rằng vấn nạn này sẽ bị quét sạch, nhất là khi xã hội vẫn còn tội phạm. Đó là vấn nạn toàn cầu. Nhưng vì lẽ đó, lại càng cần có quy trình và công cụ cụ thể để phát hiện vụ nào, triệt ngay vụ đó.

Cuối cùng, ai cũng rõ: chừng nào cơ quan chức năng và các nhà mạng chưa thật sự quyết liệt cùng nhau “song kiếm hợp bích” thì vấn nạn tin nhắn – cuộc gọi xấu và độc hại vẫn như “đầu Phạm Nhan” chặt cái này, mọc ngay cái khác.

CÁCH THÔNG BÁO CUỘC GỌI – TIN NHẮN RÁC CHO TỔNG ĐÀI 156 VÀ 5656

Ngay sau khi nhận được tin nhắn hay cuộc gọi xấu hay độc hại, cùng với việc tiến hành chặn (block) số đó trên thiết bị của mình, người dùng có thể thông báo cho nhà chức trách bằng cách gọi điện cho Tổng đài miễn phí 156 hoặc nhắn tin theo cú pháp:

+ Với tin nhắn rác: S (Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656). Thí dụ: S 012345678 Tin nhắn quảng cáo

+ Với cuộc gọi có dấu hiệu cuộc gọi rác: V (Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656). Thí dụ: V 012345678 Cuộc gọi quảng cáo

+ Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo: LD (Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ảnh) gửi 156 (hoặc 5656). Thí dụ: LD 012345678 Mạo danh công an lừa đảo

Bài đã đăng trên báo Người Lao Động Online ngày 14-7-2023.

PHẠM HỒNG PHƯỚC