Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Chung tay phổ cập tri thức khoa học

Thế giới càng phát triển, công nghệ càng tiến bộ, con người càng cần được nâng cao cơ sở tri thức khoa học. Điều đó giúp mọi người có thể “tương thích” với cuộc sống thời đại, có thể làm chủ được nó và khai thác tối ưu tiến bộ công nghệ phục vụ mọi mặt của đời sống.

Một trong những nguyên nhân khiến một số người bị lừa gạt, tiền mất tật mang, từ những phương tiện truyền thông hiện đại chính là do không có đủ kiến thức khoa học để hiểu được những vấn đề, giải thích những hiện tượng  nào đó. Xưa nay, thường thì khi không hiểu biết đủ, người ta dễ mụ mị, u mê và hậu quả là rơi vào các chiếc bẫy lừa đảo của kẻ xấu.

(Nguồn: Internet. Thanks.)

Hồi đầu tháng 8-2023, báo chí đưa tin “cô đồng bổ cau” Trương Thị Hương (tỉnh Hải Dương) đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, người phụ nữ 37 tuổi này đã làm nóng mạng xã hội với câu nói cửa miệng “đúng nhận, sai cãi” thốt ra sau mỗi lần xem bói bằng cách bổ cau. Nạn nhân mới nhất đã tố cáo “cô đồng” này sau khi phải “cúng” 180 triệu đồng để “cô đồng” làm phép giúp bán được nhà, nhưng “tiền mất, nhà vẫn ế”.

Mà để nâng cao trình độ hiểu biết về khoa học cho quảng đại công chúng, phương thức duy nhất là phổ cập kiến thức khoa học.

Ngay từ bậc trung học, học sinh đã được tiếp cận với khái niệm “văn bản khoa học phổ cập”, hay còn gọi là “khoa học đại cương”. Mục đích của “văn bản khoa học phổ cập” chính là nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức khoa học cho đông đảo người đọc. Ngày nay, khoa học đại cương không chỉ được phổ cập qua các dạng văn bản mà còn thông qua nhiều loại phương tiện truyền thông, như phát thanh, truyền hình, mạng xã hội.

Đặc biệt là trong những năm gần đây, mạng xã hội bùng nổ, phổ biến đến mọi đối tượng người dùng và khắp mọi ngõ ngách, trở thành phương tiện phổ cập khoa học tối ưu. Những tri thức khoa học được chia sẻ trên Facebook, YouTube,… có sức mạnh lan tỏa vô song. Nói cách nào đó, dùng mạng xã hội để phổ cập khoa học chính thống cũng là “dĩ độc trị độc”. Bởi mạng xã hội cũng là nơi dễ cho những kẻ xấu xí lợi dụng lan truyền những thông tin sai lệch, có hại, đầu độc công chúng.

Vì vậy vấn đề còn lại là ai có trách nhiệm phổ cập khoa học cho đại chúng? Tất nhiên, người cầm trịch vẫn phải là nhà nước – cụ thể là những cơ quan hữu trách – với các ưu thế của mình, chủ động và bài bản lâu dài. Đặc biệt quan trọng sống còn, đây chính là nguồn, là cơ sở dữ liệu, là nơi tham chiếu đồng thời cũng là nơi kiểm tra, xử lý những vụ việc vi phạm, truyền bá những điều sai lệch.  

Tuy nhiên, việc phổ cập đại chúng lại rất cần được xã hội hóa, vận động mọi người tham gia chia sẻ tri thức cho nhau.

Bên cạnh hệ thống truyền thông báo chí, chúng ta cần khai thác tối đa các loại hình, các phương triện truyền thông đại chúng trên các mạng xã hội. Ngoài các cá nhân giàu tâm huyết còn cần các tổ chức có nội lực. Đã hết rồi cái thời phổ biến khoa học kiểu từ chương, nặng nề sách vở, khô khan. Khoa học phục vụ đời sống và đi vào đời sống một cách càng tự nhiên, càng lan rộng và thấm sâu.

  • Bản in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 6-8-2023 và trên báo NLĐ Online.

NGÔ LÊ