Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Chuyện đánh trống khai trường

Ngày khai giảng năm học mới 2023-2024 năm nay bỗng dưng rộ lên cái chuyện lãnh đạo tới dự lễ khai giảng nhưng không phát biểu hay đánh trống khai giảng – một thủ tục có từ nhiều năm trước. Thật ra, đây không phải là chủ trương của trung ương và có tính thực thi toàn quốc. Đó chỉ là ý của lãnh đạo vài tỉnh miền Trung, cụ thể là Đà Nẵng, Quảng Ngãi.

Đánh hồi trống khai trường vốn là một tập tục từ xưa rất xưa của một nền giáo dục nhân bản tôn sư trọng đạo. Sau này, phải vất vả lắm, chúng ta mới khôi phục lại được cái tập tục tốt đẹp này. Chỉ tiếc là cái vụ đánh trống khai trường đã nhanh chóng bị những đầu óc đầu cơ biến tướng thành nhẹ thì lễ nghĩa, nặng là nịnh nọt, chủ yếu với cấp trên.

Ý nghĩa của việc đánh trống khai trường khác nhau tùy theo góc nhìn của người đời. Nhưng bản chất của nó là hồi trống lệnh giục giã toàn trường, cả thầy lẫn trò và phụ huynh, khởi đầu bước vào một năm học mới với những ước mơ tốt đẹp. Nó thiêng liêng lắm.

Cô hiệu trưởng một trường tiểu học đánh trống khai giảng năm học mới 2020-2021. (Ảnh: Internet. Thanks).

Vì thế, có ý nghĩa nhất vẫn là để việc đánh hồi trống khai trường lại cho thầy trò thực hiện. Có thể đó là việc, là trọng trách của thầy cô hiệu trưởng, người là tư lệnh của toàn trường và chính là người sẽ lãnh đạo, dẫn đầu toàn trường trong cả năm học mới. Cũng có cách làm đẹp, giàu văn hóa là dành việc đánh trống khai giảng cho một vị thầy cô được cả trường kính trọng. Cũng không phủ nhận ý tưởng đột phá là giao cho một học sinh năm cuối xuất sắc cả về học vấn lẫn hạnh kiểm đánh hồi trống khai trường. Thậm chí có thể mời một cựu học sinh vừa tốt nghiệp đã xuất sắc đạt điểm cao trong kỳ thi vào cấp mới, vào đại học.

Chính thầy trò nhà trường thực hiện nghi thức đánh trống khai trường mới tránh được cái chuyện “đánh trống bỏ dùi”.

Ở đây, cần phân biệt việc đánh trống hằng ngày của bác bảo vệ với nghi thức đánh trống khai trường. (Liên hệ như vầy có khi gây khổ cho nhà trường, lỡ vị khách lãnh đạo đánh trống bị cạnh khóe rằng ông ấy đã bị hiệu trưởng chơi khăm ví mình như một bác bảo vệ).

Cuối cùng, xin nói lại, nghi thức đánh hồi trống khai giảng năm học mới rất thiêng liêng. A Phủ trộm nghĩ, người được chọn thực hiện nghi thức này có khi đêm hôm trước phải ăn chay, ngủ chay, tắm đôi ba bận cho thanh tịnh cả hồn lẫn xác kia đó.

Ngoài luồng: Sáng nay 5-9-2023, trong khi “đại ca” cháu ngoại cùng ba mẹ đến trường dự lễ khai giảng năm lớp 1, A Phủ ở nhà tự đánh hồi trống khai trường cho cháu bằng cái vòng 2 mà “đại ca” chê là “bụng bự”. Phê rất phê.

A PHỦ