Thứ Bảy ngày 02 tháng 11 năm 2024

Cuộc gọi lừa đảo vẫn còn gây nhức nhối

Sau những nỗ lực và hàng loạt biện pháp được đánh giá là quyết liệt từ cơ quan quản lý trung ương, tình hình các cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo, đe dọa (ở đây gọi là “cuộc gọi độc hại”) rõ ràng đã giảm hơn trước. Chỉ có điều, giảm chứ không phải là hết hẳn. Thật ra cũng không ai ngây thơ tin rằng có thể triệt hạ hoàn toàn tệ nạn này. Ngay cả ở Mỹ và những nước công nghệ phát triển khác, những cuộc gọi rác vẫn là nỗi ám ảnh của người dân, đến mức muốn gọi điện thoại cho ai mà mình khong có tên lưu trong danh bạ, người ta phải nhắn tin báo trước.

Ngay như chúng tôi, từ đầu tháng 9-2023 đến nay đã nhận được hơn 10 cuộc gọi độc hại. Nhiều cuộc gọi phát nội dung ghi âm sẵn mạo danh Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo sẽ cắt số thuê bao trong 2 giờ tới. Vài cuộc gọi tiếp tục mạo danh cơ quan công an.

SIM rác. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã loại bỏ thành công 12,5 triệu SIM rác không chính chủ. Đó là số SIM được lọc ra qua quá trình đối soát thông tin với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư, và phát hiện không trùng khớp nhưng chủ thuê bao không đăng ký bổ sung. Rất nhiều SIM rác đó vốn được dùng phát tán nhũng tin nhắn, cuộc gọi độc hại.

Thêm một giải pháp mới nữa là từ ngày 10-9-2023, các nhà mạng ngừng phân phối SIM qua kênh đại lý ủy quyền của nhà mạng, chỉ phân phối SIM qua kênh trực tiếp của nhà mạng và các hệ thống kênh chuỗi lớn, uy tín (tức là các hệ thống cửa hàng điện thoại lớn). Thực tế trước đây, có tới 80% lượng SIM bán ra thị trường là thông qua các kênh đại lý ủy quyền của nhà mạng, mà các nơi đó đã bán SIM bằng mọi giá dẫn tới tình trạng SIM bán có mặt mọi nơi, ai mua cũng được.

Người dân qua các kênh thông tin đại chúng, truyền thông xã hội cần được thường xuyên nhắc nhở rằng các cơ quan chức năng, như công an, tòa án,… không liên lạc và xử lý qua điện thoại. Nhà chức trách cũng cần sớm tiến hành định danh các số điện thoại của các cơ quan chức năng để hiện rõ tên cơ quan trong các cuộc gọi, tin nhắn, góp phần giúp người dân dễ nhận diện hơn.

Tất nhiên, cuộc chiến chống cuộc gọi độc hại phải là hành động kết hợp đồng bộ giữa nhiều bên: cơ quan chức năng, nhà mạng và ngay chính người dùng. Người dùng do không thể chặn tất cả các số lạ cần cảnh giác tắt ngay các cuộc gọi mạo danh có nội dung đe dọa, lừa đảo và ngay sau đó chặn (block) số máy đó. Người dùng cũng được khuyến khích báo cáo số máy lừa đảo, mạo danh đó cho cơ quan chức năng thông qua cuộc gọi hay tin nhắn tới Tổng đài 156 của Bộ TT-TT. Chỉ có điều, báo cáo thì báo cáo chứ người dùng không thể biết cơ quan chức năng sẽ xử lý ra sao. Tổng đài 156 cho biết: Sau khi tiếp nhận tin nhắn SMS hay cuộc gọi báo lừa đảo, Tổng đài  sẽ chuyển tới Cục An toàn Thông tin (Bộ TT-TT). Cục này sẽ phối hợp với các nhà mạng xác minh và xử lý các số xấu được báo cáo.

Nhiều người dùng di động cho biết họ đã tránh được nhiều cuộc gọi độc hại nhờ cài đặt ứng dụng lọc của bên thứ ba, như Truecaller. Từ thông tin do người dùng đóng góp, thông qua chia sẻ thông tin về số máy nguy hiểm, mỗi khi có cuộc gọi đến, nếu số máy đó có trong “danh sách đen”, Truecaller sẽ thông báo cho người dùng biết.

Tất nhiên, hành động của người dùng chỉ mang tính thụ động và gây nhiều phiền phức cho họ. Các chiến binh chính trong cuộc chiến chống cuộc gọi độc hại vẫn phải là cơ quan chức năng và các nhà mạng. Hai bên này cần quyết liệt, mạnh tay và hợp đồng tác chiến với nhau mới có thể khiến bọn xấu chùn tay.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 13-9-2023 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN