Thứ Bảy ngày 02 tháng 11 năm 2024

DHL Express và Ngân hàng Á Châu ACB hợp tác cắt giảm khí thải carbon bằng cách sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững

DHL Express, nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh toàn cầu, ngày 19-9-2023 cho biết họ vừa ký kết hợp đồng dịch vụ GoGreen Plus với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) của Việt Nam. Dịch vụ này của DHL giúp giảm lượng khí thải carbon cho các lô hàng chuyển phát nhanh quốc tế (TDI) thông qua việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (Sustainable Aviation Fuel, SAF). Bằng cách sử dụng dịch vụ GoGreen Plus của DHL Express, ước tính ACB có thể cắt giảm đến 14 tấn khí thải CO2 trong vòng 12 tháng (ước tính dựa trên lịch sử số lượng hàng hóa vận chuyển của ACB với DHL Express, các tuyến vận chuyển và mức giảm 100% lượng khí thải carbon được lựa chọn).

Toàn bộ quá trình giảm phát thải của dịch vụ GoGreen Plus sẽ được xác minh hàng năm bởi một cơ quan độc lập thuộc bên thứ ba là Công ty Société Générale de Surveillance (SGS) của Thụy Sĩ chuyên về kiếm tra, thử nghiệm và chứng thực. Ngoài ra, một báo cáo Dấu chân Carbon (Carbon Footprint) bổ sung sẽ được cập nhật hàng tháng, nêu chi tiết lượng khí thải tổng thể của ACB trong dịch vụ hợp tác với DHL Express.

Đại diện DHL Express (bên phải) và ACB ký kết hợp đồng GoGreen Plus.

Ông Bernardo Bautista, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Quốc gia, DHL Express Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thành công trong kinh doanh luôn song hành cùng nhau. Trên toàn cầu, yếu tố bền vững và bảo vệ môi trường là rất quan trọng đối với tất cả mọi người, trong đó bao gồm khách hàng của DHL. DHL Express là đơn vị chuyển phát nhanh quốc tế đầu tiên hỗ trợ khách hàng sử dụng SAF làm đòn bẩy để cắt giảm khí thải carbon hiệu quả. Đặc biệt, dự án hợp tác này sẽ tạo điều kiện cho các khách hàng của ACB trực tiếp đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường.”

Ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc ACB, nhấn mạnh: “ACB đang cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế với chất lượng hàng đầu trên thị trường. Chúng tôi luôn mong muốn khách hàng sẽ được hưởng thêm nhiều lợi ích hơn khi chọn ACB. Với sự hợp tác về GoGreen Plus, ACB kỳ vọng mang đến một dịch vụ không chỉ giúp gia tăng giá trị cho khách hàng mà còn thúc đẩy tinh thần phát triển bền vững được lan tỏa bởi sự chung tay của đối tác DHL, của khách hàng.”

ACB là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ký hợp đồng sử dụng dịch vụ GoGreen Plus của DHL Express nhằm giảm 100% lượng khí thải carbon cho các lô hàng chuyển phát nhanh quốc tế. ACB cho biết, ngân hàng luôn gắn mục tiêu phát triển bền vững theo định hướng ESG song hành cùng chiến lược kinh doanh trong nhiều năm qua. (ESG viết tắt từ Environmental – Môi trường), Social – Xã hội) và Governance – Quản trị doanh nghiệp). Tất cả các hoạt động của ngân hàng đều hướng đến việc cân bằng hợp lý giữa kết quả ngắn hạn với phát triển bền vững dài hạn, giữa tăng trưởng doanh thu với việc tạo giá trị cho các bên liên quan, phát triển toàn diện trên cả 3 tiêu chí E,S và G. Năm 2022, ACB ghi nhận 93% nhân viên sẵn sàng thực hiện các sáng kiến ESG cùng ngân hàng, tiết kiệm và tái chế 215 tấn giấy thông qua hoạt động số hóa quy trình, thay thế 32 tấn nhựa bằng các vật liệu thân thiện với môi trường, và trung hòa 181 tấn CO2 bằng cách sử dụng vật liệu thảm tái chế.

Được DHL Express ra mắt hồi tháng 2-2023, dịch vụ GoGreen Plus tận dụng phương thức “carbon insetting” và SAF, cho phép khách hàng giảm lượng phát thải thuộc Phạm vi 3. Khác với các biện pháp “carbon offsetting” (bù đắp carbon), GoGreen Plus với carbon insetting làm giảm phát thải trong lĩnh vực logistics. Khách hàng của DHL có thể sử dụng dịch vụ này thực hiện báo cáo phát thải của riêng mình và tuân theo nguyên lý của Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Cơ sở Khoa học (Science Based Targets initiative, SBTi). Thay vì đầu tư vào các dự án giảm phát thải carbon bên ngoài như trồng cây, “carbon insetting” kêu gọi các doanh nghiệp cam kết thực hiện các hoạt động mang tính bền vững bằng cách trực tiếp cắt giảm hoặc ngăn chặn khí thải nhà kính gắn liền với hoạt động của họ.

SAF dùng cho máy bay được tạo ra từ nguyên liệu thay thế có đặc tính năng lượng bền vững vượt trội, bao gồm: dầu ăn đã qua sử dụng, ngô, chất thải, hydro hoặc tổng hợp CO2. Điều này trái ngược với nhiên liệu máy bay truyền thống có tính carbon cao hoặc như dầu hỏa có nguồn gốc từ ​​dầu mỏ. SAF hiện được coi là giải pháp có thể mở rộng duy nhất trong những năm tới, do đây là lựa chọn xanh duy nhất hiện nay cho các chuyến bay đường dài.

Tập đoàn DHL cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đang đầu tư 7 tỷ euro vào các sáng kiến giảm phát thải carbon cho đến năm 2030. Với khoảng 90% lượng khí thải carbon có nguồn gốc từ mạng lưới hàng không, các giải pháp vận tải hàng không khả thi và bền vững rất quan trọng để tạo nên hoạt động logistics xanh và sạch hơn. Trong các giải pháp đó, có hai trong số những thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay của DHL với bp và Neste – hai đơn vị này sẽ cung cấp cho DHL hơn 800 triệu lít SAF cho đến năm 2026. Việc này sẽ góp phần vào mục tiêu tạm thời là sử dụng 30% SAF cho mọi phương tiện vận tải hàng không vào năm 2030. Tương tự, DHL Express cũng đã hợp tác với Eviation và sẽ nhận 12 máy bay chở hàng hoạt động bằng điện năng từ năm 2027 trở đi.

Tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) năm 2021, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Từ đó, Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp – bao gồm Nghị định 06 nêu rõ các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (GHG), cũng như các doanh nghiệp và lĩnh vực cụ thể cần thiết cho công tác kiểm kê khí nhà kính. Từ góc độ thương mại quốc tế, các thị trường nhập khẩu trọng điểm đang áp thuế cao đối với sản phẩm có “dấu chân carbon” lớn, trong khi nhiều nền kinh tế phát triển cũng đặt ra các quy định về môi trường chặt chẽ hơn đối với hàng nhập khẩu. Chẳng hạn như ở lĩnh vực dệt may, các cam kết xanh sẽ mở đường cho việc xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp và tạo điều kiện để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan; và doanh nghiệp nào đáp ứng các tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) sẽ có đơn hàng nhiều hơn và tốt hơn.

Ngoài ra, Liên minh Châu Âu (EU), một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, cũng có kế hoạch thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism, CBAM) đầu tiên trên thế giới từ tháng 10-2023. Trong giai đoạn chuyển tiếp, các nhà nhập khẩu cần báo cáo lượng carbon có trong hàng hóa nhập khẩu của họ và từ năm 2026, thuế bổ sung sẽ được áp vào hàng hóa nhập khẩu để thu hẹp khoảng cách giá carbon của EU và giá tại các nước xuất khẩu.

Việc giảm thiểu dấu chân carbon không chỉ đơn thuần là lựa chọn cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà đã trở thành quyết định then chốt để bảo vệ môi trường và duy trì năng lực cạnh tranh. Đặc biệt khi xét đến chuỗi giá trị của doanh nghiệp – bao gồm hoạt động vận tải và phân phối, logistics mang tính bền vững đóng vai trò không thể thiếu. Với dịch vụ GoGreen Plus, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước có thể tận dụng nhiên liệu hàng không bền vững SAF nhằm triển khai hoạt động vận chuyển thân thiện với môi trường hơn.

N.Đ.M.

Nguồn do DHL Express cung cấp.