Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Chính quyền số vào giai đoạn nước rút

Ngày 15-9-2023, với việc UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND, Thanh Hóa là một trong những tỉnh thành mới nhất đã ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng số giai đoạn 2023 – 2025.

Theo đó, vào năm 2025, 100% cơ quan, tổ chức nhà nước và 50% doanh nghiệp ở Thanh Hóa sẽ sử dụng nền tảng số. Đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng kết nối mạng IoT đáp ứng yêu cầu của các lĩnh vực có liên quan như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị; ứng dụng IoT vào quản lý, giải quyết các mục tiêu về phát triển và quản lý hạ tầng (đặc biệt là hạ tầng đô thị).

Trong khi đó, ngày 14-9-2023, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành Kế hoạch số 308/KH-UBND nhằm xây dựng mô hình tỉnh chuyển đổi số điển hình trong năm 2023. Đối với nội dung Chính quyền số, phấn đấu 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh kết nối hạ tầng mạng băng thông rộng trên mạng chuyên dùng của Chính phủ để đáp ứng triển khai các dịch vụ số, bảo đảm an toàn thông tin. Trên 90% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần…

Chính quyền số với các dịch vụ hành chính công được số hóa và online đem lại nhiều lợi ích cho cả người dân lẫn cơ quan chức năng. (Nguồn: Internet, Thanks.)

Chính quyền số là một trong ba “trụ cột” của chuyến đổi số (chính phủ số, kinh tế số và xã hội số). Hiện nay, việc triển khai đã vào giai đoạn 2023 – 2025 với hàng loạt mục tiêu cụ thể được Thủ tướng đề ra. Quyết định số 06/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng “Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Những nội dung quan trọng của Đề án là tới giai đoạn 2023 – 2025, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất các các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. 100% người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về dân cư đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được định danh, xác thực điện tử hoặc xác thực, chia sẻ dữ liệu dân cư. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân được lưu trữ điện tử với số định danh cá nhân là một thông tin bắt buộc phục vụ cho kết nối, chia sẻ, tái sử dụng. 50% mẫu đơn, tờ khai có thông tin công dân được chuẩn hóa thống nhất theo yêu cầu từ dữ liệu gốc của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tối thiểu 50% thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư được cắt giảm, đơn giản hóa so với thời điểm ban hành quyết định này. 90% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% hồ sơ về dân cư được tạo, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

Rõ ràng với khối lượng mục tiêu như vậy, công việc phải làm rất nhiều và đa dạng, trong khi quỹ thời gian có hạn.

Điều này đòi hỏi mỗi địa phương phải đưa ra được những mục tiêu cụ thể của mình với những mốc thời gian rõ ràng. Tất nhiên, các mục tiêu của cấp tỉnh thành không thể thấp hơn hay chậm hơn các mục tiêu của Chính phủ. Đó là để bảo đảm cho tính đồng bộ và toàn diện của công cuộc chuyển đổi số trên quy mô cả nước.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) hồi năm 2022 đã cho rằng hoàn toàn có căn cứ để tin tưởng và hình dung trong 5-10 năm tới, dưới tác động của chuyển đổi số, Việt Nam sẽ có đủ hành lang pháp lý và dữ liệu. Khi đó, toàn bộ hoạt động của người dân trong giao dịch với chính quyền đều thực hiện trên môi trường số. Đặc biệt, những yêu cầu của người dân sẽ được phục vụ tốt hơn, nhanh gọn hơn nhiều so với hiện nay. Chính quyền cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn, quản trị tốt hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC, nhấn mạnh rằng: Chính phủ chuyển đổi số bằng cách ứng dụng công nghệ để thay đổi cách quản lý và phụng sự nhân dân ngày một tốt hơn.

Đó là lý do mà Quyết định số 06/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng đã đưa ra mục tiêu cụ thể, trong giai đoạn 2023-2025, tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính về cư trú, hộ tịch, xuất nhập cảnh, cấp căn cước công dân.

Chúng ta đã qua giai đoạn tin học hóa và số hóa. Đó là giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa cảc cơ sở dữ liệu, quy trình làm việc – với đối tượng phục vụ là chính các cơ quan nhà nước. Nay tới giai đoạn chuyển đổi số đưa tất cả hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường Internet hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số, với đối tượng phục vụ và thụ hưởng là người dân. Theo định nghĩa cơ bản của các chuyên gia công nghệ, chuyển đổi số là ứng dụng công nghệ số để thay đổi, chuyển đổi cách làm truyền thống, để thay đổi sâu sắc cách hoạt động của tổ chức đó bằng cách tạo ra các quy trình hoạt động mới, trải nghiệm người dùng tốt hơn và văn hóa tổ chức hiện đại.

Với các đặc thù và thế mạnh của mình, TP.HCM là địa phương có lộ trình chuyển đổi từ chính quyền điện tử lên mô hình chính quyền số một cách rất bài bản và cụ thể. Trên cổng thông tin điện tử của TP.HCM, UBND TP đã lập hẳn một minisite chuyên về chính quyền số với các thông tin trực quan và được cập nhật để mọi người dân đều có thể theo dõi. Thực tế, hiện nay, TP.HCM vẫn còn trong giai đoạn “hướng đến” chính quyền số với bộn bề công việc trong khi quỹ thời gian tới thời điểm theo Chính phủ yêu cầu ngày càng ít đi.

Thanh Hóa, ngày 15-9-2023, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã ban hành kế hoạch Kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ và các chỉ tiêu về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa năm 2023. Tỉnh đặt ra mục tiêu là nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Theo kết quả tiến độ chuyển đổi số được tự động cập nhật và công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, đến ngày 18-9-2023, Thanh Hóa đã trao đổi dược 2.937.031 văn bản qua mạng giữa 2008 đơn vị và đã giải quyết đúng hạn được 97,63% hồ sơ.

Théo báo Điện tử Chính phủ, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, nhận xét: chỉ trong 1 năm qua, nhiều nội dung triển khai chuyển đổi số ở nước ta đã có những bước tiến rất quan trọng. Trong đó, nổi bật là hành lang pháp lý để thực hiện chuyển đổi số đã được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành.

Tất nhiên, tất cả đều mới mẻ và cần được triển khai càng nhanh càng tốt, rồi cần phải liên tục thu thập phản hồi từ người thực hiện (cán bộ) và người được phục vụ (người dân) để cập nhật, chấn chỉnh ngày càng hoàn thiện hơn. Điển hình như việc định danh điện tử và triển khai ứng dụng “tổng” VNeID của ngành Công an.

Không ai có thể phủ nhận được những tiến bộ và sự tiện lợi cho người dân khi làm các thủ tục hành chính công online. Chỉ có điều, “tiện lợi” nhưng chưa phải là “thuận lợi” khi quy trình vẫn còn rối rắm, chưa đơn giản hóa cho thích hợp với tuyệt đại đa số người dân, đặc biệt là những đối tượng “yếu thế” về tiếp cận công nghệ. Chẳng hạn, việc làm hộ chiếu online vẫn còn thủ tục khá nhiêu khê và thời gian thực tế để làm dài hơn hẳn cách làm thủ công trước đây.

Có thể nói rằng, chính quyền số với các thủ tực hành chính công có thể được thực hiện và theo dõi online chính là “hoa quả” thực tế của chuyển đổi số mà người dân có thể hưởng thụ và nhìn thấy được. Đó cũng là công việc mà công cuộc chuyển đổi số tại các địa phương cần phải tập trung. Và chính quyền số cũng là nền tảng cho việc triển khai xây dựng 2 trụ cột còn lại là nền kinh tế số và xã hội số.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 19-9-2023 và báo NLĐ Online.

ANH PHÚC