Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Tích hợp vào VNeID rồi… ngồi chờ

Thật sự thì trong kỷ nguyên số, người ta đặt nhiều kỳ vọng vào VNeID như một ứng dụng tổng, một ứng dụng cổng của chính quyền số. Cả người dân lẫn cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là ngành Công an – nơi phát triển ứng dụng định danh điện tử này, rất mong muốn như vậy.

Hiện nay, mặc dù không có quy định nào bắt buộc người dân phải đăng ký, sử dụng VNeID, nhưng với tính năng của mình, ứng dụng này ngày càng trở nên thiết yếu. Công an cả nước đang kêu gọi, khuyến khích người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 06/QĐ-TTg-2022). Đề án 06 này đặt ra mục tiêu: Phấn đấu cả nước đạt trên 40 triệu tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID trong giai đoạn 2023 – 2025 và đạt trên 60 triệu tài khoản trong giai đoạn 2025 – 2030.

Ngay trên ứng dụng VNeID, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư – Bộ Công an đã ghi rõ: “Ứng dụng định danh điện tử có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống…” Và trong VNeID có mục “Ví giấy tờ” để ứng dụng này có vai trò như một chiếc ví giấy tờ số – nơi công dân lưu giữ các loại giấy tờ tùy thân thay vì phải mang theo bản giấy vốn phiền toái bao năm nay. (Nguồn)

Thực tế thì rõ ràng cho đến nay, sau hơn 1 năm ra mắt (từ 18-7-2022), việc sử dụng ứng dụng VNeID vẫn còn nhiều rối rắm và vướng mắc.

Ở đây nói về chuyện giấy phép lái xe (GPLX) đang gây nhiều bức xúc. Việc tích hợp được GPLX vào VNeID quả là trần ai khoai củ, chủ yếu do chưa hoàn toàn đồng bộ được cơ sở dữ liệu GPLX, đặc biệt là với hơn 24 triệu GPLX xe máy dạng in trên giấy. Theo thông tin của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông – Vận tải) trên báo chí hồi giữa tháng 8-2023, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu GPLX của Cục đang quản lý trên 8,8 triệu GPLX ôtô và trên 46,7 triệu GPLX xe máy. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành xác thực thành công và hiển thị đầy đủ trên hệ thống VNeID 31,3 triệu GPLX các loại.

Vấn đề nằm ở chỗ, GPLX dù đã được xác thực và hiển thị trên VNeID nhưng hiện giờ vẫn chỉ để “ngó chơi”. Khi lưu thông, người lái xe vẫn phải tiếp tục mang theo bản gốc của GPLX, giấy đăng ký xe nếu không muốn bị xử phạt. Theo Nghị định 100/2019, ai không mang theo giấy đăng ký xe sẽ bị xử phạt 100.000-200.000 đồng. Mức phạt sẽ tăng gấp đôi với người điều khiển xe ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô.

Cảnh sát giao thông vẫn chưa thể chấp nhận GPLX trên VNeID vì vướng luật. Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ hiện vẫn bắt buộc người dân mang theo GPLX giấy khi điều khiển phương tiện giao thông.

Thậm chí, điều này cũng chưa thể thực hiện cho dù Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 32/2023/TT-BCA quy định quy trình tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-9-2023. Điểm a, Khoản 2, Điều 12 của Thông tư này quy định: “Khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ”.

Mọi sự có lẽ vẫn phải chờ cho tới khi luật mới được thông qua. Tại dự thảo lần thứ tư Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến, Điều 33 quy định: Người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông phải mang đăng ký xe, giấy phép lái xe… Trường hợp thông tin các loại giấy tờ trên đã đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID thì không phải mang theo. Theo lịch trình, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (năm 2024).

Từ việc tích hợp GPLX vào ứng dụng VNeID cho thấy việc triển khai các quy trình, thủ tục mới trong tiến trình xây dựng chính phủ số sẽ phát sinh nhiều vướng mắc. Chủ yếu từ sự đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu giữa các ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia, các luật định từ các văn bản pháp quy khác mà thậm chí có khi phải sửa luật hiện hành. Liệu “tổng tư lệnh” công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia có giải pháp nào khắc phục giúp mọi việc suôn sẻ hơn?

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 4-10-2023 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC