Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Chuyển đổi số báo chí: chuyện sống còn

Nếu chỉ tiếp cận một cách thông thường, người ta nghĩ “chuyển đổi số báo chí” là chuyện đại sự hay xa vời, chỉ ở cấp quản lý. Thực tế, chuyển đổi số lại là một giải pháp mang tính sống còn của báo chí trong thời đại số. Đó là một giai đoạn cao hơn trong tiến trình thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, sau tin học hóa, số hóa và online – điện tử hóa báo chí.

Ở các giai đoạn trước, chúng ta mới số hóa cách sản xuất và phát hành nội dung báo chí. Chuyển đổi số là chuyển toàn bộ hoạt động báo chí, từ một tòa soạn cho tới trong cả xã hội – lên nền tảng số và online. Tất nhiên, đây là giai đoạn gắn với online, đám mây và cần các công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối,…

Ở cấp vĩ mô, nhà nước đã xác định: Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Và ngày 6-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu của Chính phủ đối với báo chí Việt Nam là đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

Riêng ở cấp địa phương, UBND TP.HCM trong tháng 10-2023 cũng đã có kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP.

(Ảnh: Internet. Thanks.)

Thật ra, ngay từ mấy năm trước, từng cơ quan báo chí – chủ yếu là ở các báo lớn – trong nỗ lực tự cứu mình giữa vòng vây truyền thông xã hội và truyền thông điện tử đã tiến hành những bước đầu chuyển đổi số báo chí. Kết quả là sự ra đời ngày càng nhiều hơn của những tòa soạn hội tụ và sự đa dạng hóa loại hình báo chí. Tờ báo không chỉ có bản in, bản online mà còn có cả video, podcast,… phát hành trên Internet cả dạng trang web lẫn mạng xã hội. Kết quả thật đáng kể.

Đó chính là những điển hình, những bài học kinh nghiệm cho công cuộc chuyển đổi số cả nền báo chí quốc gia. Các quyết định của Chính phủ và địa phương giúp các cơ quan báo chí có thêm chỗ dựa pháp lý và sự chỉ đạo để tiếp tục triển khai các dự án chuyển đổi số ở đơn vị mình.

Tất nhiên, cái khó nhất và để bảo đảm thành công là trước tiên từng cơ quan báo chí phải xác định cho được mục tiêu chuyển đổi số và nhu cầu của mình. Ở việc này, Quyết định số 348/QĐ-TTg của Chính phủ đã mở ra hướng cho cơ quan báo chí để dựa vào đó mà cụ thể hóa cho đơn vị mình.

Trên thế giới, chính chuyển đổi số đã cứu nguy cho làng báo chí – đặc biệt là báo giấy – trong thời đại truyền thông số. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew Research Center, số lượng phát hành của các nhật báo ở Mỹ ước tính đã giảm hơn một nửa từ 55,8 triệu bản năm 2000 xuống còn 24,2 triệu vào năm 2020. Đồng thời, doanh thu từ xuất bản định kỳ (tạp chí, ấn phẩm chuyên ngành) giảm từ 40,2 tỷ USD năm 2002 xuống còn 23,9 tỷ USD vào năm 2020. Tác giả Dawn Papandrea trên BrightSpot cho biết: Khi họ nhận ra rằng mọi người muốn nhận tin tức, thông tin và giải trí trên nhiều nền tảng, kênh và thiết bị khác nhau, các công ty truyền thông hiểu biết đã trở thành những người áp dụng chuyển đổi số sớm nhất. Giờ đây, thay vì phải tìm cách mở các trang trên tờ báo giấy The New York Times khổ lớn, bạn đọc ở trên xe điện ngầm có thể đọc tất cả các tin tức được in trên báo trên smartphone, máy tính bảng, thậm chí cả trên đồng hồ thông minh của mình. Không thích đọc thì họ vẫn có thể có được các tin tức thời sự theo thời gian thực qua video, livestream, podcast,…

Báo chí muốn sống bền phải phụng sự bạn đọc. Trong thời của báo in rồi báo điện tử, tòa soạn phải nắm được thị hiếu của bạn đọc, thích và quan tâm đề tài nào, để có những chuyên mục và bài viết thích ứng. Còn ở kỷ nguyên số, ngoài chuyện đáp ứng các nhu cầu về nội dung, tòa soạn còn phải biết được bạn đọc thích đọc báo với hình thức và trên phương tiên nào để nhanh chóng chuyển đổi mà đáp ứng. Điều đó chỉ làm được với nền tảng chuyển đổi số.

Không còn hồ nghi gì nữa, một khi xây dựng cho mình một nền tảng báo chí chuyển đổi số hiện đại và linh hoạt, các cơ quan báo chí – truyền thông không chỉ sống sót mà còn có thể sống tốt trong kỷ nguyên truyền thông số.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 25-10-2023 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC