Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Xem nội dung online “miễn phí có điều kiện”

Anh Nguyên T. ở Q.6 (TP.HCM) đang tối tối đi làm về thong dong nằm đu đưa trên võng xem phim miễn phí trên Netflix. Thoắt cái đã hết thời hạn 1 tháng xài thử, anh buộc phải chọn lựa: đóng tiền theo gói cước để được tiếp tục xem hay nghỉ coi mà đi ngủ sớm.  

Trong một thời gian đầu, nhiều nhà cung cấp dịch vụ thông tin – giải trí online cho người dùng xem nội dung miễn phí cốt để quảng bá, dùng lời lẽ hoa mỹ rằng tạo cơ hội cho người dùng trải nghiệm. Thật ra, họ muốn “nhử” cho người dùng “ăn quen” và “bén mùi” để cuối cùng chịu mở ví ra trả tiền. Và sau thời gian nào đó, các nhà cung cấp dịch vụ đưa ra cho người dùng hai lựa chọn: hoặc dừng cuộc chơi, hoặc phải trả phí để tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Theo tâm lý chung, đang được hưởng thụ một cách “tình cho không biếu không”, giờ đùng một cái phải trả phí, nhiều người dùng bực bội, phản ứng. Thực tế thì trên đời này hầu như chẳng ai cho không ai cái gì, đằng này lại là các nhà kinh doanh. Nói cho công bằng, nhà cung cấp dịch vụ nếu là phi lợi nhuận, không kiếm lợi nhuận thì cũng phải có nguồn thu để duy trì dịch vụ.

Ở đây, vấn đề cốt lõi là các bên: cả người xem lẫn nhà cung cấp dịch vụ phải sòng phẳng một cách thỏa đáng với nhau. Cụ thể, thu phí thì phải hợp lý, có nhiều tùy chọn và phù hợp với mặt bằng mức sống chung thực tế của từng nước; miễn phí thì có các điều kiện đôi bên có thể chấp nhận được.

Các Smart TV tích hợp sẵn các ứng dụng xem phim online. (Ảnh: Samsung).

Thật ra, trước nay người dùng vẫn đang hưởng các dịch vụ nội dung online (xem phim, xem truyền hình, nghe nhạc, hay thậm chí đọc báo) theo hình thức “miễn phí có điều kiện”. Phổ biến nhất ở đây là người dùng phải chấp nhận xem chen quảng cáo. Còn nếu muốn được toàn tâm toàn ý thưởng thức các nội dung sạch bóng quảng cáo, người dùng phải chấp nhận trả một khoản tiền phí hằng tháng. Đây là lẽ công bằng chẳng có gì phải bàn nữa. Vấn đề chỉ còn ở chỗ mức phí như thế nào là phù hợp.

Xét về lý thuyết, Việt Nam là một thị trường màu mỡ cho các dịch vụ giải trí online. Theo số liệu Digital 2023: Vietnam do We Are Social và Meltwater công bố hồi tháng 2-2023, Việt Nam vào đầu năm 2023 có 77,93 triệu người dùng Internet (chiếm tới 79% số dân). Có tới hơn 70 triệu người dùng các mạng truyền thông xã hội (chiếm hơn 71% số dân). Cả nước có tới 161,6 triệu thiết bị di động được nối mạng (tương đương 164% số dân).

Việt Nam được đánh giá có cơ sở hạ tầng Internet và viễn thông ở nhóm đầu thế giới, cả về độ phủ rộng lẫn chất lượng đường truyền. Có thể nói, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới phủ được sóng Internet toàn quốc và dễ dàng tiếp cận với Internet mọi nơi. Cơ sở hạ tầng mạng của Việt Nam tất nhiên đủ sức “cân” các dịch vụ nội dung online chất lượng cao.

Netflix là dịch vụ xem phim online vào hàng phổ biến nhất ở Việt Nam, thậm chí được tích hợp sẵn vào các Smart TV. Gần đây, người thuê bao Netflix ở Việt Nam đang lo lắng trước những dấu hiệu dịch vụ này sắp áp dụng chính sách hạn chế chia sẻ tài khoản dùng chung như đã làm ở hơn 100 nước khác, kể cả ở Mỹ. Trước nay, với gói cước cao nhất Premium, thuê bao không chỉ được xem phim với chất lượng cao nhất là UHD 4K mà còn có thể xem cùng một lúc trên 4 thiết bị. Chủ tài khoản có thể chia sẻ tối đa cho 3 người dùng khác cùng dùng chung, thậm chí người ở Mỹ, kẻ ở Việt Nam. Không thể trách người dùng vì chuyện chia sẻ tài khoản này được Netfilx khuyến khích suốt nhiều năm qua, có lẽ để giúp họ phát triển lượng người dùng. Nhưng việc này như con dao 2 lưỡi và rồi giờ đây Netflix nhận ra mình bị cú “hồi mã thương”. Năm 2022, Netflix cho biết có hơn 100 triệu người đang dùng tài khoản mượn để xem phim trên dịch vụ này. Theo chính sách giới hạn chia sẻ tài khoản mới, được thử nghiệm vào tháng 3-2021 và có trong gói cước mới được thử nghiệm vào tháng 7-2022, Netflix hướng tới việc chỉ cho phép chia sẻ người dùng chung tài khoản sống chung một căn hộ. Tuy nhiên, hiện nay Netflix cũng chấp nhận một giải pháp dung hòa là người dùng chung tài khoản phải đăng nhập vào dịch vụ tại địa chỉ của chủ tài khoản ít nhất mỗi 31 ngày một lần. Thật sự là điều này gây khó nếu như người đang dùng tài khoản chia sẻ ở nơi khác rất xa hay dùng TV để xem ở đó. Ở một số thị trường, Netflix chấp nhận cho chủ tài khoản có thể chia sẻ tài khoản cho những người sống ở nơi khác với điều kiện phải trả thêm phí “Thành viên bổ sung” (Extra Members), tất nhiên là vẫn rẻ hơn là đăng ký tài khoản riêng. Chẳng hạn, giá phụ thêm cho mỗi thành viên bổ sung ở Mỹ là 7,99 USD/tháng, trong khi nếu đăng ký tài khoản mới phải trả 14,49 USD hay 22,99 USD/tháng.

Trên website Trợ giúp (Help), giờ đây Netflix định nghĩa rõ ràng rằng: “Một tài khoản Netflix có nghĩa là được dùng chung bởi những người sống cùng trong một hộ gia đình. Những người không thuộc hộ gia đình của bạn sẽ cần sử dụng tài khoản của chính họ để xem Netflix”.

Thật ra, trước nay, Netflix vẫn dành ưu đãi cho thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, người dùng ở Việt Nam vẫn có thể dùng tài khoản Netflix Free để xem miễn phí trên thiết bị Android, nhưng với độ phân giải tiêu chuẩn chỉ 480p và giới hạn ở một số ít nội dung. Người dùng được phép xem thử nội dung đầy đủ của Netflix miễn phí trong một tháng đầu trước khi quyết định chọn 1 trong 4 gói phí có giá mỗi tháng từ 70.000 đồng (Mobile) đến 260.000 đồng (Premium). Việt Nam có thêm gói cước dành cho thiết bị di động. Đặc biệt, giá cước Netflix ở Việt Nam rẻ hơn nhiều thị trường khác, như ở Singapore, gói Basic có giá 12,98 SGD (khoảng 236.000 đồng, so với 108.000 đồng ở Việt Nam); hay gói Premium có giá 21,98 SGD (khoảng 400.000 đồng, so với 260.000 đồng ở Việt Nam).

Google cho biết số người dùng YouTube ở Việt Nam vào đầu năm 2023 là 63 triệu người (chiếm 80,8% tổng người dùng Internet). Tất nhiên, người xem YouTube miễn phí phải chấp nhận xem cùng những quảng cáo được chèn vào bất chợt. Còn nếu muốn xem YouTube “sạch”, người dùng phải trả phí với gói Premium. Nhiều năm trước đây, người dùng YouTube ở Việt Nam phải “dụng chiêu” để đăng ký tài khoản Premium ở nước ngoài và thanh toán với giá cước ở nước đó (trả hằng tháng qua thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ quốc tế). Từ ngày 21-4-2023, Google chính thức cho ra mắt thị trường Việt Nam gói dịch vụ trả phí YouTube Premium. Hiện có 3 loại gói phí: 79.000 đồng mỗi tháng cho cá nhân;  149.000 đồng/tháng cho gia đình (sử dụng tối đa 6 thành viên); 49.000 đồng mỗi tháng cho gói sinh viên (chỉ xem trên web hoặc các thiết bị Android).

Giải trí online. (Ảnh: FPT Shop).

Với các dịch vụ trong nước, Việt Nam hiện có khá nhiều nhà cung cấp dịch vụ xem truyền hình kết hợp với xem phim online có thu phí, như SCTV, VTVcab, HTVC, MyTV, FPT Play, Viettel, K+, … Chẳng hạn ở SCTV, với mức phí 220.000 đồng tháng cho gói Combo truyền hình cáp và Internet, người dùng được xem gần 200 kênh truyền hình trong nước và quốc tế, bao gồm những kênh chuyên chiếu phim như AXN, HBO,… cùng đường truyền Internet.

Nói tóm lại, người dùng ở Việt Nam hiện có đa dạng sự lựa chọn giải trí online tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Còn nếu không muốn tốn tiền, người dùng vẫn có thể sử dụng một số dịch vụ “miễn phí có điều kiện” và phải chấp nhận “điều kiện” mà nhà cung cấp dịch vụ đưa ra. Âu đó cũng là sự sòng phẳng.

ANH PHÚC