Cuộc đua kéo dài thời gian lên đời hệ điều hành cho thiết bị di động
Với sự ra mắt thế hệ smartphone Google Pixel 8 Series hồi tháng 10-2023, Google đã gây “chấn động” thế giới di động khi chính thức công bố thời hạn cập nhật phần mềm cho Pixel 8 và Pixel 8 Pro lên tới 7 năm, bao gồm lên đời hệ điều hành Android hằng năm, cập nhật an ninh bảo mật thường xuyên. Cú đột phá này khiến các nhà sản xuất thiết bị phải chịu thách thức lớn, trong khi làm cho người dùng hả lòng hả dạ.
Google Pixel 8 Series hiện là dòng smartphone có thời gian cập nhật phần mềm dài nhất, lên tới 7 năm. (Ảnh: Google.)
Việc kéo dài thời hạn cập nhật hệ điều hành như vậy buộc phần cứng thiết bị phải bền bỉ tương ứng. Trước nay, thiết bị Android được khuyến cáo có thời gian sử dụng ổn trong vòng 3 hay 4 năm.
Thật ra, chuyện kéo dài thời gian cập nhật phần mềm cho thiết bị di động đã được bắt đầu từ nhiều năm trước. Chẳng hạn, vào năm 2017, khi ra mắt những thiết bị Nokia chạy Android đầu tiên ra thị trường (gồm Nokia 3, Nokia 5, Nokia 6 và Nokia 8), HMD Global của Phần Lan hứa sẽ hỗ trợ cập nhật bản vá bảo mật cho các thiết bị trên trong 2 năm. Đến năm 2019, với sự ra mắt Nokia 8.1, HMD Global kéo dài thời gian hỗ trợ cập nhật thêm một năm, tổng cộng là 3 năm cho bản vá bảo mật và 2 năm cho hệ điều hành.
Trước Nokia, dòng Galaxy S7 ra đời năm 2016 vẫn được Samsung tiếp tục cung cấp bản vá bảo mật suốt mấy năm sau đó. Hai dòng Galaxy S7 và S8 vào năm 2022, nghĩa là tới 6 năm sau khi ra đời, vẫn còn được Samsung cung cấp bản cập nhật firmware để sửa lỗi GPS.
Trước đây, ngay cả với các dòng flagship, thời gian cập nhật của thiết bị Galaxy là 2 năm cho hệ điều hành và 3 năm cho cập nhật bảo mật. Vào đầu năm 2022, tham gia xu hướng phát triển bền vững chung toàn cầu, Samsung đã công bố kéo dài thời gian cập nhật phần mềm lên 4 năm cho hệ điều hành và 5 năm cho cập nhật bảo mật, bắt đầu từ dòng Galaxy S21 Series (ra đời đầu năm 2021). Đây là một “cú chơi lớn” của Samsung, nhà sản xuất smartphone số 1 toàn cầu, khi vào năm 2021, hãng Hàn Quốc này hứa áp dụng chính sách nâng cấp 3 năm cho hệ điều hành và 4 năm cho cập nhật bảo mật.
OPPO – nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 thế giới – cho biết các dòng flagship từ năm 2023 trở đi sẽ nhận được 4 lần lên đời hệ điều hành và 5 năm cập nhật bản vá bảo mất. Các dòng flagship trước năm 2023 sẽ nhận được 3 lần nâng cấp hệ điều hành và 4 năm cập nhật bảo mật. Các dòng tầm trung được nâng cấp hệ điều hành 2 lần và 4 năm cập nhật bảo mật. Còn các dòng giá rẻ chỉ được nhận nâng cấp một lần hệ điều hành và 3 năm cập nhật bảo mật.
Trong khi đó, Xiaomi – nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới – có vẻ cẩn thận hơn với chính sách cập nhật phần mềm của mình. Tiêu chuẩn của hãng này là cung cấp 2 năm cập nhật bảo mật cho thiết bị. Riêng với các dòng flagship mới nhất, Xiaomi đã nâng thành 3 lần lên đời hệ điều hành và 4 năm cập nhật bảo mật.
Phải nói rằng, bao năm nay, người dùng Android chịu thiệt thòi hơn người dùng iOS. Các thiết bị Apple được tiếng là xài bền, nghĩa là đem lại sự tiết kiệm chi phí cho người dùng, khi chúng luôn được nhà Apple cung cấp cập nhật hệ điều hành lâu dài. Các dòng iPhone và iPhone 3G nguyên thủy ra đời từ năm 2007-2008 đã nhận được 2 thế hệ cập nhật iOS. Các dòng iPhone sau đó được hưởng chính sách cập nhật phần mềm lâu tới 5 hay 6 năm. Dòng iPhone 6s xuất xưởng năm 2015 với hệ điều hành iOS 9 đã trở thành thế hệ iPhone đầu tiên nhận được tới 7 lần cập nhật iOS. (Tham khảo lịch sử tương thích của các dòng iPhone với các thế hệ iOS.)
Như vậy, với một chiếc iPhone 15 Pro Max cấu hình thấp nhất có giá mở bán ở Việt Nam hồi tháng 9-2023 là 35 triệu đồng, nếu được cập nhật 5 năm, chi phí mỗi năm chỉ còn 7 triệu đồng. Hay như chiếc Pixel 8 Pro (RAM 12GB + ROM 256GB) có giá mở bán trên Google Store là 1.059 USD, tức khoảng 26 triệu đồng, với thời gian cập nhật 7 năm, có chi phí mỗi năm chỉ còn 3,7 triệu đồng.
Smartphone gập với đặc thù của mình cần có hệ thống bản lề và màn hình siêu bền để kéo dài tuổi thọ cho thiết bị. Với dòng Find N3 Series ra mắt hồi hạ tuần tháng 10-2023, OPPO đã nâng cấp hệ thống bản lề uốn tầng (Flexion Hinge) thế hệ thứ ba và đã được hiệp hội kiểm nghiệm TÜV Rheinland (Đức) chứng nhận đạt hơn 1.000.000 lần gập mở (cho mẫu gập ngang Find N3) và 600.000 lần gập mở (cho mẫu gập dọc Find N3 Flip) ở các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác nhau. Số lần gập mở này tương đương hơn 16 năm hay 27 năm sử dụng với tần suất gập 100 lần mỗi ngày
Với dòng smartphone Xiaomi 14 Series được công bố hồi hạ tuần tháng 10-2023, Xiaomi đã ứng dụng công nghệ màn hình mới với mặt kính Xiaomi Ceramic Glass được giới thiệu là có khả năng chống rơi vỡ cao hơn 10 lần và chống trầy xước cao hơn 1,25 lần so với mặt kính thông thường.
Cùng với hình thức trade-in thu cũ đổi mới được áp dụng nhiều năm nay ở các thị trường như Mỹ, Châu Âu,… nhằm tận dụng nguồn thiết bị cũ vẫn còn sử dụng được, việc kéo dài tuổi thọ cho thiết bị này góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Cụ thể, nó giúp giảm lượng rác thải điện tử vốn là một vấn nạn toàn cầu, đồng thời giảm mức tiêu thụ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Cuộc đua kéo dài tuổi thọ cho thiết bị sẽ buộc các nhà sản xuất phải cải tiến quy trình sản xuất, từ khâu thiết kế tới chọn vật liệu cũng như phát triển các công nghệ mới để tăng độ bền cho thiết bị. Tất nhiên độ bền thiết bị điện tử cần phải chứng minh và thuyết phục được người tiêu dùng, thậm chí trở thành một chỉ số cạnh tranh giữa các thương hiệu.
Trang Android Authority nhận định: “Đây sẽ là một điều tốt trên toàn cầu. Nó sẽ cho phép người dùng Android nhận được mức hỗ trợ sau khi mua hàng tương tự như người dùng iOS. (Việc Google và Samsung kéo dài thời hạn cập nhật phần mềm) cũng sẽ làm gương cho các OEM Android khác và hy vọng sẽ thúc đẩy nhận thức rằng việc cam kết cập nhật yếu kém đơn giản là không thể chấp nhận được nữa. Cập nhật điện thoại rất quan trọng và cần được coi như vậy. Một ngày nào đó, chúng tôi hy vọng toàn bộ danh sách này sẽ chứa đầy những lời hứa mạnh mẽ từ tất cả các công ty.” (Tham khảo chính sách cập nhật phần mềm của các hãng smartphone.)
- Các tổ chức kiểm định chuyên nghiệp cũng đã đưa ra những bộ tiêu chuẩn, chứng nhận mới cho tính bền vững của thiết bị. Như tổ chức TÜV SÜD (thành lập năm 1866 ở Đức) có chứng nhận “Rate A by TÜV SÜD for…. -month system fluency” (về độ mượt của hệ thống suốt bao nhiêu tháng); tổ chức TÜV Rheinland (ra đời từ năm 1872 ở Đức) có chứng nhận “TÜV Rheinland Reliable Folding Certification ‘Like new’ for life” (tạm dịch: Chứng nhận gập mở đáng tin cậy, giống như mới trọn đời) dành cho thiết bị gập, … Hay SGS (Thụy Sĩ, thành lập năm 1878 ở Pháp) có chứng nhận “SGS Perceived Fluency A+” về độ mượt của hệ thống.
Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 22-11-2023 và trên báo NLĐ Online.
HOÀI XUÂN