Tập đoàn VNPT vào năm 2024 tiếp tục sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số trên thế mạnh hạ tầng số
Ngày 21-12-2023, tại Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2024. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, và ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại Doanh nghiệp, đã đến dự.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2023
Với tinh thần vượt mọi thách thức, quyết liệt đổi mới sáng tạo cùng sự đồng tâm, hiệp lực, toàn thể CBCNV Tập đoàn VNPT đã vượt qua một năm 2023 đầy khó khăn để tạo nên sự thay đổi về chất và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao với nhiều dấu ấn đáng ghi nhận.
Cụ thể, năm 2023, tổng doanh thu Tập đoàn đạt 54.856 tỷ đồng (đạt 98,2% kế hoạch; nhưng bằng 102,14% so với cùng kỳ năm 2022). Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 4.468 tỷ đồng (đạt 100,8% kế hoạch; bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó lợi nhuận công ty mẹ là 2.824 tỷ đồng (đạt 101,4% kế hoạch; bằng 100,1% so với cùng kỳ năm 2022). VNPT nộp ngân sách nhà nước 3.849 tỷ đồng (đạt 112,7% kế hoạch). Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt 6%. VNPT luôn bảo đảm 100% việc làm và thu nhập ổn định ở mức khá cho người lao động trong mặt bằng chung của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Theo báo cáo tổng kết của VNPT, tình hình tài chính của Tập đoàn VNPT luôn lành mạnh, dòng tiền được quản lý và sử dụng hiệu quả đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản của Tập đoàn và các đơn vị, không để phát sinh các khoản nợ phải trả quá hạn, vốn của Tập đoàn được bảo toàn và phát triển.
Với chiến lược trở thành một tập đoàn công nghệ, Tập đoàn VNPT đã và đang tập trung phát triển hạ tầng số, danh mục các dịch vụ số đặc biệt thông qua đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực CNTT. Năm 2023, Tập đoàn VNPT đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn viễn thông và công nghệ lớn để liên tục tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh mới, đồng thời nắm bắt các xu hướng công nghệ, thị trường và chuyển đổi. Hoạt động hợp tác đa phương đi vào chiều sâu và được áp dụng trong nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT, tại Hội nghị.
Năm 2023 cũng là năm VNPT bội thu về giải thưởng với gần 50 giải trong nước và quốc tế cho các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp, trong đó đa số là các nền tảng và giải pháp CNTT phục vụ chuyển đổi số. Trong đó, phải kể đến Giải pháp chuyển đổi trải nghiệm khách hàng của VNPT là đại diện duy nhất của Việt Nam giành được giải thưởng Excellence Awards 2023 của TM Forum trong hạng mục Trải nghiệm khách hàng. Năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp, VNPT giành được ngôi vô địch tại đấu trường An toàn thông tin – Security Bootcamp 2023. Nền tảng chuyển đổi số VNPT OneSME đạt Top 4 giải pháp xuất sắc nhất của Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023. Trước đó, VNPT OneSME cũng đã được vinh danh tại Giải thưởng Top 10 Make in Vietnam 2022 và Giải thưởng CĐS Việt Nam 2022. VNPT FaceID là công nghệ duy nhất tại Việt Nam đồng thời đạt được 2 thành tích Top 10 trên thế giới (theo NIST FRVT) về nhận diện tìm kiếm khuôn mặt và đạt chứng chỉ chống giả mạo khuôn mặt của iBeta theo chuẩn ISO/IEC 30107-3. Là giải pháp tiêu biểu của VNPT đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển xã hội số, dịch vụ VNPT SmartCA đã giành được giải Bạc Make in Vietnam 2023 ở hạng mục Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho xã hội số. Các giải thưởng này đã chứng nhận cho chất lượng và thương hiệu của các sản phẩm số do người VNPT phát triển.
Tiếp tục khai phá cơ hội, tạo sự đột phá và sức lan tỏa cho các dự án và các giải pháp, dịch vụ số
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, chia sẻ, trong bối cảnh thị trường đầy khó khăn, các dịch vụ cốt lõi như di động, băng rộng, MyTV là những dịch vụ phải đối mặt với nhiều thách thức nhất, song VNPT vẫn giữ vững được thị phần. Trong đó, dịch vụ băng rộng và dịch vụ truyền hình chiếm vị trí số 1 về thị phần. Ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ số doanh nghiệp và chính phủ số, VNPT tiếp tục nhận được sự ự tin tưởng của các bộ/ngành/địa phương và doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm số của VNPT được đưa ra thị trường từ năm 2022 thì trong năm 2023 đã tạo được sự lan tỏa.
Ông Huỳnh Quang Liêm.
Sau những thành công mà VNPT đã đạt khi triển khai các dự án chuyển đổi số lớn của Chính phủ trong thời gian qua và gần đây nhất là dự án Hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia (CSDLQG) về Dân cư… uy tín và thương hiệu của VNPT trong lĩnh vực chuyển đổi số đã được nâng cao. Nhờ đó, trong năm 2023, VNPT tiếp tục nhận được sự tin tưởng của các bộ/ngành và địa phương khi chọn VNPT làm đối tác trong triển khai chuyển đổi số. Điển hình như, thỏa thuận hợp tác chiến lược với Bộ Công an đã đánh dấu sự tham gia chính thức của VNPT trong các dự án chuyển đổi số lĩnh vực quản lý dân cư quốc gia. Tiếp đó, VNPT cũng đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao lựa chọn làm đối tác trong thực hiện chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân. Sau khi triển khai thành công Cơ sở Dữ liệu quốc gia về Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), tháng 3-2023, VNPT đã thúc đẩy triển khai phần mềm VNPT CCVC 3.0 tại các bộ/ngành/địa phương. Sau 9 tháng, sản phẩm VNPT CCVC 3.0 đã được triển khai cho 42 tỉnh thành, 21 bộ ban ngành, quản lý 1,6 triệu CBCCVC trên toàn quốc, chiếm thị phần 66%. Sản phẩm giúp các bộ, ngành, địa phương chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực quản trị nhân lực trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp kết nối thông suốt hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức của bộ/ngành/địa phương với CSDLQG về CBCCVC.
Năm 2023, hạ tầng CNTT của VNPT có hướng đột phá và mở rộng. VNPT đã khai trương Trung tâm Dữ liệu (IDC) thứ 8 tại Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc. Đây cũng là IDC có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay. Việc khai trương IDC Hòa Lạc là minh chứng cho khát vọng của VNPT trong việc đồng hành cùng Chính phủ xây dựng hạ tầng số hiện đại, đạt chuẩn quốc tế để dữ liệu Việt Nam được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam theo định hướng của Chính phủ và Bộ TT&TT. Cùng với IDC Hòa Lạc, hiện VNPT đang sở hữu 8 trung tâm dữ liệu tại các tỉnh, thành phố lớn, gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM.
Công tác trải nghiệm khách hàng tiếp tục được xác định là một trong những công việc trọng tâm của VNPT trong năm 2023. Theo đó, VNPT đã đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp 4.0, điển hình như việc ứng dụng nền tảng công nghệ Big Data và trí tuệ nhân tạo (AI) để đo lường, phân tích dữ liệu tương tác nhằm tạo ra các trải nghiệm cá nhân hóa cho sản phẩm và dịch vụ viễn thông – CNTT. Bên cạnh việc ứng dụng Công nghệ 4.0 để nâng cao trải nghiệm khách hàng, VNPT cũng đã tập trung các chương trình tối ưu hóa mạng lưới của VNPT theo hướng giúp nâng cao chất lượng trải nghiệm khách hàng. Nỗ lực đó của VNPT đã được Tổ chức Ookla – đơn vị đo kiểm tốc độ di động và Internet hàng đầu thế giới xác thực, VinaPhone đã trở thành mạng di động nhanh nhất Việt Nam năm 2023. Sóng 5G Vinaphone đã được mở rộng tại 16 tỉnh thành phục vụ các hoạt động trải nghiệm công nghệ mới của khách hàng tại các khu vực trung tâm và các sự kiện, lễ hội.
Bằng việc làm chủ các nền tảng Công nghệ 4.0 như AI, Big Data, IoT, điện toán đám mây…, VNPT đã “thông minh hóa” sản phẩm cung cấp cho các khách hàng. Nhờ đó, 15 sản phẩm dịch vụ cốt lõi của VNPT được chuẩn hóa/nâng cấp và đưa ra thị trường. VNPT đã tập trung phát triển các nền tảng, hệ sinh thái nền tảng, sản phẩm chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chuyển đổi các dịch vụ viễn thông truyền thống thành các nền tảng cốt lõi phát triển hệ sinh thái dịch vụ số cá nhân cho hộ gia đình thông qua việc tích hợp dịch vụ số, dịch vụ nội dung, tài chính số, truyền hình, tiện ích số.
Những kết quả đạt được năm 2023 không chỉ cho thấy những nỗ lực rất lớn của tập thể lãnh đạo, CBCNV Tập đoàn VNPT trong bối cảnh đầy khó khăn mà còn là tiền đề, tạo động lực để VNPT đặt ra các mục tiêu mới cho năm tiếp theo. Ông Huỳnh Quang Liêm chia sẻ, năm 2024, Tập đoàn VNPT sẽ tối ưu hóa nguồn lực, thay đổi toàn diện hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, nghiên cứu ứng dụng thêm nhiều công nghệ mới để tạo ra các các sản phẩm số mới giúp VNPT tăng năng lực cạnh tranh, khẳng định những bước đi vững chắc của VNPT trong thời gian tới.
Sứ mệnh mới của VNPT là góp phần công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số
Ông Nguyễn Hoàng Anh.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại Doanh nghiệp, nhận định: Tập đoàn VNPT đã thường xuyên thích ứng thay đổi đưa ra quyết sách sáng tạo, nhanh chóng. Vì vậy, Tập đoàn cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi sáng tạo ở tất cả các đơn vị trong Tập đoàn, tiếp tục xây dựng VNPT thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, năng động, hiệu quả, hiện đại, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đồng thời, chú trọng đào tạo, xây dựng phát triển đội ngũ nhân sự VNPT bắt kịp với các xu hướng kinh doanh, công nghệ mới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, kinh tế, xã hội phát triển cần có hạ tầng mới, hạ tầng số. Tuy nhiên, các nhà mạng lại chưa đầu tư xây dựng hạ tầng số. Trong khi đó, không gian cũ đã hết dư địa, doanh thu dịch vụ truyền thống ngày càng suy giảm,… Do vậy, VNPT cần nhận lấy trách nhiệm xây dựng hạ tầng phát triển Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “VNPT cần đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và các lĩnh vực. Đây cũng chính là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. VNPT từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp khác.”
T.T.V.
Nguồn do VNPT cung cấp.