Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Visa đào tạo kỹ năng quản lý tài chính cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Visa Việt Nam ngày 27-12-2023 cho biết, công ty thanh toán điện tử toàn cầu Visa đã khép lại Chương trình Đào tạo Kỹ năng Quản lý Tài chính 2023 (Financial Literacy Program 2023) phối hợp cùng Ủy ban Dân tộc của Việt Nam. Chương trình đánh dấu bước tiến quan trọng trong cam kết của Visa hướng tới nâng cao hiểu biết về tài chính và kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh Việt Nam. Đặc biệt, chương trình năm 2023 thuộc khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác 3 năm giữa Visa và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh tới mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính thiết yếu trên toàn quốc.

Sự kiện tổng kết chương trình.

Ông Trần Quang Tiến, Trưởng Phòng Các Ngân hàng phát triển Quốc tế, Vụ Hợp tác Quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chia sẻ: “Nâng cao hiểu biết về tài chính và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Chúng tôi đề cao vai trò hỗ trợ, hợp tác, phối hợp của Visa với chương trình thiết thực này và kỳ vọng có thể sớm thấy được tác động tích cực do chương trình này đem lại cho cộng đồng các dân tộc thiểu số của Việt Nam.”

Chương trình Đào tạo Kỹ năng Quản lý Tài chính thể hiện nỗ lực không ngừng của Visa nhằm nâng cao hiểu biết về tài chính và thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính quan trọng tại Việt Nam. Trong một thập kỷ qua, chương trình đã đạt nhiều bước tiến đáng kể, góp phần tăng cường sự hiểu biết về tài chính của thanh niên và sinh viên. Viết tiếp chương mới của hành trình, khóa đào tạo năm 2023 được đổi mới với trọng tâm hướng tới đối tượng đào tạo là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là các thông tin về dịch vụ và sản phẩm tài chính thiết yếu, thông tin về nguồn vốn có thể huy động cho các hoạt động kinh doanh.

Chương trình đào tạo góp phần giải quyết thách thức phát triển kinh tế xã hội cho cộng đồng dân tộc thiểu số

Cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 14,7% tổng dân số cả nước. Mặc dù tiến bộ khoa học – kỹ thuật được ghi nhận tại khắp các địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc ở miền núi vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, bao gồm sự hạn chế trong tiếp cận dịch vụ xã hội thiết yếu. Điều này không chỉ dẫn đến sự thiếu thông tin và những hiểu biết cần thiết, mà còn ảnh hưởng tới cơ hội phát triển của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Chương trình đào tạo của Visa đóng vai trò như một giải pháp phổ biến kiến thức tài chính và tăng cường tiếp cận dịch vụ tài chính được xem như yếu tố quan trọng để đồng bào dân tộc cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Đứng trước các thách thức đề cập ở trên, mục tiêu chính của Chương trình Đào tạo Kỹ năng Quản lý Tài chính 2023 hướng tới nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số tại huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), thị xã Sapa (Lào Cai) và các khu vực lân cận. Qua các hoạt động đó, chương trình mong muốn tạo cơ hội phát triển, khai thác tiềm năng du lịch địa phương, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển bền vững, thích ứng với thị trường đang phát triển liên tục, hằng ngày.

Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, chia sẻ: “Ủy ban Dân tộc luôn nỗ lực hết mình thúc đẩy, nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp cả nước. Chúng tôi tin rằng chương trình – với sự hỗ trợ và hợp tác của Visa – đang góp phần tạo cơ hội phát triển cho cộng đồng các dân tộc thiểu số thông qua việc cung cấp kiến thức và công cụ cần thiết giúp cải thiện tình hình hoạt động và tài chính cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doah cá thể, từ đó tạo điều điều kiện nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng dịch vụ ngay tại địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ để đồng bào các dân tộc thiểu số có thể từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế với các vùng còn lại của đất nước.”

Khóa học tại Sapa.

Chương trình Đào tạo Kỹ năng Quản lý Tài chính 2023 do Visa phối hợp với Ủy ban Dân tộc có một số nội dung chính như:

  • Cung cấp các kiến thức về nguồn lực kinh doanh: Chương trình kết hợp cung cấp các tri thức về nguồn lực kinh doanh, kế toán, chính sách và tài chính, tạo điều kiện tiếp cận các giải pháp và ứng dụng thực tiễn. Việc hỗ trợ này được thiết kế nhằm giúp cho cộng đồng các doanh nghiệp thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể phát huy lợi thế của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh
  • Tăng cường nâng cao kiến thức tài chính: Phổ biến kiến thức và dịch vụ tài chính góp phần thúc đẩy khả năng ứng dụng những công cụ tài chính – ngân hàng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, chương trình đã tập trung nâng cao nhận thức về lợi ích của hiểu biết tài chính và những đóng góp quan trọng của các sản phẩm và dịch vụ tài chính phù hợp.
  • Áp dụng hình thức đào tạo thông qua tương tác: Các buổi đào tạo cả trực tiếp và trực tuyến đã cung cấp kiến thức, nâng cao hiểu biết và kỹ năng thực tế có thể áp dụng trong cuộc sống hằng ngày và công việc kinh doanh.
  • Tham vấn hỗ trợ: Tiếp theocác buổi đào tạo tại lớp, học viên từ doanh nghiệp đã được tiếp tục hỗ trợ tư vấn trực tuyến theo yêu cầu để nâng cao hơn nữa kiến thức về chiến lược kinh doanh và quản lý tài chính.

Visa cam kết hỗ trợ phát triển kinh tế và cộng đồngcác dân tộc thiểu số tại Việt Nam

Visa chia sẻ: Visa luôn đi đầu trong các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy thanh toán số và tiến trình gia nhập nền kinh tế số. Trong những năm qua, Visa đã triển khai hàng loạt chương trình ở nhiều mức độ tác động khác nhau, bao gồm hợp tác với Base.vn, SmartPay và các Hội nghị Khách hàng liên quan để liên tục hỗ trợ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Những nỗ lực này đánh dấu cột mốc mới của Visa – vượt mục tiêu cam kết số hóa 67 triệu doanh nghiệp SME trên toàn cầu.

Bà Đặng Tuyết Dung.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết: “Visa đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình để tạo điều kiện cho cộng đồng và nâng cao kiến thức tài chính trên khắp Việt Nam. Quan hệ hợp tác lâu dài của chúng tôi với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Dân tộc là minh chứng cho cam kết của Visa trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện. Chúng tôi tin rằng thông qua việc trang bị kiến thức và nguồn lực tài chính cho đồng bào dân tộc thiểu số, Visa có thể góp phần kiến tạo một tương lai tươi sáng và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.”

Chương trình Đào tạo Kỹ năng Quản lý Tài chính 2023 gắn liền với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (One Commune, One Product – OCOP) do Chính phủ Việt Nam khởi xướng. Bằng việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực trong đào tạo, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và kết nối thị trường, chương trình góp phần nâng cao đáng kể uy tín và chất lượng sản phẩm tại thị trường trong nước. Thông qua công cụ và sự am hiểu cần thiết để định hướng trong bối cảnh thương mại – tài chính, chương trình hứa hẹn sẽ tạo điều kiện cho một cộng đồng phát triển, công bằng và thịnh vượng trên khắp Việt Nam.

D.N.O.

Nguồn do Visa cung cấp.