Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Sau Tết Giáp Thìn 2024, 8 cái Tết nữa không có 30 Tết

Bữa nay là Rằm tháng Chạp năm Quý Mão nên A Phủ mới hé lộ thiên cơ. Tết Giáp Thìn 2024 này, nghĩa là còn 15 ngày nữa, bạn nên nhấm nháp cho thiệt đã những cảm xúc của ngày 30 Tết. Bởi phải tới 9 năm nữa, bạn mới được đón Giao thừa vào đêm 30 Tết. Trong 8 năm trời liên tiếp, từ 2025 đến 2032, bạn sẽ đón Giao thừa vào đêm 29 Tết, vì tháng Chạp sẽ là tháng thiếu, chỉ có 29 ngày.

  • Tết Giáp Thìn 2024 vào ngày thứ Bảy 10-2-2024 dương lịch. Có 30 Tết. Năm 2024 là năm nhuận dương lịch (leap year), tháng 2 có 29 ngày. Năm dương lịch là 366 ngày, năm âm lịch có tổng cộng là 353 ngày.
  • Têt Ất Tỵ 2025 vào ngày thứ Tư 29-1-2025 dương lịch. Chỉ có 29 Tết. Nhuận 2 tháng Sáu. Năm dương lịch là 365 ngày, năm âm lịch có tổng cộng là 383 ngày.
  • Tết Bính Ngọ 2026 vào ngày thứ Ba 17-2-2026 dương lịch. Chỉ có 29 Tết. Năm dương lịch là 365 ngày, năm âm lịch có tổng cộng là 353 ngày.
  • Tết Đinh Mùi 2027 vào ngày thứ Bảy 6-2-2027 dương lịch. Chỉ có 29 Tết. Năm dương lịch là 365 ngày, năm âm lịch có tổng cộng là 353 ngày.
  • Tết Mậu Thân 2028 vào ngày thứ Tư 26-1-2028 dương lịch. Chỉ có 29 Tết. Năm nhuận dương lịch, tháng 2 có 29 ngày. Nhuận 2 tháng Năm. Năm dương lịch là 366 ngày, năm âm lịch có tổng cộng là 383 ngày.
  • Tết Kỷ Dậu 2029 vào ngày thứ Ba 13-2-2029 dương lịch. Chỉ có 29 Tết. Năm dương lịch là 365 ngày, năm âm lịch có tổng cộng là 353 ngày.
  • Tết Canh Tuât 2030 vào ngày thứ Bảy 9-2-2030 dương lịch. Chỉ có 29 Tết. Năm dương lịch là 365 ngày, năm âm lịch có tổng cộng là 354 ngày.
  • Tết Tân Hợi 2031 vào ngày thứ Năm 23-1-2031 dương lịch. Chỉ có 29 Tết. Nhuận 2 tháng Ba. Năm dương lịch là 365 ngày, năm âm lịch có tổng cộng là 383 ngày.
  • Tết Nhâm Tý 2032 vào ngày thứ Tư 11-2-2032 dương lịch. Chỉ có 29 Tết. Năm nhuận dương lịch, tháng 2 có 29 ngày. Năm dương lịch là 366 ngày, năm âm lịch có tổng cộng là 354 ngày.
  • Tết Quý Sửu 2033 vào ngày thứ Hai 31-1-2033 dương lịch. Bắt đầu có lại 30 Tết (Chủ nhật 30-1-2033).

Gần đây nhất, vào năm Nhâm Dần 2022, Giao thừa vào ngày 29 Tết.

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Chiếu theo thiên văn học, âm lịch hiện hành được sắp xếp theo con số thiên văn vận hành của Trái đất, mặt trăng và mặt trời. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất chính là phải bảo đảm Trái đất, mặt trăng, mặt trời cùng nằm trên một đường thằng – thời điểm mà người quan trắc trên mặt đất không thấy mặt trăng. Đó là ngày mùng 1 của tháng âm lịch.

Thời gian mặt trăng từ tròn đến khuyết có chu kỳ bình quân là 29,53 ngày. Trong khi đó, số ngày của mỗi tháng bắt buộc phải là số chẵn, bởi thế nên mới dẫn đến trong âm lịch có tháng thừa (tháng đủ, có 30 ngày) và tháng thiếu (29 ngày).

(Nguồn ảnh: Vật Lý Thiên Văn. Thanks.)

Âm lịch có sự chênh lệch khá lớn so với dương lịch. Do một tháng âm lịch tính theo chu kỳ mặt trăng trung bình sẽ có 29,53 ngày, một năm âm lịch sẽ có 354 ngày, ngắn hơn tới 11 ngày so với năm dương lịch. Vị chi, cứ 3 năm là âm lịch ít hơn dương lịch 33 ngày. Vì vậy, để năm âm lịch vừa tròn một tuần trăng vừa không lệch với thời tiết bốn mùa, cứ 3 năm, âm lịch sẽ có thêm 1 tháng nhuận để cân bằng. Mặc dù vậy, do năm lịch dương vẫn còn nhanh hơn so với âm lịch, nên cứ mỗi 19 năm lại có một lần cách 2 năm sẽ thêm 1 tháng nhuận âm lịch.

Từ năm Giáp Thìn 2024 liên tục tới năm Tân Hợi âm lịch 2031 không có ngày 30 tháng Chạp (Nguồn: Phạm Vũ Lộc – Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam)

Còn cái vụ lần này có tới 8 năm liền chỉ có 29 Tết thì là đặc biệt, nhưng không lạ lùng do trong lịch sử vẫn xảy ra những lần như vậy. Đó chỉ là do cách sắp xếp làm lịch cỷa các nhà làm lịch. Cũng giống như từ năm Bính Thân (2016) đến năm Canh Tý (2020), liên tiếp 5 năm có tháng Chạp đủ (có 30 Tết). Chỉ có điều 30 Tết đã là chuyện mặc nhiên đối với người mình, lâu lâu mới có một năm đón Giao thừa vào đêm 29 Tết, nên chẳng ai để ý.

Chúng ta có quan ngại sâu sắc chăng là ở chỗ chỉ có 29 Tết thì thiếu một một ngày 30 Tết nên sẽ cập rập hơn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC