Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Phát triển hạ tầng số cho chuyển đổi số

Năm 2024 là năm nước rút để có thể đạt được những mục tiêu đầu tiên trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Chính phủ ban hành từ năm 2020. Và trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia hướng đến xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, hạ tầng cơ sở kỹ thuật số (gọi tắt là “hạ tầng số”) có vai trò quan trọng sống còn. Nếu ví chuyển đổi số là ngôi nhà, thì hạ tầng số chính là nền móng.

Hạ tầng số bao gồm nhiều thành phần cấu thành, cả vật chất (như hạ tầng viễn thông, hạ tầng mạng, hạ tầng dữ liệu,…) lẫn phi vật chất (các ứng dụng, công nghệ,..)

Theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT (Internet vạn vật), hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Phát triển hạ tầng số để phục vụ chuyển đổi số. (Ảnh: VNPT).

Không ít người trước nay vẫn nghĩ hạ tầng số là chuyện “quốc gia đại sự”, là những hệ thống mạng toàn quốc của các doanh nghiệp viễn thông lớn. Thật sự thì hạ tầng số còn ở cấp cục bộ ngay tại từng tổ chức, doanh nghiệp. Đó là cơ sở vật chất, các ứng dụng và công nghệ số của doanh nghiệp. Và các tổ chức chỉ có thể tiến hành chuyển đổi số trước hết trên nền tảng hạ tầng số của mình, để từ đó kết nối với hạ tầng số bên ngoài rộng khắp.

Giống như ngôi nhà vững bền và có thể xây dựng đa năng hay không là tùy ở cái nền móng, chuyển đổi số như thế nào cũng tùy thuộc vào chất lượng và khả năng của hạ tầng số.

Trong Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả”. Chính phủ chỉ đạo: “Phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng.” Cũng theo Quyết định của Thủ tướng này, việc xây dựng hạ tầng số là nhiệm vụ hàng đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Để làm được điều này cần có sự liên kết chặt chẽ của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân từ trung ương đến địa phương.  

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ khánh thành Trung tâm Dữ liệu của Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) ở Hòa Lạc (Hà Nội) ngày 25-10-2023 đã nhấn mạnh: Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Hạ tầng số bao gồm nhiều thành phần hợp thành, như cơ sở vật chất, bao gồm các hệ thống mạng lưới, các trung tâm dữ liệu,… Trong đó, hạ tầng dữ liệu được đánh giá có tầm quan trọng bậc nhất. Bởi lẽ các lĩnh vực của chuyển đổi số phải vận hành dựa trên cơ sở dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu lớn (Big data).

Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu ngày càng lớn, nhất là bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), khối lượng cơ sở dữ liệu trên thế giới chưa bao giờ tăng nhanh như gần đây. Theo Rivery, một công ty chuyên về dữ liệu của Israel, có tới 90% dữ liệu của thế giới hiện nay đã được tạo ra chỉ trong vòng 2 năm qua. Và bình quân cứ mỗi 2 năm, khối lượng dữ liệu trên thế giới sẽ tăng gấp đôi. Vì thế, nhu cầu về dữ liệu, bao gồm lưu trữ, xử lý, phân tích,… đang tăng cao chưa từng có. Đó là lý do mà cả thế giới đang nỗ lực xây dựng thêm nhiều trung tâm dữ liệu và hệ thống mạng kết nối, cùng với các hệ thống điện toán hiệu năng cao.

Riêng Việt Nam, hiện có khoảng 30 trung tâm dữ liệu thương mại vừa và nhỏ phục vụ cho nhu cầu dữ liệu cả nước. Chỉ có điều, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có được một trung tâm dữ liệu loại lớn nào (có ít hất 5.000 rack). Ngay cả trung tâm dữ liệu lớn nhất nước hiện nay, là Trung tâm Dữ liệu của VNPT ở Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc (Hà Nội) vừa khánh thành hồi tháng 10-2023 với dung lượng 2.000 rack cũng chỉ thuộc loại vừa. Vì thế, Bộ trưởng TT&TT đã chỉ đạo: “”Các nhà mạng viễn thông đã đi đầu về hạ tầng viễn thông thì nay phải đi đầu về hạ tầng dữ liệu. Đầu tư trung tâm dữ liệu là đầu tư mới của các nhà mạng viễn thông, không đầu tư vào đây thì nhà mạng không có không gian tăng trưởng mới và sẽ bị thay thế.”

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, hồi cuối tháng 10-2023 cho biết: “Dự kiến trong thời gian tới, Tập đoàn VNPT sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác và nhà đầu tư để xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu mới tầm cỡ khu vực và thế giới, sử dụng công nghệ xanh và bền vững. Điều này khẳng định vai trò của VNPT trong việc đồng hành cùng chính phủ và doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số quốc gia, hướng tới mục tiêu trở thành Digital Hub của khu vực.”

Tại tỉnh Long An, hạ tầng số được triển khai song song đồng bộ với hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác. Tỉnh đặt ra yêu cầu phát triển hạ tầng số chất lượng cao, băng thông rộng, đáp ứng nhu cầu kết nối và xử lý dữ liệu. Mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 90% người sử dụng Internet; 92% hộ gia đình có kết nối Internet; 100% cơ quan và tổ chức nhà nước, 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số; ứng dụng AI, blockchain, IoT,…vào các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Cách làm của Long An là ưu tiên thu hút các nguồn lực xã hội vào phát triển hạ tầng số, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân và mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông

Thực tế có thể nói rằng, Việt Nam hiện nằm trong số những nước hàng đầu thế giới về phát triển hạ tầng số, chí ít là về việc phủ kết nối mạng. Theo số liệu của Cổng Thông tin điện tử Chuyển đổi số quốc gia, hạ tầng viễn thông, di động 3G và 4G hiện phủ sóng toàn quốc tới 99,73% thôn bản. Mạng truyền số liệu chuyên dụng đã kết nối được với 100% cơ quan Nhà nước từ trung ương tới cơ sở, và toàn bộ các địa phương từ tỉnh thành tới xả phường. Mạng này có vai trò là hạ tầng truyền dẫn cơ bản để kết nối giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước. Ngày từ tháng 3-2019, Việt Nam đã khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Đây là bước cơ bản cho quá trình chuyển đổi số, là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số.

Cà Mau, tỉnh nằm cuối bản đồ Việt Nam, đã trở thành 1 trong số 95 cơ quan Trung ương, địa phương hoàn thành 100% kết nối liên thông văn bản quốc gia ngay vào thời điểm trục này khai trương. UBND tỉnh đã ban hành quyết định làm căn cứ pháp lý để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử có ký số, tiến tới thay thế văn bản giấy. Trong hơn 6 tháng đầu của năm 2019, có hơn 3.100 văn bản của tỉnh đã gửi, nhận với các cơ quan Trung ương và địa phương thông qua Trục liên thông quốc gia tiện lợi và nhanh chóng.

Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (thuộc Bộ TT&TT) cho biết: Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ sử dụng điện toán đám mây và 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp nội cung cấp.

Điều đó càng đặt ra yêu cầu đáp ứng rất lớn về hạ tầng số cho các doanh nghiệp chủ đạo.

  • Bài in trên báo Người Lao Động thứ Tư 21-2-2024 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC