Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Việt Nam đi ra thế giới trên cỗ xe công nghệ

Thế giới đã được trải nghiệm công nghệ mạng di động 5G “Make in Vietnam”. Điều tưởng như không tưởng đó đã diễn ra tại Hội nghị Thế giới Di động MWC 2024 ở Barcelona (Tây Ban Nha) hồi hạ tuần tháng 2-2024 khi Tập đoàn Viettel lần thứ 7 tham dự sự kiện toàn cầu quan trọng nhất và lớn nhất thế giới về di động này.

Viettel giới thiệu trợ lý ảo Human AI Vi An tại sự kiện toàn cầu MWC Barcelona 2024. (Ảnh: Viettel).

Chipset 5G và Vi An – con người trí tuệ nhân tạo AI (Human AI) được công bố tại đây là 2 điểm thu hút trong số 17 giải pháp và sản phẩm công nghệ “Made by Viettel” được Viettel giới thiệu tại MWC Barcelona 2024. Và đây không phải là lần đầu Viettel giới thiệu với cộng đồng thế giới những thành quả công nghệ từ chất xám Việt Nam và thế mạnh công nghệ Việt Nam.

Viettel – một doanh nghiệp Nhà nước – đã nhạy bén vươn ra biển lớn thế giới từ rất sớm. 17 năm sau ngày thành lập (tháng 6-1989), vào đầu năm 2006, Viettel quyết định đầu tư ra nước ngoài, trong khi các hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong nước của Viettel cũng còn rất nhiều việc phải làm, nếu không nói là gặp nhiều khó khăn. Và đến năm 2018, chỉ sau 10 năm ra khơi, Viettel đã kinh doanh tại thị trường 10 nước ở Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ. Năm 2022, hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel lần đầu tiên đạt doanh thu dịch vụ gần 3 tỷ USD (hơn 70.000 tỷ đồng) – tương đương với viễn thông trong nước, đóng góp 50% doanh thu dịch vụ viễn thông của Tập đoàn.

Viettel giới thiệu nhóm sản phẩm 5G thuộc hệ sinh thái cơ sở hạ tầng ORAN tại sự kiện toàn cầu MWC Barcelona 2024. (Ảnh: Viettel).

Hồi tháng 8-2023, Viettel tiếp tục có tên trong danh sách Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Brand Finance công bố. Viettel được định giá gần 9 tỷ USD, tiếp tục trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đồng thời là thương hiệu viễn thông giá trị nhất Đông Nam Á. Các chuyên gia của Brand Finance đánh giá Viettel liên tục trở thành thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam nhờ mở rộng thành công ra thị trường quốc tế.

Người Việt Nam có thể kém cạnh người Âu Mỹ ở một số khía cạnh nào đó, nhưng không ai có thể phủ nhận được tố chất nhanh nhạy và tài năng về công nghệ của người Việt Nam – nói gọn là “chất xám công nghệ Việt”. Theo các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia, trở thành một cái tên, một tay chơi trên trường quốc tế trên cỗ xe công nghệ. Trong khi không thể kể hết có bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ, cá nhân từ Việt Nam lâu nay đang âm thầm góp mặt trên thị trường công nghệ thế giới, những “ông lớn công nghệ” Việt Nam như Viettel, FPT, CMC, VNPT, Vingroup,… quả thật đã tạo được những dấu ấn Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Có thể nói rằng, Việt Nam đang là một “tay chơi mới nổi” trên sân chơi công nghệ toàn cầu.

FPT Software tại thị trường Nhật Bản. (Ảnh: FPT).

Thông tin tạo hưng phấn và động lực cho các con tàu công nghệ Việt chinh phục đại dương toàn cầu khi Tập đoàn FPT vào những tháng cuối năm 2023 công bố đã cán mốc doanh thu 1 tỷ USD từ các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) ở nước ngoài (tại 3 thị trường trọng điểm: Nhật Bản, Châu Mỹ và Châu Á – Thái Bình Dương). Sau hơn 2 thập kỷ tích lũy kinh nghiệm trên thị trường toàn cầu, FPT đã xây dựng được năng lực chuyên sâu trong các lĩnh vực chuyên ngành có tiềm năng phát triển rộng trong tương lai. Và trong vòng 3 năm gần nhất, FPT đạt đạt tăng trưởng gấp đôi để đạt con số 1 tỷ USD đó. Trong đó có 21% đến từ lĩnh vực công nghệ phần mềm ô tô và sản xuất, 11% đến từ lĩnh vực tài chính – ngân hàng, 11% đến từ năng lượng,…

FPT Software ở Hàn Quốc. (Ảnh: FPT).

FPT có được trong tay thứ “vũ khí tuyệt đối”, hay có thể gọi là “bí kíp”, khi chinh chiến trên các thương trường quốc nội và quốc tế, đó là tinh thần máu lửa khát vọng, lan tỏa từ lãnh đạo đến từng nhân viên bán hàng. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, từng chia sẻ: “35 năm trước, chúng tôi đã nói tâm nguyện của mình góp phần làm hưng thịnh quốc gia bằng khoa học công nghệ. Ngày ấy, chúng tôi không biết phần mềm là gì, nhưng ý tưởng đi lên bằng công nghệ giúp đời sống nhân dân và đất nước tốt đẹp hơn từ ngày đó đến ngày hôm nay vẫn không thay đổi.”

Tương đồng quan điểm đó, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, chia sẻ: Muốn ra nước ngoài thì khát vọng phải cao, tự tin phải lớn, có đủ tự hào. Theo ông, bài học “go global” từ Viettel là: các doanh nghiệp Việt cần khảo sát, đánh giá kỹ về tình hình chính trị, kinh tế xã hội, luật pháp trước khi quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, phải tập trung nguồn lực để triển khai nhanh nhằm tận dụng cơ hội, nâng cao hiệu quả dự án. Các doanh nghiệp Việt cũng cần gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương sở tại, thượng tôn pháp luật, tham gia xây dựng chính sách, kinh doanh nhưng phải gắn liền với lợi ích xã hội bản địa.

Các chuyên gia nói rằng: Muốn “đem chuông đi gõ nước ngoài”, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có các sản phẩm, dịch vụ đạt được các chuẩn quốc tế có uy tín, được chứng nhận. Chiến lược thông minh là có thể kết hợp cùng các “ông lớn” quốc tế, đồng thời có được mối quan hệ hợp tác và đối tác với các doanh nghiệp lớn tại địa phương.

Các doanh nghiệp công nghệ Viêt ra nước ngoài không đơn độc một mình. Bên cạnh sự cộng hưởng từ các “đồng hương”, họ cần lực đẩy từ phía sau làm chỗ dựa từ chính Nhà nước. Đó là một quốc sách phát triển và bền vững hòa nhập cùng hành tinh.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 6-3-2024 và trên báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC