Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Chỉ số Sẵn sàng Cisco: chỉ có một số ít công ty tại Việt Nam đã sẵn sàng đối phó với những rủi ro về an ninh mạng

Cisco Việt Nam ngày 28-3-2024 cho biết: Chỉ có 6% tổ chức tại Việt Nam đạt được mức độ sẵn sàng “trưởng thành” (“mature” level of readiness) cần thiết để đối phó với những rủi ro về an ninh mạng ngày nay, theo nghiên cứu Chỉ số Sẵn sàng An ninh mạng 2024  (2024 Cybersecurity Readiness Index) của Cisco.

Chỉ số Sẵn sàng An ninh mạng 2024 của Cisco được phát triển trong một thời đại được định nghĩa bởi sự kết nối mạnh mẽ và một bối cảnh rủi ro mạng cũng đang tiến triển ngày một nhanh chóng. Ngày nay, các công ty tiếp tục bị tấn công mạng bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, từ lừa đảo qua email, mã độc hại đòi tiền chuộc (ransomware) đến các cuộc tấn công vào chuỗi cung ứng và phương thức tấn công kỹ thuật xã hội (social engineering attacks). Mặc dù các tổ chức đang xây dựng các hàng rào phòng thủ chống lại những cuộc tấn công này, họ vẫn gặp khó khăn trong việc đối phó với chúng, bởi quá phức tạp khi phải quản lý nhiều giải pháp bảo mật khác nhau.

Cisco lưu ý: Những thách thức này thậm chí còn gia tăng trong môi trường làm việc phân tán ngày nay, nơi dữ liệu có thể trải rộng vô hạn qua rất nhiều dịch vụ, thiết bị, ứng dụng và người dùng. Tuy nhiên, 71% số công ty vẫn cảm thấy tự tin từ trung bình đến rất tự tin về khả năng phòng thủ trước một cuộc tấn công mạng với cơ sở hạ tầng hiện tại của họ – sự không đồng đều giữa sự tự tin và mức độ sẵn sàng cho thấy các công ty có thể đã tự tin sai lầm về khả năng đối phó với rủi ro và có thể không đánh giá đúng quy mô thực sự của những thách thức mà họ đang đối mặt.

Chỉ số Sẵn sàng An ninh mạng 2024 của Cisco: Các công ty chưa sẵn sàng và đang tự tin quá mức trong việc đối phó với bối cảnh rủi ro đang tiến triển

Chỉ số này đánh giá sự sẵn sàng của các công ty dựa trên 5 trụ cột chính: Thông tin danh tính (Identity Intelligence), Khả năng phục hồi mạng (Network Resilience), Độ tin cậy của máy (Machine Trustworthiness), Tăng cường đám mây (Cloud Reinforcement), và Củng cố bảo mật bằng trí tuệ nhân tạo (AI Fortification). Các trụ cột này bao gồm 31 giải pháp và khả năng tương ứng. Chỉ số được xây dựng dựa trên một cuộc khảo sát mù kép (double-blind survey) của hơn 8.000 lãnh đạo an ninh và kinh doanh trong khu vực tư nhân trên 30 thị trường toàn cầu, do một bên thứ ba độc lập tiến hành. Những người tham gia khảo sát được yêu cầu chỉ ra những giải pháp và khả năng họ đã và đang triển khai. Các công ty sau đó được phân loại thành 4 giai đoạn của sự sẵn sàng tăng cường: Mới bắt đầu – Beginner, Đang hình thành – Formative, Tiến bộ – Progressive, và Trưởng thành – Mature. (Khảo sát double-blind là một trong những phương pháp đánh giá nghiên cứu khoa học phổ biến và được ưa chuộng hiện nay. Trong đó, cả đối tượng được nghiên cứu và cả các nhà khoa học đều được “làm mù”. Ví dụ: Cả thuốc thật và giả dược có hình dạng y hệt nhau – về màu sắc và hương vị – được phát cho các nhóm đối tượng).

Ông Jeetu Patel, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Tổng Giám đốc khối Bảo mật và Cộng tác tại Cisco, nói: “Chúng ta không thể đánh giá thấp mối đe dọa từ sự tự tin của chính mình. Các tổ chức ngày nay cần ưu tiên đầu tư vào các nền tảng tích hợp và tận dụng trí tuệ nhân tạo để hoạt động ở quy mô máy móc và cuối cùng là đẩy cán cân lợi thế về phía của những người phòng vệ.”

Kết quả nghiên cứu

Tổng thể, nghiên cứu cho thấy chỉ có 6% công ty tại Việt Nam được khảo sát đã sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa ngày nay, trong đó 56% tổ chức thuộc giai đoạn Mới bắt đầu hoặc Đang hình thành. Trên toàn cầu, chỉ có 3% công ty ở giai đoạn Trưởng thành. Dưới đây là những điểm nổi bật:

  • Dự kiến sự cố về an ninh mạng trong tương lai: 88% người tham gia khảo sát cho biết họ dự kiến một sự cố về an ninh mạng sẽ gây gián đoạn cho hoạt động kinh doanh của họ trong vòng 12 đến 24 tháng tới. Hậu quả của việc không chuẩn bị có thể rất lớn, khi 82% người tham gia khảo sát cho biết họ đã gặp phải một sự cố về an ninh mạng trong 12 tháng qua, và 60% trong số họ cho biết chi phí của sự cố này tiêu tốn ít nhất là 300.000 USD.
  • Quá nhiều giải pháp bảo mật: Phương pháp truyền thống là áp dụng nhiều giải pháp an ninh mạng đã không mang lại hiệu quả, khi 83% người tham gia khảo sát thừa nhận rằng việc sử dụng nhiều giải pháp bảo mật khác nhau đã làm chậm khả năng của đội ngũ trong việc phát hiện, phản ứng và phục hồi sau sự cố. Điều này đặt ra những lo ngại quan trọng, khi 55% tổ chức cho biết họ đã triển khai 10 hoặc nhiều hơn giải pháp điểm trong ngăn xếp bảo mật của họ; trong khi 21% cho biết họ đã triển khai 30 hoặc nhiều hơn.
  • Thiết bị không an toàn và không được quản lý làm gia tăng độ phức tạp: 95% công ty được khảo sát cho biết nhân viên của họ truy cập các nền tảng công ty từ các thiết bị không được quản lý, và 44% trong số họ dành một phần năm (20%) thời gian của mình đăng nhập vào mạng công ty từ các thiết bị không được quản lý. Ngoài ra, 27% báo cáo rằng nhân viên của họ di chuyển qua ít nhất 6 mạng trong vòng một tuần.
  • Khoảng trống về nhân lực an ninh mạng vẫn tồn tại: Tiến triển của mức độ sẵn sàng bảo mật của các tổ chức bị hạn chế thêm bởi tình trạng thiếu hụt nhân tài quan trọng, khi 97% công ty tham gia khảo sát nhấn mạnh thực trạng này là một vấn đề của tổ chức. Thậm chí, 52% công ty cho biết tại thời điểm khảo sát, tổ chức họ có hơn 10 vị trí liên quan đến an ninh mạng vẫn còn chưa tuyển được.
  • Đầu tư an ninh mạng trong tương lai đang gia tăng: Các công ty được khảo sát nhận thức về thách thức bảo mật và đang tăng cường hệ thống phòng thủ của mình với 74% trong số đó có kế hoạch nâng cấp đáng kể hạ tầng công nghệ thông tin trong 12 đến 24 tháng tới. Đây là một sự gia tăng đáng kể so với tỷ lệ 65% công ty có kế hoạch làm như vậy vào năm trước. Đáng chú ý, có 72% tổ chức có dự định nâng cấp các giải pháp hiện tại triển khai các giải pháp mới (64%), và đầu tư vào các công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo (66%). Hơn nữa, gần như tất cả (99%) công ty tham gia khảo sát dự kiến sẽ tăng ngân sách an ninh mạng trong 12 tháng tới, và 89% người tham gia khảo sát cho biết ngân sách của họ sẽ tăng ít nhất 10% hoặc nhiều hơn.

Bà Bee Kheng Tay, Chủ tịch phụ trách Cisco Khu vực ASEAN, cho biết: “Trong bối cảnh mối đe dọa càng ngày càng phức tạp hơn bao giờ hết, các tổ chức trên toàn cầu bao gồm cả ở Việt Nam tiếp tục tỏ ra kém linh hoạt về khả năng phục hồi trong không gian mạng. Các công ty cần áp dụng một chiến lược tiếp cận có nền tảng nhằm cung cấp một giao diện tích hợp đơn giản và an toàn để hiển thị tất cả toàn bộ cấu trúc mạng của mình, giúp tăng cường vị thế bảo mật và tận dụng tốt nhất các cơ hội đến từ các công nghệ mới”

Theo Cisco, để vượt qua những thách thức của bối cảnh rủi ro ngày nay, các công ty cần tăng cường đầu tư có ý nghĩa vào an ninh mạng, bao gồm việc áp dụng các biện pháp an ninh đổi mới và tiếp cận một cách có hệ thống thông qua các nền tảng, tăng cường khả năng phục hồi mạng, thiết lập việc sử dụng có ý nghĩa của AI tạo sinh (generative AI), và tăng cường tuyển dụng để thu hẹp khoảng cách về kỹ năng an ninh mạng.

  • Bạn đọc có thể download bản đầy đủ của báo cáo 2024 Cisco Cybersecurity Readiness Index tại đây.

H.N.W.

Nguồn do Cisco cung cấp.