Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương mùng Mười tháng Ba
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.
Ca dao rành rành bao đời nay đã ghi như vậy mà A Phủ năm nay lại quên. Tầm này thì không thể đổ thừa là “bận trăm công nghìn việc” nên quên, mà thời đại này thì chỉ có thể là do quá lậm coi phim series trên Netflix.
Thôi thì con cháu A Phủ xin khấu đầu tạ tội cùng Quốc Tổ.
Ảnh từ Internet. Thanks.
Tối qua, thấy nhóc cháu tới 23 giờ rưỡi mà vẫn còn thức coi Pokemon, A Phủ nhắc từ bên ngoài cửa rằng: “Bạn thân giờ này chưa ngủ thì sáng mai làm sao dậy sớm nổi để đi học.” Rồi sáng nay, thức dậy, chờ tới hơn 7g sáng mà “bạn thân” chưa thấy xuống nhà chuẩn bị ăn sáng đi học, A Phủ hoang mang lo lắng, hỗng biết “long thể” bạn ấy có “gặp khó khăn” gì không? Ngó ra ngoài đường lại lấy làm lạ vì sáng nay sao không thấy bóng dáng nam sinh, nữ sinh nào đi học ngang nhà. Lòng bất an, A Phủ bèn khoét vách hỏi cô hàng xóm mới biết bữa nay cả nước nghỉ lễ Giỗ Tổ. Thiệt là “pậy pạ” hết sức A Phủ ơi.
Bữa rồi có bạn hỏi: “Tui sinh ra ở Mỹ, nhưng có mẹ người Việt, vậy có phải làm đám giỗ Quốc Tổ không?” A Phủ bèn giải thích rằng: Vua Hùng được coi là quốc tổ, là ông tổ của dân tộc Việt. Vì thế, hễ ai có dòng máu Việt, dù nồng độ bao nhiêu phần trăm, đậm đặc nguyên chất hay pha loãng cocktail, cũng đều là con cháu của Vua Hùng. Vậy thì hễ thấy có ghi quốc tịch gốc Việt (như Vietnamese American) là có ADN của Vua Hùng rồi. Đại từ điển bách khoa Wikipedia giải thích: “Vietnamese Americans are Americans of Vietnamese ancestry.” (Người Mỹ gốc Việt là người Mỹ có tổ tiên là người Việt Nam). Còn có mần đám giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba hay không thì tùy tâm và quan niệm của mỗi người thôi. Ngay cả người Việt ở trong nước mà ngày Giỗ Tổ còn bị phai nhạt dần đi, quên tới quên lui như A Phủ thì… à mà thôi. Hư lắm đó A Phủ ơi, có cô giáo là bị đét đít đó. Hễ khi mình còn khấn vái “ông bà tổ tiên phù hộ” thì “tổ tiên” ở đây nhìn xa trông rộng ắt bao gồm cả Tổ phụ Lạc Long Quân và Tổ mẫu Âu Cơ.
A.P.
Ảnh từ Internet. Thanks.