Thứ Ba ngày 21 tháng 1 năm 2025

Ứng dụng AI tại Việt Nam có những thách thức

Việt Nam được đánh giá ở hạng 59/193 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ sẵn sàng của các chính phủ trên toàn thế giới trong việc khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp dịch vụ công cho người dân một cách hiệu quả (theo Báo cáo Chỉ số Sẵn sàng Ứng dụng AI của Chính phủ – Gevernment AI Readiness Index 2023 do Oxford Insights của Anh xây dựng và công bố). Năm 2023, Việt Nam tăng 19 hạng so với năm trước.

Nếu xét trong khu vực Đông Á, Việt Nam được xếp thứ 9/18 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, với điểm số tổng cộng 54,48 (cao hơn mức trung bình 51,41 điểm của khu vực). Còn trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5 trong 11 nước (sau Singapore – số 1 khu vực Đông Á, và tiếp theo Malaysia, Thái Lan và Indonesia).

Với đặc thù của mình có một nền tảng chính trị ổn định và bao trùm thống nhất, Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt quản lý Nhà nước trong việc tham gia cuộc chơi và xu thế AI toàn cầu. Ngay từ đầu năm 2021, Thủ tướng đã có quyết định ban hành “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”. Đây chính là nền tảng và yếu tố pháp lý cho việc triển khai AI ở Việt Nam.

Tập đoàn VNPT ứng dụng AI phát triển sản phẩm phần mềm. (Ảnh do VNPT cung cấp).

Cụ thể hơn, Việt Nam đã đặt mục tiêu trong tương lai gần, đến năm 2025 sẽ đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của quốc gia. Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Xây dựng được 5 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển được 1 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; hình thành được 2 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI; gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về AI và tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI ở Việt Nam; Nâng cấp, hình thành mới được 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo trọng điểm về AI.

Việt Nam có kỳ vọng ứng dụng AI để góp phần xây dựng xã hội sáng tạo, chính phủ hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững. Cụ thể, AI sẽ được ứng dụng rộng rãi trong hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân.

Nhưng thực tế, khi triển khai, các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn chiếm tới trên 97% tổng số doanh nghiệp cả nước (theo Tổng cục Thống kê), đã gặp phải những thách thức khó vượt qua về việc ứng dụng AI trong hoạt động của mình.

Khảo sát của Cisco (Mỹ) về Mức độ Sẵn sàng về AI (AI Readiness Index), được công bố vào tháng 11-2023, cho biết: Chỉ có khoảng 27% tổ chức tại Việt Nam đã trong tâm thế hoàn toàn sẵn sàng để triển khai và ứng dụng AI. Số có mức độ chuẩn bị trung bình chiếm đa số (42%) và kế đó là có mức chuẩn bị thấp (30%). Chỉ có 1% công ty là chẳng chuẩn bị gì cho AI cả. Các số liệu này cho thấy có tới 99% số công ty của Việt Nam đã hiểu được tầm quan trọng và có ý thức về việc triển khai AI trong hoạt động của mình (cũng có nhiều công ty theo trào lưu). Vấn đề đáng nói ở đây là số lượng công ty chuẩn bị chưa tốt còn quá lớn.

(Ảnh: Intel)

Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Khối Kinh doanh, Marketing, và Truyền thông SMCG, Tập đoàn Intel, nhận định rằng: Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu đưa AI vào các hoạt động quản trị và điều hành để chuẩn bị cho một tương lai với AI đóng vai trò trọng tâm, đặc biệt trong lĩnh vực như sản xuất, ngân hàng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và thương mại điện tử. Từ năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp đã cạnh tranh nhau trong việc áp dụng AI vì sợ bỏ lỡ công nghệ này, nhưng lại thiếu tầm nhìn và kế hoạch rõ ràng, dẫn đến sau khi triển khai AI mà hiệu quả kinh doanh lại không rõ ràng hoặc thấp hơn mong đợi. Nhìn chung, đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp phải những thách thức khi triển khai công nghệ AI. Có hai lý do nổi bật là: doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cân bằng chi phí và lập chiến lược khai thác công nghệ AI hiệu quả; bên cạnh đó là những thách thức vĩ mô liên quan đến các quy định của Nhà nước và nguồn nhân lực chuyên môn cho AI.

Ai cũng hiểu một thực tế là việc triển khai AI có “chi phí sở hữu quá cao”. Nếu mỗi doanh nghiệp phải tự phát triển một trợ lý AI, mô hình AI riêng, chi phí đầu tư cho phần mềm và phần cứng sẽ vượt quá khả năng tài chính của phần lớn doanh nghiệp.

Vì thế, giải pháp “con nhà nghèo” trong việc triển khai AI ở Việt Nam rất cần cho cộng đồng doanh nghiệp. Ưu thế của giải pháp khả thi này là tính linh hoạt, đa dạng và thích ứng. Với sự điều phối và hỗ trợ của Nhà nước, Việt Nam có thể xây dựng những doanh nghiệp AI lớn để cung cấp các giải pháp ứng dụng AI cho các doanh nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả và ít tốn kém. Ông Nguyễn Tiến Cường, Giám đốc VNPT AI thuộc Tập đoàn VNPT, cho biết: Để một doanh nghiệp công nghệ xây dựng AI riêng cần 4 trụ cột: con người, hạ tầng, tri thức (dữ liệu), chiến lược cụ thể đầu tư dài hạn. Và điều này nằm trong tầm tay của các “ông lớn” công ngệ số của Việt Nam. Bằng chứng là trong thời gian qua đã có hàng loạt giải pháp ứng dụng, nền tảng, trợ lý ảo AI “Make in Vietnam” được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, từ công tới tư, mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn như công nghệ định danh điện tử (eKYC) được nâng cấp với AI đang được nhiều ngân hàng ứng dụng để cải thiện khâu xác thực, xác minh khách hàng. Trong giai đoạn bùng nổ dịch COVID-19, ngành y tế đã ứng dụng các trợ lý AI voice bot thực hiện hàng triệu cuộc gọi, hỗ trợ kiểm soát, sàng lọc và truy vết các ca nhiễm. AI cũng được ứng dụng trong giáo dục, thương mại để đa dạng hóa cách truyền tải nội dung, cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm… Hồi tháng 5-2013, Quận Cầu Giấy (Hà Nội) trở thành địa phương đầu tiên ứng dụng ChatGPT để xây dựng AI chatbot hỗ trợ hỏi – đáp thủ tục hành chính công 24/7, giúp người dân tiếp cận một cách dễ dàng hơn với các dịch vụ công, đồng thời tạo tiền đề cho việc ứng dụng AI vào nhiều lĩnh vực khác trên địa bàn quận.

Theo ý kiến của ông Phùng Việt Thắng từ Intel Việt Nam, để ứng dụng AI, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần một nền tảng công nghệ linh hoạt với khả năng mở rộng. Một môi trường điện toán phức hợp (integrated compute environment) và hệ sinh thái mở (open ecosystem) cho phép doanh nghiệp làm việc với bất kỳ nhà cung cấp nào để lựa chọn được công cụ phần cứng và phần mềm phù hợp cho nhu cầu công việc. Đây sẽ là chìa khóa để vừa giảm chi phí, vừa đạt được độ tin cậy cao, hiệu năng và bảo mật tốt hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thay đổi quan niệm về AI, thay vì coi AI là mục tiêu thì nên coi AI như một công cụ giúp đạt tới mục tiêu lớn nhất của doanh nghiệp. Cụ thể, thay cho việc đầu tư bằng mọi giá để sở hữu một mô hình GenAI thế hệ mới, doanh nghiệp nên tập trung vào việc ứng dụng AI giúp tăng tốc quá trình kinh doanh của mình.

NGÔ LÊ