Thứ Sáu ngày 24 tháng 1 năm 2025

Bệnh án điện tử rất cần nhưng quá chậm

Bệnh án điện tử EMR nói ngắn gọn là phiên bản số hóa của bệnh án giấy truyền thống. Đây là một thành phần cấu thành của y tế số và là một trong các mục tiêu chiến lược trong chuyển số số y tế quốc gia.

Theo Điều 2 của Thông tư 46/2018/TT-BYT Quy định Hồ sơ bệnh án điện tử do Bộ Y tế ban hành ngày 28-12-2018, hồ sơ bệnh án điện tử được lập, cập nhật, hiển thị, ký số, lưu trữ bằng phương tiện điện tử đáp ứng các quy định của Thông tư này thì có giá trị pháp lý như hồ sơ bệnh án giấy quy định tại Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Bệnh án điện tử sẽ giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh. Đồng thời nó sẽ giảm thiểu thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà cho cả bệnh nhân lẫn người nhà bệnh nhân. Khi có bệnh án điện tử, người bệnh không phải lưu trữ và mang theo tất cả loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh.

Bệnh án điện tử được liên thông cũng cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở khám chữa bệnh, giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Các bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án điện tử của người bệnh từ bất kỳ nơi nào có Internet; tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy.

Theo lộ trình đã được Bộ Y tế đưa ra trong Thông tư 46/2018/TT-BYT, đến năm 2023, Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng 1 trở lên phải chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Và đến năm 2028. Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Thế nhưng trong thời gian qua, việc triển khai bệnh án điện tử thực tế là rất chậm.

Báo cáo tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy và thanh toán không dùng tiền mặt ở các cơ sở khám, chữa bệnh” cho thấy: tính tới tháng 8-2024, cả nước mới có 94 cơ sở khám, chữa bệnh công bố đã triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Đáng chú ý, trong số 135 bệnh viện hạng 1 mà theo lộ trình của Bộ Y tế đến năm 2023 phải triển khai bệnh án điện tử, đến nay mới có 32 đơn vị thực hiện được. Số liệu trên Cổng thông tin Bộ Y tế vào ngày 21-10-2024 cho thấy mới có 100 bệnh viện trên cả nước đã triển khai bệnh án điện tử. Con số này rất nhỏ so với tổng cộng khoảng 1.800 bệnh viện công và tư trên cả nước.

Riêng tại TP HCM, theo số liệu do đại diện Sở Y tế đưa ra hồi cuối tháng 5-2024, TP đã có đã có 44/55 bệnh viện xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử EMR (đạt 80%). Tuy nhiên, chỉ có 4 bệnh viện đã có bệnh án điện tử được Bộ Y tế thẩm định (có 2 bệnh viện đã công bố là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Nhi đồng thành phố). Có đến 51 bệnh viện (chiếm 92,7%) chưa đủ điều kiện thẩm định bệnh án điện tử,

Vì sao, bệnh án điện tử rất cần và rất hữu ích cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân là được triển khai chậm chạp như vậy? Tại hội thảo nói trên, PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế, đã đưa ra các nguyên nhân khiến việc triển khai bệnh án điện tử bị ì ạch. Một là, ban lãnh đạo bệnh viện, cụ thể là giám đốc, thiếu quyết tâm hay cứ chờ đợi chỉ đạo từ cấp trên. Hai là, những người thực hiện trong bệnh viện ngại phải thay đổi thói quen, nề nếp làm việc truyền thống bao năm qua. Ba là, kinh phí triển khai còn thiếu, cần có cơ chế tài chính phù hợp. Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa bệnh viện và Bảo hiểm Y tế trong việc thanh toán các khoản xét nghiệm đã được số hóa.

Hội Tin học Y tế đề xuất song song với việc tiếp tục tập huấn về triển khai bệnh án điện tử cho các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế các địa phương lập đoàn kiểm tra và xử phạt đối với cơ sở không thực hiện.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 23-10-2024 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN