Nghĩ chút chút về chuyến “Tây du” bộ hành của Thầy Minh Tuệ đến Ấn Độ
A Phủ theo dõi chuyến Tây du bộ hành của thầy Thích Minh Tuệ và 5 nhà tu hành đồng hành đến đất Phật Ấn Độ ngay từ trước khi khởi hành tại biên giới Việt Nam – Lào từ ngày 12-12-2024. A Phủ ví đây như một cuộc “Tây du ký 4.0” thời hiện đại, dù không phải để thỉnh kinh mà là để giác ngộ và đắc đạo.
Thầy Thích Minh Tuệ và đoàn bộ hành trên đất Lào tháng 12-2024. (Ảnh cắt từ video trên YouTube của bạn Lê Khả Giáp. Thanks.)
Cảm ơn hai bạn Lê Khả Giáp (Travel YouTuber) và Đoàn Văn Báu đã có duyên để được trợ duyên các thầy trong suốt hành trình. Các bạn đã hy sinh nhiều thứ (như bạn Giáp vẫn bộ hành cùng thầy khi vợ mình sắp sinh đứa con đầu lòng); thậm chí hứng chịu nhiều điều tiếng, có cả xúc phạm rất khó nghe, nghiệt ngã từ một bộ phận cộng đồng mạng – mà người thiện lành ắt hiểu động cơ (mong các bạn buông bỏ để tâm an chân cứng đá mềm).
Thế nhưng, A Phủ chỉ theo dõi trên YouTube cuộc “Tây du” đó được ít ngày rồi đành “buông bỏ”. Lý do rất đơn giản chỉ vì A Phủ cám cảnh cho những người mộ đạo sùng kính thầy Minh Tuệ. Thương họ quá thể.
Phải công nhận là các Phật tử ở Lào, đông nhất là người Việt định cư làm việc bên đó, rất dễ thương, tuân thủ rất nghiêm túc những “quy định” của những người hỗ trợ các thầy.
Thầy Thích Minh Tuệ và đoàn bộ hành trên đất Lào tháng 12-2024. (Ảnh cắt từ video trên YouTube của bạn Lê Khả Giáp. Thanks.)
A Phủ thiển nghĩ, các Phật tử sùng mộ ắt sẽ vui lòng hơn nếu như khi họ quỳ cúng dường và vái lạy ven đường, các thầy không đi lướt qua “như không” (chẳng hiểu có phải theo yêu cầu của các người hỗ trợ?) mà có một cử chỉ nào đó như đưa tay lên ngực (như vừa cảm ơn, vừa chúc lành), mỉm một nụ cười hoan hỉ và nhất là nhìn vào người Phật tử để các ánh mắt giao nhau thiện lành an lạc. A Phủ quả là ái ngại khi nhìn thấy cảnh các thầy bình thản lướt qua những người sùng bái đang quỳ bên đường. (Có người nói rằng khi tu tập theo 13 hạnh đầu đà thì phải buông bỏ, không màng tới chung quanh, thậm chí làm ngơ luôn với các thất tình lục dục thế nhân. Thú thiệt là A Phủ không hiểu về chuyện này thế nào đâu.)
Đành rằng các thầy chỉ ăn mỗi ngày một bữa sáng và không nhận thêm vật cúng dường sau khi đã đủ, nhưng nếu nghĩ tới lòng thành của các Phật tử, các thầy nên nhận tượng trưng mỗi Phật tử một món rồi sau đó đưa cho những người hỗ trợ cất (có xe bán tải chạy theo) để làm từ thiện sau này. Tâm lý của người mộ đạo là cảm thấy hoan hỉ hạnh phúc và có phước khi món vật đâng cúng của mình được chấp nhận. Có những người lặn lội từ hàng chục, nhiều trăm cây số đến để chiêm bái và cúng dường cho các thầy mà nếu không được nhận lễ vật chắc chắn sẽ cảm thấy thất vọng, buồn ơi là buồn, như thể mình không có duyên. Có những khuôn mặt hụt hẫng, ngỡ ngàng mà A Phủ không dám nhìn nữa. A Phủ là phàm nhân tục tử nên hễ khi mình thành tâm muốn biếu tặng ai cái gì mà người đó không nhận thì khó tránh khỏi băn khoăn, đem lòng buồn ít nhiều cho mình không có duyên.
Thầy Thích Minh Tuệ và đoàn bộ hành trên đất Lào tháng 12-2024. (Ảnh cắt từ video trên YouTube của bạn Lê Khả Giáp. Thanks.)
Kể cả chuyện được chụp ảnh cùng các thầy, đặc biệt là với thầy Minh Tuệ, trong thời đại người người selfie mạng xã hội này, cũng là một yêu cầu, mong muốn chính đáng của người sùng mộ. Tất nhiên cái vụ này có người thích, có người chê là phản cảm, nặng tính tôn sùng thần tượng. Cũng biết rằng sẽ gây khó cho những người tổ chức. Và quan trọng nhứt là liệu các thầy có vui lòng hay không? Thực tế là có không ít người không thích hay ngại chụp ảnh. Cái vụ này thì các “hộ vệ” sẽ phải tùy cơ ứng biến sao cho có thể vui lòng cả các thầy lẫn các người sùng mộ, mà ưu tiên luôn phải là cho các thầy. Cái khó là các bạn hỗ trợ phải làm sao để ai cũng có được cái duyên hạnh ngộ này một cách tốt cho tất cả. Có ảnh mà không gây lộn xộn. Không chụp cá nhân được thì chụp tập thể từng nhóm. Sau này, mỗi lần nhìn lại ảnh chụp cùng thầy, những người đó chắc chắn sẽ cảm thấy an lạc hơn. Đó là chuyên tâm lý chớ chưa dám nghĩ tới chuyện tâm linh.
Thầy Thích Minh Tuệ và đoàn bộ hành trên đất Lào tháng 12-2024. (Ảnh cắt từ video trên YouTube của bạn Lê Khả Giáp. Thanks.)
Cho tới nay, các bạn Giáp và Báu cùng anh em đã hỗ trợ 6 thầy rất tốt, nhất là chăm lo và bảo vệ các thầy trong chuyến hành trình vạn dặm mới bắt đầu. Chắc chắc các bạn giàu lòng thành, tâm huyết, chỉ là vẫn còn mới mẻ, chưa đủ kinh nghiệm và sẽ hoàn thiện dần. Có những người nói rằng các thầy tu tập khất thực thì cứ để các thầy tự tu tập, cần chi người theo hộ vệ. A Phủ sực nhớ trong Tây Du Ký, thầy Đường tăng Tam Tạng trên hành trình thỉnh kinh vạn dặm của mình cũng đã cần phải có cả một đội hộ vệ do Tôn Ngộ Không có 72 phép thần thông biến hóa làm “đội trưởng”, cũng như sự trợ giúp khi cần của các đức Phật, thành tiên. Thiệt tình, ngay từ đầu, khi nghe có bạn Lê Khả Giáp và Đoàn Văn Báu “hộ vệ” các thầy, A Phủ rất lấy làm an tâm vì đường dài ở xứ người luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm khôn lường.
Và cuối cùng, các ý kiến của A Phủ chỉ là thiển ý, xuất phát từ cái tạng của A Phủ (chủ yếu “suy bụng ta, ra bụng người”) mà thôi. A Phủ là phàm nhân tục tử còn thất tình lục dục dữ lắm. Trên thế giới xưa nay có hai dạng tu: tu cho chính mình để bản thân mình được giải thoát, và tu để cứu nhân độ thế giúp mọi người cùng được cứu rỗi. A Phủ tôn trọng các cách tu, miễn tu thân tích đức được đã là tốt, vì đường nào cũng dẫn tới La Mã, chỉ khác là một mình mình tới hay cùng nhiều người tới. Và theo cái tạng của mình, A Phủ thích cách thứ hai hơn.
A.P.