Công chúng đang cần thông tin “sạch”
Sự việc 3 YouTuber người Việt định cư ở Mỹ bị tỷ phú công nghệ Mỹ Gerard Williams khởi kiện về tội phỉ báng, vu khống ông chung quanh chuyện lùm xùm với một ca sĩ Việt một lần nữa cho thấy tính bất an trên không gian mạng. Khác với việc ông kiện quật ngược yêu cầu ca sĩ kia bồi thường 1 USD và 2 USD danh dự, lần này nhà tỷ phú đòi bồi thường với số tiền nằm trong phạm vi thẩm quyền của tòa án quyết định, cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
Gần ta nhất là chung quanh chuyến bộ hành từ Việt Nam tới đất Phật Ấn Độ của thầy Thích Minh Tuệ, một người đang tu tập khổ hạnh theo 13 hạnh đầu đà của Đức Phật, cùng một số người tu tập khác. Ngoại trừ thông tin được coi là chính thống từ hai YouTuber cũng là “hộ pháp” của đoàn bộ hành, trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều những thông tin “ăn theo”, tốt thì phụ giúp lan tỏa thông tin; xấu là bóp méo, xuyên tạc thông tin, thậm chí có những ý đồ lừa đảo.
Ảnh do AI Microsoft Copilot DALL-E 3 tạo. Thanks.
Không bi quan, mà người ta cần phải chấp nhận một không gian mạng có xấu, có tốt lẫn lộn. Do không gian mạng là một xã hội ảo không biên giới, xấu tốt đều có cơ hội lan tỏa, và những “bụi cỏ lùng” khó diệt hơn.
Bệnh quỷ cần có thuốc tiên. Nhưng để không gian mạng sạch sẽ và an toàn, chúng ta phải cùng một lúc tiến hành hai công việc: tìm diệt những nguồn thông tin xấu xí, độc hại và chia sẻ, lan tỏa những thông tin tốt đẹp, chính thống.
Năm 2025, cuộc chiến làm trong sạch không gian mạng ở Việt Nam sẽ quyết liệt hơn, có những công cụ pháp lý mạnh mẽ hơn. Kể từ ngày 25-12-2024, khi Nghị định 147/2024/NĐ-CP về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Iinternet và thông tin trên mạng” do Chính phủ ban hành ngày 9-11-2024 chính thức có hiệu lực thi hành, chỉ có các tài khoản đã xác thực nhân thân chủ tài khoản mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Nghĩa là về lý thuyết, người ta không thể tiếp tục lợi dụng đặc tính ẩn danh trên mạng xã hội để muốn nói gì, làm gì thì thoải mái tự nhiên, mà phải có và chịu trách nhiệm hơn. Đặc biệt, khi tài khoản mạng xã hội đăng nội dung xâm phạm an ninh quốc gia như xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc; xuyên tạc chính quyền nhân dân,…và có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền, mạng xã hội sẽ phải khóa vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội đó. Ngoài ra, những tài khoản mạng xã hội bị tạm khóa từ 3 lần trở lên do thường xuyên đăng tải nội dung vi phạm pháp luật cũng sẽ bị khóa vĩnh viễn. Tất nhiên, nếu đăng tải những nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật, chủ tài khoản mạng xã hội còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, giải pháp tích cực là các nguồn thông tin, từ cá nhân, tổ chức đến các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc chia sẻ, lan tỏa thông tin chính thống, nội dung tốt đẹp, hữu ích, lành mạnh trên các nền tảng mạng xã hội. Đâu là tuyệt chiêu dùng ánh sáng để đẩy lùi bóng tối.
Thực tế là công chúng đang rất cần các thông tin lành mạnh, sạch, chính xác và chính thức từ các nguồn chính thống. Chính các nguồn này đóng vai trò là các nguồn để người dùng mạng kiểm chứng các thông tin đang lan truyền trên mạng, đặc biệt là các thông tin nóng sốt. Sẽ tốt cho tất cả nếu các tổ chức, cơ quan – kể cả của chính quyền – đưa vào danh sách các nhiệm vụ của mình cả hoạt động cung cấp thông tin chính thức trên các mạng xã hội. Hiện nay, ngày càng có thêm nhiều cơ quan Nhà nước lập tài khoản chính thức trên các mạng xã hội có nhiều chục triệu, thậm chí nhiều trăm triệu người sử dụng, và phải khai thác tối đa công cụ này.
Bản in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 5-1-2025 và trên báo NLĐ Online.
HOÀI XUÂN