Mùa Tết, lan tỏa văn hóa Việt và những điều tốt lành trên mạng xã hội
Trong thời đại số hóa và Internet này, con người sống song song cả hai cuộc sống thật và ảo. Và với những đặc thù của mình, cuộc sống trên không gian ảo vi diệu, biến hóa muôn màu muôn vẻ. Với tính ẩn danh và kết nối không ranh giới, biên giới, không gian mạng thực tế có xấu, có tốt xen lẫn nhau, và điều tốt lành hay cái xấu xí độc hại đều có cơ hội lan rộng toàn cầu. Và trong những biện pháp làm trong sạch không gian mạng, các chuyên gia luôn nhấn mạnh tới việc chia sẻ cái tốt đẹp càng nhiều càng tốt để chế ngự những khoảng tối.
Việt Nam lâu nay được đánh giá nằm trong số những nước top đầu về phủ rộng Internet và sử dụng thiết bị di động. Điều đó dẫn tới tỷ lệ người dùng các mạng xã hội ở Việt Nam rất cao. Theo số liệu thống kê của Digital 2024: Việt Nam, vào thời điểm đầu năm 2024, Việt Nam có 72,70 triệu người dùng các mạng xã hội (chiếm 73,3% số dân).
Ảnh do AI Microsoft Copilot DALL-E 3 tạo. Thanks.
Không chỉ tương tác tìm kiếm thông tin, kết nối liên lạc với nhau, người ta còn lan tỏa nội dung các kiểu trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube,…
Theo Dữ liệu nội bộ YouTube 2024, tính đến tháng 6-2024, YouTube đã đạt mốc 50 triệu người dùng trên 18 tuổi tại Việt Nam (chiếm hơn 90% người dùng Internet ở Việt Nam). Sau 10 năm có mặt chính thức tại Việt Nam, nền tảng video YouTube đã ghi nhận sự thành công của nhiều nhà sáng tạo Việt Nam với hơn 1.800 kênh vượt mốc 1 triệu người đăng ký (Nút Vàng) và trên 24.000 kênh sở hữu hơn 100.000 người đăng ký (Nút Bạc). Sức ảnh hưởng của cộng đồng YouTube tại Việt Nam còn lan tỏa trên phạm vi toàn cầu với hơn 50% thời lượng xem các nội dung được sản xuất bởi người Việt đến từ khán giả quốc tế.
Vì thế, sẽ tốt đẹp cho tất cả nếu như chúng ta có thể tập trung được sức mạnh của mạng xã hội điều hướng vào mục tiêu lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Bên cạnh việc khuyến khích các YouTuber, TikToker, Facebooker,… sáng tạo những nội dung tốt lành, bổ ích, các cơ quan và tổ chức có liên quan, ngay cả cơ quan nhà nước, có thể hợp tác với các mạng xã hội tổ chức những chương trình, những dự án để thu hút được nhiều người làm nội dung trên các mạng xã hội. Chẳng hạn như những ngày hội, dự án, cuộc thi, giải thưởng,…
Trong năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực tìm tòi những cách làm hữu hiệu để quản lý không gian mạng xã hội vừa hiệu quả, vừa hữu ích cho cộng đồng. Với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tin tích cực đẩy lùi tiêu cực, Bộ đã khuyến khích những người của công chúng KOL đồng hành cùng mình để chia sẻ, lan tỏa những nội dung lành mạnh, bổ ích trên các mạng xã hội.
Mùa Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 này là một cơ hội tốt để huy động lực lượng KOL cùng lan tỏa những nét đẹp văn hóa Việt, từ phong tục tập quán đến những hoạt động vui chơi Tết truyền thống tốt đẹp lên không gian mạng xã hội. Làm được điều này, mạng xã hội sẽ trong lành hơn, đồng thời có thể truyền năng lượng tích cực cho cộng đồng bước vào năm mới. Có thể bắt đầu ngay từ các tài khoản mạng xã hội của các khu phố, thôn ấp, bản làng. Nhưng hãy khai thác tối đa thế mạnh của các YouTuber, TikToker, Facebooker chớ đừng làm theo lối mòn cũ đậm màu sắc tuyên truyền chính trị kém hiệu quả.
Thay vì để cho mọi loại cỏ cây mọc hoang dại, cớ sao ta lại không xắn tay vào vun trồng chúng làm đẹp cho cuộc đời? Sức mạnh tiềm tàng của các KOL nếu biết điều hướng về những mục đích tích cực chắc chắn sẽ tốt đẹp cho cả họ lẫn cộng đồng.
Bản in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 19-1-2025 và trên báo NLĐ Online.
HOÀI XUÂN